28/06/2020 07:53 GMT+7

Bữa cơm gia đình trời Tây và Á Đông thời COVID-19

VINH SAN
VINH SAN

TTO - "Tự dưng tôi nhớ món bratwurst (xúc xích nướng kiểu Đức) mà mẹ tôi hay làm lúc xưa quá. Tôi có chút ghen tị khi biết bạn mỗi ngày đều ăn cơm với gia đình", Lucas (30 tuổi, người Đức) bỗng dưng thốt lên qua Skype vào một ngày tháng 6-2020.

Bữa cơm gia đình trời Tây và Á Đông thời COVID-19 - Ảnh 1.

Bữa cơm gia đình với đầy đủ thành viên là hình ảnh đẹp, cần duy trì - Ảnh: V.SAN

1 Lucas là một trong rất nhiều bạn trẻ châu Âu đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của lệnh cách ly, phải quen với chuyện làm việc tại nhà và không còn được tập hợp bạn bè ở những nhà hàng, quán ăn sau giờ làm như thường lệ.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Dresden nhưng sau đó Lucas chọn đến thành phố Frankfurt - nơi cách quê nhà 500km - để đi làm. Rồi số phận đưa đẩy bạn nhận dự án ở Ý, trải qua những tháng ngày có thể gói gọn trong hai chữ "lủi thủi". Phải tự nấu nướng, Lucas thường làm qua loa. Và khi quanh quẩn ở nhà nhiều hơn, bạn cảm nhận được sự trống trải và hình dung được cảm xúc của cha mẹ những năm qua.

Lucas không là ngoại lệ. Hầu hết giới trẻ ở Mỹ hay các quốc gia châu Âu đều chọn cách sống tương tự. Chính vì vậy, nhiều người trong số họ thi thoảng mới có bữa ăn ấm áp cùng gia đình ngoài các dịp hội hè, kỳ nghỉ dài... Cũng cần nói thêm, Đức là một trong những quốc gia có tốc độ "già hóa" dân số nhanh nhất thế giới (theo trang Bagso.de).

Còn nhớ những lần quay lại vườn táo Rosendals (Stockholm, Thụy Điển) mùa hè 2017, người viết đều bắt gặp bà Monica ngồi sưởi nắng một mình dưới những tán cây. Chồng mất, người phụ nữ 79 tuổi thường lụi cụi nấu nướng, đi lễ, dọn dẹp nhà cửa một mình... dù có 3 người con sống cùng thành phố. Bà đến vườn táo để thấy người qua lại, giúp phần nào vơi đi nỗi trống trải. 

Đã quen với sự độc lập, bà vẫn không nén được tiếng thở dài khi được hỏi sống một mình có buồn không: "Tôi rất nhớ những đứa cháu và có nhiều điều muốn trò chuyện cùng con. Nhưng cái gì không thay đổi được thì đành phải chấp nhận". Thế mới thấy, không phải cái gì đã là nét văn hóa thì ai cũng thích nghi được.

2 Tôi vẫn còn nhớ tâm sự từ một người cậu của mình vào dịp Tết Tây 2019 ở thành phố Dallas (Hoa Kỳ). "Mẹ của tôi mỗi sáng đều thức dậy sớm, pha cho tôi một ly cà phê. Với tôi, đó là hạnh phúc" - giọng nói của cậu, một người Việt đầu đã hai thứ tóc, không giấu được vẻ tự hào khi kể trước đám đông (do hôm đó cậu là người dẫn chương trình) về niềm vui đơn sơ - điều mà chắc ít người trẻ lớn lên tại Mỹ để ý hay cảm nhận được.

Nhiều bạn bè nước ngoài khi đến Việt Nam cũng không giấu được sự bất ngờ khi thấy các bữa ăn đầu ngày, mâm cơm cuối ngày đều ấm cúng, đầy đủ thành viên trong gia đình.

Dẫu vậy, có một sự thật là các bữa ăn trong gia đình người Việt ở Mỹ dù cố gắng duy trì hai, ba thế hệ cùng ngồi chung nhưng điều đó quả không dễ dàng. Và người Việt lớn tuổi sống tại trời Tây đang rất thấm thía điều này.

Tương tự, các bữa cơm Á Đông nói chung hiện dần vơi bớt sự ấm cúng, đông đủ, bởi nhiều lý do như mưu sinh, mong muốn có không gian riêng ở giới trẻ...

"Những bữa cơm cuối cùng với cha mẹ ở Canada là những bữa cơm ngon và chắc chắn là ký ức đẹp nhất. Đến cuối đời tôi mới nhận ra tiền nhiều, vị trí cao chưa chắc đã đem lại hạnh phúc thật sự. Dẫu trễ nhưng tôi vẫn may mắn vì đã kịp đón mẹ qua, kịp làm điều cần làm" - M.T., một tiến sĩ dược người Việt, đã chia sẻ trước khi ra đi vì căn bệnh ung thư.

Cập nhật bữa cơm gia đình... qua mạng thời 4.0 Cập nhật bữa cơm gia đình... qua mạng thời 4.0

TTO - 'Thực đơn của Moon trưa nay nè. Còn mọi người…' - người con gửi vào nhóm chat gia đình bức hình một mâm cơm. Các thành viên khác trong nhóm chat cũng lần lượt 'cập nhật' bữa ăn của mình.

VINH SAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp