1. Trong bộ phim tài liệu Chuyện ngày hôm qua về ban nhạc Bức Tường, nghệ sĩ guitar Tuấn Hùng từng thổ lộ rằng Trần Lập sinh ra với sứ mệnh rất đặc biệt, còn sự xuất hiện của bản thân anh và những người anh em khác là để hỗ trợ cho Trần Lập thực hiện sứ mệnh ấy.
Tự nhận mình chỉ vào vai phụ trong câu chuyện của ban nhạc rock huyền thoại Việt Nam, thế nhưng mọi chuyện ra sao khi giờ đây, những người vào vai phụ ấy ngày nào giờ buộc phải vào vai chính?
Câu trả lời là họ thực sự đã thay Trần Lập làm tất cả những gì anh sẽ làm nếu anh vẫn còn đây.
Thời sinh viên, Trần Lập từng động viên bạn bè rằng mình phải có các sáng tác riêng thì mới tồn tại được, và lúc này, bạn bè anh không chỉ gìn giữ Bức Tường như một kỷ niệm tươi đẹp đã trôi qua, họ tiếp tục đắp thêm những viên gạch mới cho Bức Tường với album phòng thu thứ hai của thời kỳ hậu Trần Lập, Cân bằng.
Một mặt, những sáng tác rock mới của hai tay guitar Tuấn Hùng và Vũ Văn Hà giống như một cuộc đối thoại ngầm với âm nhạc của Trần Lập.
Những hình ảnh và chủ đề mà Trần Lập từng say mê viết như tìm thấy một sự tái sinh trong các ca khúc này:
Mùa hè đi qua mang cảm thức về hồi ức tình yêu đã xa dần song hành với sự tan biến của thời gian, gợi ta nhớ về Cơn mưa tháng 5; Hình ảnh bông hồng xanh không thể tìm thấy giữa rừng hoang vu trong Bông hồng xanh cũng thấp thoáng bóng dáng bông hồng thủy tinh mong manh thuở nào; còn bài tụng ca về những chiến binh tiến tới vinh quang Tình yêu bất tử là sự hòa trộn của chất sử liệu trong album Đất Việt và tinh thần hiên ngang vượt gian lao trong những ca khúc thời kỳ đầu như Đường đến ngày vinh quang.
Bức Tường ở Cân bằng vẫn là ban nhạc của những đại tự sự, hướng đến hình mẫu đấng nam nhi sòng phẳng với số phận, quyết chí vươn lên cái thiện tuyệt đối.
Cân bằng hòa quyện giữa giọng hát gai góc của Phạm Anh Khoa, tiếng guitar kiêu dũng tự tin, đôi khi là phần đệm mãnh liệt của dàn giao hưởng, cùng lời ca chất chứa các cụm từ chắc nảy như "khát vọng", "ước mơ", "chân trời vời vợi", "hướng tới ánh sáng"...
2. Không chọn kể về những vụn vỡ riêng tư, nhạy cảm băn khoăn một cách có phần nữ tính; âm nhạc của Bức Tường hướng đến tính khái quát những vấn đề nhân quần như sự hư phù của vinh hoa, sự luân phiên của bĩ cực thái lai.
Là âm nhạc của những người đàn ông trung niên đã trải qua mất mát lớn lao, Cân bằng liên tục nhắc đi nhắc lại về sự chóng qua của cuộc đời, chẳng hạn một đoạn trong bài Được và mất: "Sống từng ngày vội vã, ước thời gian còn mãi".
Nhưng mặt khác, album cũng có sự đối thoại với một lớp khán giả mới, những người không lớn lên cùng Bức Tường, không có mặt trong những buổi diễn đông nghẹt ở các trường đại học hay chẳng biết SV96 là chương trình gì.
Ngay từ ca khúc chủ đề, cũng là tựa đề của album này, Cân bằng, ta đã có thể thấy một điều mới chưa từng thấy ở Bức Tường trước đây.
Chục năm trước, có lẽ nằm mơ ta cũng không bao giờ thấy có sự liên kết giữa Bức Tường và khái niệm "cân bằng".
Bức Tường phải là hết mình, là đốt hết nhiên liệu, là "xua tan bóng tối lùi xa". Nhưng không, lần này, họ kiếm tìm một quan điểm hạnh phúc có tính thời đại hơn. Họ giống như những người sống để kể lại cho các thế hệ người nghe trẻ hơn họ vài chục tuổi.
Cuộc tiếp bước của Bức Tường có thể phần nào gợi cho người yêu rock về tiến trình phát triển của ban nhạc vĩ đại Pink Floyd (tình cờ thay cũng có một album nổi tiếng mang tên The Wall - Bức tường).
Ban nhạc này cũng từng phải nói lời chia tay nhà sáng lập của mình vì bệnh tật (dù Syd Barrett khi ấy chưa bị bệnh tật cướp đi tính mạng), nhưng rồi những người ở lại vẫn viết tiếp những chương phi thường mới.
Câu hát ngày nào của Trần Lập giờ đã ứng nghiệm vào ban nhạc mà anh đã đưa tới đỉnh cao: "Để hôm qua sau lưng, cất bước quay trở về".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận