17/06/2013 15:33 GMT+7

Bức điện tín cuối cùng của thế giới được gửi đi từ Ấn Độ

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Ấn Độ sẽ gửi đi bức điện tín cuối cùng của thế giới vào ngày 14-7 tới. Nhân loại khép lại 144 năm dùng dịch vụ truyền tin này kể từ khi “ông tổ” Samuel Morse gửi bức điện tín đầu tiên ở Washington (Mỹ) tháng 5-1844.

RgZ7O6f6.jpgPhóng to
Các nữ nhân viên làm việc ở một trung tâm chuyển điện tín tại Ấn Độ - Ảnh: BBC

Ngày 17-6, BBC đăng chùm ảnh về các trạm điện tín ở Ấn Độ để minh họa cho thông tin được rất nhiều đơn vị truyền thông toàn cầu như USA Today, Christian Science Monitor, IB Times, The Huffington Post... loan báo: một tháng nữa, bức điện tín cuối cùng của thế giới sẽ được gửi đi và kết thúc!

Giữa thời đại thông tin liên lạc nhanh như chớp với điện thoại di động, email và mạng Internet này, có lẽ không ai tin là mỗi ngày vẫn có khoảng 5.000 bức điện tín được gửi đi ở Ấn Độ.

Tuy vậy, những giá trị vốn từng thuộc về quá khứ rồi cũng phải hoàn thành sứ mệnh và đầu hàng trước bánh xe lịch sử. Bức điện tín cuối cùng của thế giới sẽ được gửi đi trong năm 2013 tính từ khi “ông tổ” Samuel Morse gửi bức điện tín đầu tiên từ Washington đến Baltimore (Mỹ) cách đây 144 năm.

Bảy năm trước, Hãng Western Union đã đóng cửa dịch vụ điện tín của mình ở Mỹ.

Ở Ấn Độ, dịch vụ điện tín được William O'Shaughnessy, một bác sĩ và nhà phát minh người Anh, giới thiệu. Vào năm 1850, ông đã dùng một kỹ thuật mã hóa khác để gửi bức điện tín đầu tiên.

Điện tín vốn là một công cụ quan trọng của thực dân Anh trong thời gian cai quản Ấn Độ và gắn với một số sự kiện chính trong lịch sử nước Nam Á này. Nó giúp nhà cầm quyền Anh ngăn chặn được một cuộc nổi dậy của dân chúng hồi năm 1857 và được Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru dùng để báo tin cho London hay việc Pakistan xâm lấn bang Kashmir nước này.

Được gọi là “taar” (dây thép), điện tín là một phần trong cuộc sống ở Ấn Độ. Xuất phát từ một bộ phim của Bollywood, điện tín thường bị coi là một vật báo tin cái chết của những thành viên gia đình.

Ngày nay, điện tín báo tử (chiếm chưa tới 1% trong tổng số điện tín) vẫn còn, có giá chỉ bằng 1/5 một điện tín thông thường.

Vào thời hoàng kim của mình với đỉnh điểm là năm 1985, có 60 triệu bức điện tín đã được gửi và nhận trong một năm ở Ấn Độ. Lúc đó có 45.000 trạm dịch vụ điện tín. Ngày nay tuy chỉ còn 75 trạm điện tín, nhưng dịch vụ điện tín vẫn được cung cấp thông qua đại lý tại mỗi quận trong tổng số 671 quận của Ấn Độ.

Từ chỗ có tới 12.500 nhân viên, ngày nay ngành điện tín nước này chỉ còn 998 người. Thật ra từ lâu nay người ta không gửi điện tín bằng cách gõ mã Morse với thiết bị truyền thống mà gửi trên máy tính thông qua một phần mềm Web.

Có tới 65% số điện tín hằng ngày là của chính quyền. Một trong những đối tượng thường sử dụng điện tín là những cặp tình nhân bỏ trốn gia đình do bị cấm đoán kết hôn với nhau do khác giai cấp hay tôn giáo. Họ gửi điện tín để báo cho cha mẹ biết “gạo đã thành cơm”.

Trong những năm qua, dịch vụ điện tín của Công ty điện thoại quốc doanh Ấn Độ Bharat Sanchar Nigam Limited (BSNL) phải cầm cự thoi thóp và không còn có giá trị lợi nhuận.

Shamim Akhtar, tổng giám đốc dịch vụ điện tín của BSNL, than: “SMS và smartphone đã làm chúng tôi thua lỗ hơn 23 triệu USD một năm”.

F7GXO9JW.jpgPhóng to
Nhân viên điện tín xử lý các bức điện in trên giấy - Ảnh: BBC
z70lkfXH.jpgPhóng to
Nhân viên của trạm điện tín trung tâm tại thành phố Mumbai đang chuyển phát những bức điện tín cuối cùng ngày 14-6-2013 - Ảnh AP
PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp