17/03/2022 09:57 GMT+7

Bữa cơm thời khó

MẠNH DŨNG
MẠNH DŨNG

TTO - Đắn đo từng đồng tiền đi chợ, món gì cần mua, món gì chưa cần mua. Lương bổng không lên, thậm chí có người còn bị sụt giảm, giá cả lại đang tăng. Họ phải chắt bóp, dè sẻn cho vừa túi tiền...

Bữa cơm thời khó - Ảnh 1.

Mẹ con chị Nết đi chợ không quá 50.000 đồng/ngày

Chị Nết nhét xấp vé số chiều chưa kịp bán, chuẩn bị qua quýt bữa cơm tối trong căn phòng trọ ẩm thấp ở hẻm 575/9 tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, TP.HCM). Chén cơm chỉ có trái mướp làm canh cho người đàn bà gầy gò này tạm lót lòng, để lại tất tả mưu sinh suốt đêm với một tay là xấp vé số, một tay cầm bao lượm ve chai thêm trên đường...

Tôi chắt bóp tiền bạc bằng cách nấu ăn chỉ một lần trong ngày, món kho nêm mặn hơn để ăn ít lại và rau củ gì hấp được thì bỏ luôn vào nồi cơm cho bớt tiền gas. Xe máy cho bạn đi chung để chia đôi tiền xăng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà

Bó nhỏ lại, cân ít đi

"Hồi trước mẹ con tôi chỉ đi bán vé số, gần đây cuộc sống khó khăn quá nên phải tranh thủ lượm thêm ve chai trên đường đi. Có hôm đủ đắp đổi qua ngày, có hôm thiếu hụt nên phải dè sẻn để ăn bữa này còn phòng bữa sau. Tui chắt bóp, mỗi ngày không dám quá 50.000 đồng tiền chợ cho cả hai mẹ con, nhưng vẫn thiếu hụt hoài. Gần đây giá cả nhiều thứ tăng lên, tui cũng chỉ biết ráng dè sẻn hơn thôi, chứ có cách nào làm thêm tiền đâu", chị Nết trải lòng. 

Người đàn bà 45 tuổi, quê An Giang này kể thêm đứa con trai nhỏ của chị bị bệnh suốt nên vừa phải gửi về cho người dì ở Long An nuôi tạm. Thằng bé gần 10 tuổi mà người gầy gò như đứa trẻ lên 5, chị sợ con ở nhà trọ ẩm thấp sẽ bệnh hoài không hết.

Đang một mình ngày đêm mưu sinh trên đường phố với xấp vé số và cái bao lượm ve chai, nhưng chị Nết cho biết mình không "dễ thở" hơn mà lại càng phải dè sẻn hơn để có tiền gửi về lo cho con nhỏ và mẹ đều đang bệnh ở quê.

"Tôi sợ tốn tiền, ít dám ra chợ lắm, nhưng vẫn cảm nhận được giá cả nhiều món đang tăng lên. Những thứ rẻ tiền nhất cho người nghèo sống qua ngày như khứa cá tra, cá lóc, bó rau muống, rau cải cũng tăng giá. Còn nếu không tăng giá thì hình như người ta cũng bó nhỏ lại, cân ít hơn". 

Chị Nết kể thêm vừa rồi phải mua để gửi về quê vài thứ đồ cần thiết như tã, thuốc men gần hết 1 triệu đồng cho người mẹ già đang bệnh nằm một chỗ. Lần trước, cũng số đồ đó, chị chỉ phải tốn tiền ít hơn. Một vài trăm ngàn đồng tăng thêm không lớn đối với một số người, nhưng là gánh nặng với dân lao động nghèo, bấp bênh như chị.

Hiện nay, mỗi tháng chị Nết đang trả 1,2 triệu đồng tiền phòng trọ, cộng thêm tiền điện, nước khoảng 1,4 triệu đồng. Chị đang tính tiết kiệm thêm để dư ra được gần 100.000 đồng mua thêm sữa cho con nhỏ, dù thật sự chị chưa biết tiết kiệm thế nào khi chỉ đang dám xài cái bóng đèn duy nhất và nồi cơm điện nhỏ xíu.

Bữa cơm thời khó - Ảnh 3.

Cuộc sống của mẹ con chị Cúc thêm khó khăn do giá cả tăng

150.000 đồng trang trải cho 3 mẹ con

Ở cùng con hẻm nhỏ với chị Nết, nhưng tôi phải loay hoay mãi mới tìm được nhà chị Lê Thị Hồng Cúc, người mẹ của hai đứa con nhỏ mới mồ côi cha vì Covid-19. 

Buổi tối, tôi ghé số nhà đến "4 xuyệt" trong hẻm 575 tỉnh lộ 10 này, cũng là lúc chị Cúc mới đi làm về. Người vợ trẻ góa chồng có nét mặt khắc khổ, già hơn hẳn cái tuổi 35. 

Chị kể mới xin được việc làm ở cơ sở ván ép với ngày công 150.000 đồng. Khi nghe tôi hỏi ba mẹ con xoay xở thế nào với số tiền eo hẹp ấy, chị Cúc gượng cười nói: "Vậy là tôi cũng mừng rồi. Việc này mới xin được chỗ người quen. Trước, tôi phụ làm nhang và bao tay em bé chỉ được 50.000 - 70.000 đồng mà ngày có việc, ngày không. Mẹ con tiết kiệm lắm cũng không thể nào đủ xoay xở".

Chị Cúc chia sẻ để đủ sống với số tiền eo hẹp này, chị phải dậy sớm nấu cơm sáng cho ba mẹ con ăn đi làm và đi học. Chị ăn chay mỗi tháng gần 15 ngày, nên bữa nào ráng mua được chút thịt cá cũng nhường hết phần cho con. 

"Tôi chủ yếu ghé chợ hẻm lúc đi làm về buổi tối, nên giá cả rẻ hơn chút so với chợ sáng. Mỗi ngày tôi chỉ nấu một lần để tiết kiệm điện, gas, nước rửa ráy. Bữa cơm tối chủ yếu là hâm lại, thỉnh thoảng có nấu thêm gì đó cũng chỉ chút ít cho mấy đứa nhỏ ăn", chị Cúc tâm sự.

Vất vả kiếm miếng ăn từng ngày cho con, chị Cúc nói mình cảm nhận rõ ràng chi phí cho cuộc sống đang ngày càng đắt đỏ. Trước đây, chị đổ bình xăng đầy chỉ 40.000 đồng, giờ phải 60.000 đồng. Đồ ăn thức uống của ba mẹ con dù người phụ nữ nghèo này đã cố gói ghém, tằn tiện lắm cũng phải tăng thêm vài chục ngàn đồng mỗi ngày. Trước đây, lúc người chồng còn sống dù vẫn nghèo nhưng chị không nặng lo lắm. Giờ hai đứa con nhỏ chỉ còn trông vào mẹ, mà sức khỏe chị lại không còn được như trước khi nhiễm bệnh cùng chồng. Tâm sự chuyện này, chị Cúc chùng giọng: "Tôi không có cách nào khác hết. Giá cả tăng lên thì mình nhịn bớt miệng ăn của mình để nhường cho con".

Làm thêm không có giấc ngủ đêm

Nỗi lòng của chị Cúc tôi cũng nghe được ở nhiều cảnh đời lao động khác. Khi đồng lương không tăng, thậm chí còn bị giảm sút, mà chi phí cho cuộc sống lại đắt đỏ hơn thì những người lao động nghèo chỉ có cách đầu tiên là... bớt miếng ăn! Bởi thật sự, với những người ráo mồ hôi là hết tiền thì chi phí lớn nhất của họ chính là miếng ăn và chỉ có miếng ăn. 

Chị Nguyễn Thị Thảo, người phụ nữ quê Quảng Ngãi, đang một mình tần tảo bán hàng rong nuôi hai con nhỏ và người chồng bị tai nạn giao thông nằm nhà, kể: "Bữa nào đói quá, tôi ghé quán cháo lòng vỉa hè, mua tô cháo và dặn chủ quán đừng bỏ lòng để bớt tiền đi. Tô cháo lòng bình dân 20.000 đồng, nhưng nếu chỉ ăn cháo không thì họ chỉ lấy 7.000 đồng. Mình đứng tuổi rồi, ăn nín nhịn vậy cũng được, để dành chút tiền mua thêm tí thức ăn cho chồng con".

Chị Thảo năm nay đã 47 tuổi, tối tối bê rổ trái cây, đậu phộng đi bán ở các quán nhậu đêm. Ngoài ra, chị còn bán kèm vé số để có thêm chút tiền. Hồi đầu tháng, chị vừa nhận thêm suất rửa chén, dọn dẹp bàn ghế cho một quán ăn đêm trên đường Tân Kỳ - Tân Quý. Đó là việc làm lúc 2h sáng và kết thúc lúc 3h30, chị đạp xe về đến nhà trọ trên đường Mã Lò, quận Bình Tân là đã hơn 4h sáng. Người phụ nữ đang tần tảo lo cho chồng con không hề có giấc ngủ đêm...

COM 3

Giá cả tăng cao, người lao động chi tiêu chặt chẽ hơn - Ảnh: M.DŨNG

Giá xăng và nhiều hàng hóa tăng vọt, công nhân là những người cảm nhận rõ hơn ai hết miếng ăn phải teo tóp dần. Bởi họ đang lãnh đồng lương cố định vốn đã thấp, phải tính toán chi li từng đồng cho bản thân và gia đình.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hà, công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo, kể mình và bạn bè đang tiết kiệm bằng cách đi chung xe máy để bớt tiền xăng, nhưng không phải ai cũng đi được vì có cùng đường hay không. Ngoài ra, họ cũng tiết kiệm thêm bằng cách ở ghép phòng trọ, chấp nhận chật chội. Một số người còn cho biết đã bỏ cữ ăn sáng, dù chỉ gói xôi 5.000 đồng hay ổ bánh mì 15.000 đồng.

Trao nụ cười qua cơn khốn khó Trao nụ cười qua cơn khốn khó

TTO - Hai năm dịch bệnh hoành hành nặng nề, chị Hương luôn có mặt ở những nơi khó khăn để góp phần giúp đồng bào qua cơn hoạn nạn.

MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp