Bức tranh kinh tế 2021 được "vẽ" nên bởi những gam màu sáng - tối bởi những hệ lụy của dịch bệnh, trong đó đầu tàu kinh tế TP.HCM là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về cả nhân mạng lẫn tăng trưởng kinh tế - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Để có được những thành quả tích cực qua một năm đầy biến cố 2021, các doanh nghiệp, các chuyên gia đều nhận định từng doanh nghiệp, từng ngành và cả nền kinh tế đã nỗ lực để ngăn đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì sản xuất và bứt tốc phục hồi trước làn sóng COVID-19 lần thứ 4 càn quét nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Kỷ lục Guinness về tăng trưởng GDP
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng bao trùm lên vấn đề kinh tế 2021 đó là câu chuyện biến chủng Delta tác động đến Việt Nam từ giữa tháng 5, hệ lụy kéo dài cả năm về cả sinh mạng lẫn nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Ngân điểm lại năm 2021 bắt đầu bằng một sự kiện đặc biệt vào ngay tháng 1, Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong đó xác định được mục tiêu hướng đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
"Mục tiêu lớn, thể hiện sự khát vọng vươn lên của dân tộc, bắt nhịp với thế giới. Đây là điểm nhấn, chủ đề xuyên suốt triển khai các vấn đề kinh tế, dựa vào đường lối, kim chỉ nam đó" - ông Ngân nói.
Đến tháng 5, Việt Nam xuất hiện biến chủng Delta gây ra các hệ lụy, khiến đến 30.000 người tử vong và tác động lớn đến nền kinh tế.
Theo ông Ngân, GDP Việt Nam chưa bao giờ tăng trưởng âm song quý 3, kinh tế Việt Nam âm 6,17%, đây có thể xem là "kỷ lục Guinness của Việt Nam", trong khi TP.HCM tăng trưởng âm 24,97%.
"Từ lúc đổi mới từ năm 1986 đến nay chưa có khi nào âm sâu như vậy. Và đây là sự kiện kinh tế không thể bỏ qua. Trong khi đó, TP.HCM lúc nào cũng là tăng trưởng gấp 1,2-1,5 lần bình quân so với cả nước nhưng năm 2021 lại tăng trưởng âm đến 6,78%" - ông Ngân nói.
Theo ông Ngân, GDP Việt Nam tăng trưởng âm song quý 3 có thể xem là "kỷ lục Guinness của Việt Nam"
Một giai đoạn sản xuất chưa từng có
Tuy nhiên, dù đại dịch phức tạp nhưng điểm lại sự thích ứng, thay đổi của doanh nghiệp trước COVID-19, ông Ngân cho hay một điểm nhấn trong duy trì sản xuất của doanh nghiệp đó là "vừa sản xuất, vừa cách ly" tại các nhà xưởng với các mô hình chưa từng có như "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến".
Vào thời điểm cấp bách từ tháng 7-2021, các doanh nghiệp muốn giữ lao động, giữ sản xuất và giữ mục tiêu xuất khẩu buộc phải sản xuất theo kiểu… thời chiến. Dù vậy, ông Ngân cho rằng điều đáng buồn là số lượng doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động trong năm qua cũng cao nhất từ trước đến nay.
Nói về giai đoạn sản xuất này, ông Trần Như Tùng - chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công - cho biết khi TP quyết định phải "3 tại chỗ" để sản xuất, doanh nghiệp này tính toán nếu tiếp tục sản xuất cũng sẽ lỗ, song khoản lỗ sẽ nhẹ hơn ngưng hẳn sản xuất.
Song để giữ công ăn việc làm, giữ đơn hàng, doanh nghiệp này quyết định "3 tại chỗ" đối với 2.000 công nhân trên tổng số 7.500 công nhân từ ngày 18-7, một mô hình sản xuất đặc biệt mà doanh nghiệp này chưa từng áp dụng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bé - chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM - cho biết trong cao điểm dịch, có gần 700 nhà máy, doanh nghiệp trong 18 khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", giúp giữ được chuỗi cung ứng, duy trì xuất khẩu và công ăn việc làm cho người lao động.
Chứng khoán, bất động sản đều tăng vọt
Bên cạnh sản xuất, ông Trần Hoàng Ngân cho biết điểm nhấn trên thị trường chứng khoán khi liên tục cán mốc đỉnh và giá giao dịch bất động sản tăng vọt cũng là những nét nổi bật của 2021.
Theo ông Ngân, 2 đợt khủng hoảng toàn cầu năm 1997 và giai đoạn 2008-2009, cả chứng khoán lẫn bất động sản đều… rớt. Nhưng năm nay, dù Việt Nam gặp khó khăn, cả chứng khoán và bất động sản đều lên.
"Đây là sự tương phản, giá chứng khoán lên có nhiều mặt, nếu nhìn tích cực thì điều này giúp phần tái cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam mà lâu nay chưa làm được" - ông Ngân nói.
Ngoài ra, ông Ngân cũng cho hay "điểm sáng" đậm hơn bật lên từ hệ lụy của dịch là quá trình chuyển đổi kinh tế số, giao dịch không tiền mặt.
Theo ông ngân, vì dịch mà năm qua làm việc online, họp, giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử... đã tăng tốc mạnh, chiếm ưu thế ở nhiều thời điểm, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. "Nhìn một cách tổng quan, hoạt động kinh tế số tăng trưởng tốt bởi những sức ép từ dịch bệnh" - ông Ngân khẳng định.
Điểm lại "10 sự kiện kinh tế nổi bật 2021"
Dù trải qua năm 2021 đầy biến động bởi COVID-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều 'điểm sáng' ở từng doanh nghiệp, từng ngành nghề... Cùng với sự tham gia của chuyên gia kinh tế, báo Tuổi Trẻ đã chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm qua.
Theo bộ tiêu chí của Tuổi Trẻ, các sự kiện này phải đáp ứng các yêu cầu như: sự kiện mới trong năm và mang tầm quốc gia, trở thành từ khóa nổi bật trên Google, tác động đến số đông công chúng, tạo tiếng vang quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam và được nhiều bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online bình chọn…
10 sự kiện kinh tế tiêu biểu này được Tuổi Trẻ công bố nhằm giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh kinh tế 2021, hướng đến năm 2022 đầy kỳ vọng.
10 sự kiện kinh tế nổi bật gồm:
* Xác định mục tiêu Việt Nam "hóa rồng" năm 2045: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
* "Cột mốc hồi sinh 128": Nghị quyết 128 cho phép chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã tạo tiền đề để các địa phương mở cửa trở lại.
* GDP tăng trưởng dương bất chấp đại dịch: Dù gặp nhiều khó khăn, có quý tăng trưởng âm nhưng GDP 2021 vẫn tăng trưởng dương.
* Chứng khoán bùng nổ: Thị trường chứng khoán bùng nổ, phá vỡ nhiều kỷ lục với VN-Index lần đầu vượt mốc 1.500 điểm sau 20 năm.
* Sản xuất theo kiểu "thời chiến": Lần đầu tiên sản xuất quay trở lại kiểu "thời chiến", nhà xưởng là pháo đài, một cách sản xuất chưa có tiền lệ như "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến"...
* "Đại bàng" tỉ đô vẫn đến Việt Nam trong đại dịch: Tập đoàn LEGO đầu tư nhà máy trung hòa carbon tại tỉnh Bình Dương, tổng vốn 1 tỉ USD cùng nhiều dự án FDI lớn khác.
* Kỷ lục về đấu giá đất: Một mảnh đất ở Thủ Thiêm, TP.HCM được bán đấu giá thành công với mức giá hơn 2,4 tỉ đồng/m2.
* VinFast "mang chuông đi đánh xứ người": Hãng xe Việt tung 2 mẫu xe điện trên đất Mỹ, cạnh tranh với các ông lớn ôtô điện thế giới.
* Thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt "lên ngôi": Dịch COVID-19 được đánh giá là "chất xúc tác" để thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam.
* Đón khách quốc tế trở lại: Việc Chính phủ đồng ý lộ trình mở cửa đón khách quốc tế trở lại, góp phần phục hồi kinh tế đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và du khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận