14/05/2015 09:21 GMT+7

“Bức tường cao ốc” ven biển Nha Trang

HU.H. - P.S.NGÂN - D.THANH
HU.H. - P.S.NGÂN - D.THANH

TT -  Bức tường cao ốc sừng sững trên bãi biển Nha Trang là bài học cho các địa phương khác rút kinh nghiệm trong sử dụng “đất vàng”

“Bức tường cao ốc” trên đường Trần Phú (Nha Trang) - Ảnh: Tiến Thành
“Bức tường cao ốc” trên đường Trần Phú (Nha Trang) - Ảnh: Tiến Thành

Để xuất hiện bức tường cao ốc sừng sững trên bãi biển là bài học cho các địa phương khác rút kinh nghiệm trong sử dụng “đất vàng” bởi giờ đây TP Nha Trang (Khánh Hòa) có muốn sửa sai cũng không thể…

Tôi vẫn thường nói với mấy anh lãnh đạo tỉnh là mấy anh làm một, hai nhiệm kỳ, còn dân là vĩnh cửu. Kinh tế thì rất quý, nhưng đâu phải cái gì cũng phải phát triển kinh tế. Ví dụ như bãi biển Nha Trang, nếu đời anh này lãnh đạo cho ông doanh nghiệp này xí một phần, đến anh kia lãnh đạo lại cho ông khác xí một phần thì tương lai dân chẳng còn chỗ nào nghỉ dưỡng hết

Ông Nguyễn Thiết Hùng

(nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa)

Phía tây đường Trần Phú ven biển Nha Trang đang hình thành một “bức tường cao ốc”. Còn ở phía đông, trên công viên bãi biển và mặt biển, đang bị quy hoạch cho xây những công trình bêtông, có công trình cao hơn 40 tầng.

Quy hoạch cũ bị phá vỡ

Đường Trần Phú hơn 20 năm trước là một trong những con đường có cảnh quan đẹp với những biệt thự, tòa nhà thấp có sân vườn rộng hướng mặt ra biển. Thế nhưng từ năm 1996 khi khách sạn Lodge 13 tầng được xây dựng ở đây đã mở ra “cuộc đua” nhà cao tầng ken dày trên con đường này.

Các khách sạn: Yasaka Saigon Nha Trang 11 tầng, Sunrise Nha Trang 12 tầng, Novotel Nha Trang 18 tầng, Sheraton Nha Trang 33 tầng... lần lượt mọc lên.

Đến tháng 11-2010, khi tạp chí National Geographic với cuộc bỏ phiếu của 340 chuyên gia quốc tế nổi tiếng đã bình chọn Nha Trang vào nhóm các bãi biển tồi nhất thế giới với đánh giá: “Nơi này đã bị phát triển quá mức mà không được kiểm soát chặt, kỹ; những bờ biển dài giờ đã bị biến mất và “vẻ đẹp thiên nhiên đến ngạc nhiên” ở nơi này đang bị đe dọa nghiêm trọng”. 

Tại cuộc họp báo nói về sự bình chọn này, có nhiều ý kiến lưu ý đến việc cấp phép đầu tư, xây dựng các công trình trên đường Trần Phú cần đảm bảo độ cao hợp lý, hài hòa về không gian, bảo đảm thông thoáng, không che chắn.

Thế nhưng sau đó trên con đường này lại mọc lên nhiều khách sạn cao tầng hơn, lớn hơn như The Costa 29 tầng, Best Western Premier - Havana 41 tầng, Mường Thanh Quê Hương 46 tầng... Hệ thống khách sạn này ken dày giống như một “bức tường cao ốc” làm xấu đi cảnh quan bờ biển Nha Trang.

KTS Nguyễn Văn Lộc - nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa - cho biết cách đây hơn 20 năm, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa I và UBND tỉnh nhiệm kỳ 1989-1994 đã có quy định: Thứ nhất, ở phía tây đường Trần Phú cho xây nhà nhiều tầng nhưng phải xây cách ra chứ không được san sát nhau như hiện nay.

Thứ hai, phần bề mặt rộng nhất của công trình không được giăng ngang ra mặt biển, mà phải xây dọc theo hướng đông - tây. Thứ ba, về độ cao chỉ cho xây các tòa nhà từ 5-6 tầng trở xuống. “Quy định như vậy là để giữ được những khoảng “không gian hở” cho gió biển thổi được vào các khu bên trong thành phố”- ông Lộc lý giải.

Theo ông Lộc, quy định của tỉnh Khánh Hòa trước đây là vậy, nhưng rồi qua các đời lãnh đạo tỉnh cứ cho phép xây dựng lấn dần vượt lên, dẫn đến tình trạng đua nhau giăng kín ven biển Nha Trang.

Đầu tiên phải nghĩ đến cộng đồng

Ở phía đông đường Trần Phú mặc dù có nhiều ý kiến không đồng tình nhưng ngày 17-10-2014, ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vẫn ký quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu vực này và phía đông đường Phạm Văn Đồng.

Theo đó, trên bãi biển và mặt nước biển thuộc danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang vẫn xây dựng nhiều công trình như Tập đoàn Dewan (Ấn Độ) đề xuất và đã bị dư luận phản đối. Trong đó, tại khu công viên di tích danh thắng quốc gia Hòn Chồng - Hòn Đỏ cho xây dựng nhiều công trình, nhà hàng, gồm cả khu khách sạn được xây 1-4 tầng, không kể phần ngầm.

Tại khu phía nam cầu Trần Phú vẫn quy hoạch cho xây dựng khu “tổ hợp cao ốc vườn Phoenix” chiếm hơn 48.400m2 đất và mặt nước danh thắng vịnh Nha Trang, cao 40-65 tầng cùng “tổ hợp khách sạn dịch vụ” cao 40-45 tầng.

Quy hoạch này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà chuyên môn khi tháng 2-2014, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật (KHKT) Khánh Hòa đưa ra lấy ý kiến. Ông Bùi Dũng - khi đó là chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa - cho rằng: “Đây là một thiết kế hoàn toàn thương mại chứ không mang tính chất phục vụ cộng đồng”.

Mới đây, nói về quy hoạch trên, ông Nguyễn Thiết Hùng - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng du khách yêu quý Nha Trang vì có dải bờ biển đẹp với hai phần: phía trên là dải công viên xanh rợp mát bóng cây, nơi để người dân, du khách ngồi nghỉ dưỡng, ngắm biển, đọc sách, sinh hoạt chung; phía dưới là bãi cát trắng để tắm nắng, khởi động bơi biển.

“Quy hoạch mới thì trên bãi biển thơ mộng này có thêm những kiến trúc mới và lãnh đạo tỉnh nói là đẹp, là kinh tế vì ước thu ngân sách lớn. Trên dải công viên đó có một số công trình lớn, cao vài chục tầng, mỗi năm mỗi đơn vị đóng góp ngân sách vài chục tỉ đồng, các anh lãnh đạo nói lấy đó để đầu tư lại cho dân sinh, xã hội. Nhưng chúng tôi nghĩ nếu đầu tư theo hướng khác - hướng cộng đồng, không phải cộng đồng của riêng Nha Trang mà của cả VN - thì chưa chắc đã không kinh tế bằng các công trình cao ốc kia” - ông Hùng so sánh. 

Ông phân tích: Hãy làm cho bãi biển cát trắng và dải công viên biển đẹp hơn, sạch hơn, thuận lợi hơn cho mọi người đến mức giả sử như không có bãi biển nào ở VN sánh bằng, thì du khách khắp nơi sẽ đổ về đây đông đúc hằng ngày.

“Như vậy, người dân Nha Trang, Khánh Hòa được nghỉ dưỡng, tắm biển thoải mái. Còn du khách trong nước và quốc tế đến đây, sau khi hưởng thụ thiên nhiên biển, họ lưu trú tại khách sạn, ăn ở nhà hàng, chắc chắn tỉnh sẽ thu được ngân sách không nhỏ” - ông Hùng nói.

Tuy nhiên quy hoạch cho cộng đồng, theo ông Hùng, không chỉ nói riêng về kinh tế được, mà trước hết phải tính đến phục vụ người dân lao động, những người thu nhập thấp...

Theo ông Hùng, cũng cần phải tính đến việc quy hoạch và xây dựng các công viên biển cho đường Phạm Văn Đồng (đường Trần Phú nối dài về phía bắc Nha Trang). Bây giờ những nơi này còn hoang sơ, dân ít, nên không thể vì lý do đó mà cho xây dựng các công trình kiên cố ở phía đông, mà phải giữ gìn để khi có điều kiện là làm các công viên biển như ở phía đông đường Trần Phú.

Có cách nào cứu vãn không?Trả lời câu hỏi này, KTS Nguyễn Văn Lộc cho rằng: “Với những công trình cao tầng đã hoàn thành cao ngất tới mấy mươi tầng thì khó mà sửa chữa. Chỉ thể giữ lại đối với những khu vực còn lại hiện nay chưa xây dựng nhưng phải cấp phép xây dựng theo đúng những gì mà tỉnh Khánh Hòa đã từng quy định từ trước đây, may ra mới còn được đôi chỗ “để thở” cho bên trong thành phố”.

 

HU.H. - P.S.NGÂN - D.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp