Cụ Dỏ run run chắp tay mời cả 64 liệt sĩ về dự bữa cơm đạm bạc trong ngày giỗ thứ 27 - Ảnh: Quốc Nam |
Trưa 6-3, nhà của cụ ông Hoàng Dỏ ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đông hơn bình thường. Một chiếc bàn vuông cạnh khá lớn được bày ra nơi góc sân.
Cụ Dỏ đã bước qua tuổi 88, và gọi tất cả 63 liệt sĩ cùng hi sinh với con mình tại Gạc Ma là con. Con trai cụ là liệt sĩ Hoàng Văn Túy.
64 đôi đũa, 64 cái bát
Tấm ảnh thờ liệt sĩ Túy được đặt ở bàn thờ trong gian giữa của ngôi nhà. Nhưng mâm cúng giỗ theo truyền thống được đặt ra giữa sân. Chiếc bàn gỗ khá to được lần lượt đặt lên đủ thứ hoa quả, giấy tiền vàng mã theo nghi lễ truyền thống.
Gần trưa, khi nhà bếp chuẩn bị xong mâm cơm cũng là lúc con cháu trong nhà được cụ Dỏ huy động để bưng ra đặt lên bàn làm lễ. Anh Hoàng Văn Nhân, cháu nội cụ Dỏ, là người được cử đi bưng bát đũa. Việc bưng bát đũa được xem là việc rất quan trọng của bữa giỗ này.
“Nhớ bưng đủ sáu chồng bát nhé. Thiếu cái nào là có tội với liệt sĩ cái đó nghe con” - cụ Dỏ vẫn ngồi nơi bậc cửa nhắc nhở.
Chiếc bàn gỗ chỉ hơn một mét chiều ngang lần lượt được anh Nhân chồng lên đủ sáu chồng bát. Xong việc, anh cẩn thận đếm từng đôi đũa để sắp xen kẽ theo những chồng bát trên bàn.
Đếm kỹ trên bàn, có đúng 64 cái bát và 64 đôi đũa. Khi đặt đủ bát đũa, người nhà cụ Dỏ mới lần lượt bưng thức ăn lên bàn.
Cụ Dỏ nói đã ba năm nay cụ đều đặt đủ 64 bộ bát đũa lên bàn cúng mỗi khi làm giỗ cho liệt sĩ Túy như thế. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2012. Cuối năm đó, cụ được hai đơn vị về thăm tại nhà vì là thân nhân liệt sĩ Gạc Ma.
Trong hai chuyến thăm này, một đơn vị là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng cụ 20 triệu đồng và Tập đoàn Cao su Việt Nam tặng cụ 10 triệu đồng.
Cụ Dỏ khi còn trẻ làm nghề biển nhưng không có tàu để đi mà chủ yếu đi bạn cho những chủ tàu ở xã Bảo Ninh gần đó. Cả làng này đều theo nghề bạn thuyền nên nghèo lắm. Vì vậy số tiền được cho khi đó là ngoài sức tưởng tượng của cụ.
“Cầm ba chục triệu, tui cứ lấn cấn trong bụng. Người ta cho vì con mình hi sinh để bảo vệ biển đảo của đất nước. Nhưng không phải chỉ có con mình hi sinh mà còn 63 người khác nữa. Không biết gia đình họ có được quan tâm như mình không?” - cụ Dỏ nhớ lại.
Sau Tết Nguyên đán năm 2013, gia đình cụ như mọi năm lại chuẩn bị cho ngày giỗ của liệt sĩ Túy vào cuối tháng giêng. Và cụ quyết định dùng số tiền đó để làm một ngày giỗ chung cho tất cả 64 liệt sĩ.
Liệt sĩ Túy là con thứ tư của cụ Dỏ. Hiện tại cụ sống cùng gia đình con trai út là Hoàng Văn Vũ. Anh Vũ cũng làm nghề đi biển cho những tàu lớn trong vùng.
Cuộc sống khó khăn khiến gia đình anh không thể kham nổi một bữa giỗ lớn như năm 2013 nữa. Tuy nhiên đến bữa giỗ của liệt sĩ Túy hai năm sau đó, anh Vũ vẫn làm được mâm cơm tưởng nhớ ngày mất của liệt sĩ Túy đặt giữa sân.
Mâm cơm chỉ có vài quả trứng, chén xôi, đĩa trái cây nhưng xung quanh vẫn có đủ 64 cái bát và 64 đôi đũa.
“Khi tui nghèo thì làm giỗ theo kiểu nghèo. Mình có gì thì mình mời cái đó. Chỉ cần các liệt sĩ biết cái tình của gia đình tui rứa là được” - anh Vũ tâm sự.
Hướng về phía biển
Đúng 11g trưa, cụ Dỏ mới lọm khọm ra bàn cúng giữa sân để thắp hương. Mắt cụ đã mờ, chân cụ đã yếu và lưng đã còng nên cụ bước đi khá khó nhọc.
Cụ lấy thìa múc từng thìa cháo trắng đổ lần lượt vào các chồng bát đã sắp sẵn rồi rơm rớm mắt nhìn về phía biển đọc lời khấn: “Hôm nay là tròn 27 năm các con nằm lại giữa biển khơi vì chống lại bọn bành trướng Trung Quốc. Các con đã hi sinh vì bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Bọ (ba) không có chi hơn, chỉ có ba chén rượu lạt và nén hương thơm thắp lên đây mời các con cùng về dự...”.
Nói tới chừng đó, cụ Dỏ bật khóc. Tay cụ cầm nén hương run run như muốn rớt. Mọi người phải đỡ cụ vào nhà để nghỉ ngơi sau đó.
Anh Vũ nói dù sức khỏe đã yếu lắm nhưng năm nào cụ Dỏ cũng muốn được tự tay thắp cho con nén hương cũng như nhắn với con những lời tâm sự như thế. Và năm nào cụ cũng khóc.
Anh Túy nhập ngũ năm 1985. Trước khi hi sinh anh Túy được về ăn tết với gia đình hai ngày. Anh Túy nói với cụ Dỏ rằng chỉ khoảng ba tháng nữa là sẽ được ra quân. Nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau anh hi sinh tại Gạc Ma khi cùng đồng đội bảo vệ đảo trước quân Trung Quốc xâm lược.
Nhà cụ Dỏ nằm cách bờ biển chỉ vài chục mét. Và mâm cúng giữa sân cũng được cụ Dỏ bảo con cháu đặt xoay về hướng đó, dù theo thông lệ người ta thường đặt bàn cúng theo hướng tây nam.
Anh Vũ kể rằng chỉ khi đặt bàn giỗ cho anh Túy và những liệt sĩ Gạc Ma, cụ Dỏ mới bắt con cháu đặt bàn theo hướng đông như thế. Những ngày giỗ khác trong nhà, kể cả giỗ của mẹ anh, cụ Dỏ đều đặt lại hướng tây nam như thường.
Hai năm sau ngày anh Túy hi sinh cùng 63 liệt sĩ Gạc Ma, cụ Dỏ cứ chiều nào cũng đi ra bờ biển đầu làng nhìn về hướng đó.
Có lần anh thắc mắc về chuyện đặt bàn cúng, cụ Dỏ nói: “Các con đều đang nằm lại giữa biển khơi. Đặt bàn cũng như đặt tâm trí của mình rứa, luôn hướng về phía các con nằm để thêm gần gũi”.
Truyền thống của vùng quê này, người ta chỉ làm giỗ theo ngày âm lịch và thường làm giỗ sau một ngày so với ngày mất. Nên dù ngày liệt sĩ Túy cùng những người lính khác hi sinh tại Gạc Ma là 14-3-1988, nhằm ngày 27-1 âm lịch, nhưng cụ Dỏ làm giỗ cho con ngày 28-1. Ba năm nay, cứ đến ngày này, cụ Dỏ làm bữa giỗ cho con và làm giỗ chung luôn cho tất cả 64 liệt sĩ trong trận hải chiến không cân sức đó. Vì theo cụ: “Mấy anh em nó sống cùng nhau, chết cùng nhau. Biết đâu khi chết mấy anh em đang bấu chặt lấy nhau dưới biển đó...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận