19/11/2020 11:14 GMT+7

Bức thư viết vội trong phòng cấp cứu

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - 'Mẹ con vì lo lắng tiền sinh hoạt, tiền nhập học cho con sắp tới nên đổ bệnh, phải nhập viện cấp cứu. Nằm ở bệnh viện, hai mẹ con ôm nhau khóc...'.

Bức thư viết vội trong phòng cấp cứu - Ảnh 1.

Do dịch COVID-19 nên Quang không thể đi làm thêm. Ở nhà, em thường lấy củi, nấu ăn giúp mẹ ốm đau không thể làm được việc nặng nhọc - Ảnh: NHẬT LINH

Đó là dòng tâm tình trong bức thư mà tân sinh viên Phạm Văn Quang gửi cho chương trình "Tiếp sức đến trường" ở Huế khiến chúng tôi không khỏi xúc động.

“Nhiều hôm tôi ngang qua lớp giờ ra chơi, thấy Quang vẫn ngồi cặm cụi tại bàn học để giải bài tập khó. Thầy cô và bạn bè đều quý thương em cả hoàn cảnh lẫn sự vươn lên trong học tập.

Thầy LÊ TUẤN ANH (chủ nhiệm lớp 12 của Quang ở Trường THPT An Lương Đông, huyện Phú Lộc)

Nơi căn nhà ở vùng lũ

Chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của tân sinh viên Phạm Văn Quang nằm tít sâu trong thôn Đông An (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) cạnh dòng sông Truồi nước cuộn chảy. Trận lũ vừa qua, nước từ dưới sông tràn vào căn nhà ngập ngang đầu gối người đi.

Trên chiếc giường ọp ẹp, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyết (mẹ Quang) người ốm nhom, cố gượng dậy chào khách. 

Bà Tuyết kể rằng ba Quang mất sớm vì ung thư, một mình bà gồng gánh nuôi hai anh em Quang ăn học. Thu nhập chính của cả gia đình đều nhờ cả vào chiếc ghế gội đầu đặt cạnh chiếc giường cũ đã phủ đầy bụi.

Từ ngày trở bệnh, bà Tuyết không thể làm được việc gì. Thu nhập chính hằng ngày khoảng 40.000 đồng từ việc gội đầu thuê cho người trong thôn cũng mất đi. Thương mẹ, Quang xin đi rửa ly, bưng bê tại một quán cà phê gần nhà để vừa chăm mẹ, vừa kiếm thêm thu nhập. 

Ấy vậy mà dịch COVID-19 tràn tới, quán cà phê cũng đóng cửa theo chỉ thị giãn cách của tỉnh nên Quang thất nghiệp từ đó đến nay.

"Hàng xóm thương tình hai mẹ con nên cũng cho ít gạo, nước mắm để sống qua ngày. Anh trai Quang đang là sinh viên ở Đà Nẵng cũng xin làm bưng bê tại một quán cơm để tự lo cho bản thân" - bà Tuyết nghẹn ngào kể.

Khổ cực không cản được nỗ lực

Dù ăn không đủ no với cậu trai đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng suốt mấy năm liền Quang luôn là học sinh khá giỏi. Những tấm giấy khen treo kín một góc tường ẩm thấp là minh chứng rõ nhất nỗ lực của Quang mấy năm qua. 

Đặc biệt là tấm giấy khen giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi môn hóa cấp huyện và giải ba kỳ thi chọn học sinh giỏi cũng môn hóa cấp tỉnh.

Cuộc sống vốn nghèo lại càng khó khăn hơn sau trận lũ lịch sử ở Huế vừa qua. Nước sông Truồi cuộn thẳng vào căn nhà nhỏ khiến đồ đạc gần như bị ướt hết cả. Quang chỉ kịp dìu người mẹ đau ốm lên gác trên tránh lũ rồi nhìn xuống căn nhà ngập sâu trong nước.

Giữa cuộc sống bộn bề khó khăn, tin báo trúng tuyển đại học của Quang được truyền về khiến bà Tuyết vui mừng khôn tả. Mọi nỗ lực của cậu học trò nghèo mấy năm qua được đền đáp khi Quang trúng tuyển ngành kỹ thuật y dược Trường ĐH Y dược Huế với số điểm 24,65.

"Việc chọn ngành kỹ thuật y dược cũng là do mình muốn sau này có thể giúp mẹ chữa khỏi bệnh. Sau khi nhập học, mình sẽ tìm việc làm thêm để tự lo cho bản thân như anh trai mình, giúp mẹ bớt khổ" - Quang nói.

Tiếp sức 101 tân sinh viên

Lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 101 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ diễn ra vào chiều 19-11 tại TP Huế. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức.

Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế tài trợ kinh phí học bổng là hơn 1 tỉ đồng (16 suất đặc biệt trị giá 15 triệu đồng/suất và 85 suất trị giá 10 triệu đồng/suất), Công ty Nestle VN tài trợ quà tặng.

Trong năm này, chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ được tổ chức ở các khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Với hơn 1.000 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước được tiếp sức, tổng kinh phí học bổng hơn 11 tỉ đồng.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của quỹ "Đồng hành nhà nông", CLB "Nghĩa tình Quảng Trị", CLB "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, CLB "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng, CLB "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Vinacam), Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại Đức, giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH TMDV Nụ Cười Vui, cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...

CÔNG TRIỆU

Mùa tiếp sức đặc biệt: Rưng rưng người khó giúp người khó hơn Mùa tiếp sức đặc biệt: Rưng rưng người khó giúp người khó hơn

TTO - Gọi đây là 'Mùa tiếp sức đặc biệt' vì không chỉ tân sinh viên, cả thầy trò, nhất là ở vùng lũ cũng kiệt quệ, còn các nhà hảo tâm cũng đang vật lộn với khó khăn vì đại dịch COVID-19. Nhưng dù có khó, tấm lòng vẫn mở rộng...

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp