13/07/2013 08:01 GMT+7

Bức xúc chuyện hạt lúa, con cá

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Ngày 12-7, kỳ họp HĐND tỉnh An Giang tiếp tục phiên chất vấn, nội dung tập trung về tình hình lúa gạo, cá tra khó tiêu thụ, nông dân thua lỗ.

vXs8JdZX.jpgPhóng to
Cánh đồng mẫu lớn ở Thoại Sơn (An Giang) giúp nông dân đảm bảo tiêu thụ, lợi nhuận cao - Ảnh: Đ.VỊNH

Đại biểu Hồ Chánh Giám đặt vấn đề trồng lúa vụ hè thu luôn gặp thời tiết bất lợi, chi phí cao lại khó bán, giá thấp, từ đó có ý kiến nên chuyển qua trồng màu, thế nhưng trồng màu liệu có đảm bảo được đầu ra? Mặt khác, tình hình tiêu thụ lúa hiện đang gặp khó thì có nên giảm diện tích trồng lúa vụ ba?

Nâng chất lượng lúa

Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Thị Yến Nhi trả lời ngành nông nghiệp tỉnh sẽ nghiên cứu triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng lúa hè thu, tập trung trồng lúa chất lượng cao, đồng thời chỉ cho chuyển một số diện tích qua trồng màu ở những nơi được doanh nghiệp bao tiêu có hợp đồng. Năm nay chỉ sản xuất vụ ba trong vùng đê bao ổn định đúng theo lịch thời vụ, diện tích còn lại sẽ cho xả lũ.

Về cá tra, theo bà Nhi, hiện nay giá thành nuôi 23.000-24.000 đồng/kg, trong khi doanh nghiệp mua vào chỉ 18.000-19.000 đồng/kg. Hiện nay các doanh nghiệp đã tự đầu tư vùng nuôi riêng đảm bảo được 61% nhu cầu chế biến của mình nên cũng hạn chế đầu tư cho nông dân nuôi gia công và mua cá bên ngoài khiến người nuôi bỏ nghề hàng loạt. “Đối với cá tra, tình hình khó khăn còn kéo dài, vì vậy chỉ phát triển nuôi theo hướng quản lý nâng cao chất lượng, có sản lượng phù hợp với năng lực chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp. Song song đó, ngành sẽ hỗ trợ nông dân phát triển nuôi những loại vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao” - bà Nhi nói.

Về tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên ở An Giang tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm (321 vụ hình sự, tăng 46,57% so với cùng kỳ năm ngoái), ông Vương Bình Thạnh yêu cầu ngành công an cùng chính quyền địa phương phải triển khai ngay các biện pháp tích cực để ngăn chặn. “Nơi nào để xảy ra nhiều vụ tội phạm thì chủ tịch và trưởng công an địa phương đó sẽ bị xử lý về chính quyền, về mặt Đảng” - ông Thạnh tỏ ra cương quyết.

Đại biểu Lê Tuấn Khanh nêu thắc mắc ngành nông nghiệp khuyến cáo trồng lúa chất lượng cao, nhưng thực tế không chỉ lúa chất lượng thấp mà cả lúa chất lượng cao cũng khó bán, giá thấp. Giám đốc Sở Công thương Mai Thị Ánh Tuyết giải thích do gần đây tình hình chung xuất khẩu gạo đang gặp khó, tuy nhiên về lâu dài gạo chất lượng cao xuất khẩu sẽ có nhiều triển vọng, giá sẽ cao lên.

Nhân rộng cánh đồng mẫu lớn

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh cho rằng chưa bao giờ hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của An Giang cũng như của ĐBSCL gặp khó khăn chất chồng như đầu năm nay. Tiêu thụ khó, giá bán thấp, trong khi giá thành sản xuất tăng cao khiến không chỉ nông dân thua lỗ mà cả doanh nghiệp cũng khốn đốn. Tỉnh đã thực hiện các biện pháp tháo gỡ về vốn, phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như nội địa. Về lúa gạo, tỉnh yêu cầu giám sát chặt việc mua tạm trữ đảm bảo tiêu thụ thuận lợi cho dân nên mấy ngày qua giá lúa đã nhích lên 300 đồng/kg. Nếu hết thời hạn mà lúa vẫn còn đọng sẽ đề nghị Chính phủ cho mua tạm trữ tiếp.

Ông Thạnh cho biết chiều 11-7, sau khi làm việc với một số tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng đã đồng ý tới đây sẽ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất tiêu thụ nông sản với việc nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, kèm theo việc hỗ trợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp và nông dân tham gia mô hình. Đồng thời sẽ bổ sung điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu tập trung qua bao tiêu sản phẩm với nông dân. Theo ông Thạnh, khi sản xuất theo mô hình này doanh nghiệp cung ứng vật tư có chất lượng với giá gốc, không qua trung gian nên giá thành giảm được 22%. Mặt khác bao tiêu giá ổn định sẽ giúp người trồng lúa có lãi 30% trở lên. Đây là biện pháp căn cơ đảm bảo khâu tiêu thụ giúp nông dân nâng cao thu nhập, do đó ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp phải sớm chủ động triển khai nhân rộng mô hình, ngoài ra cần gấp rút tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao.

“Không nhất thiết tập trung trồng lúa mà chuyển đổi cây trồng, khi cần đảm bảo an ninh lương thực thì quay lại trồng lúa. Nhưng chuyển qua trồng màu thì nhất thiết phải đảm bảo được đầu ra cho dân. Đối với con cá tra cũng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Thạnh nói.

Chiều cùng ngày, HĐND tỉnh An Giang đã bế mạc.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất

Trước đó, chiều 11-7, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu. Kết quả: ông Nguyễn Quốc Khánh, phó chủ tịch HĐND tỉnh, có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất (55 phiếu, tỉ lệ 78,57%), 8 phiếu tín nhiệm và 1 phiếu tín nhiệm thấp (1,42%). Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là thiếu tướng Dương Thái Nguyên, giám đốc Công an tỉnh, với 12 phiếu tín nhiệm thấp (17,14%), 30 phiếu tín nhiệm cao và 23 phiếu tín nhiệm.

Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: “Tôi nghĩ kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân”.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp