23/10/2024 09:42 GMT+7

BRICS và vị thế của Việt Nam

Sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị BRICS mở rộng ở Nga lần này một lần nữa cho thấy sự coi trọng của quốc tế với vị thế, đóng góp trách nhiệm và tiếng nói của Việt Nam.

BRICS và vị thế của Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Trần Văn Sơn và Đại sứ LB Nga tại Việt Nam Bezdetko Gennady Stepanovich tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian qua Việt Nam đã luôn bày tỏ sự ủng hộ với các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị BRICS mở rộng từ ngày 23 đến 24-10 tại Kazan (Nga) cho thấy tính xuyên suốt của quan điểm đó.

Thông điệp của Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội nghị BRICS mở rộng, từ năm 2023, Việt Nam đã cử đại diện tham gia một số hoạt động theo lời mời của nước chủ tịch BRICS. Tần suất và cấp quan chức cũng tăng dần, từ cấp đại sứ lên cấp thứ trưởng rồi bộ trưởng. Hội nghị tại Kazan lần này đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tham dự ở cấp người đứng đầu Chính phủ.

Ngoài lãnh đạo các nước thành viên BRICS, hội nghị lần này còn có 30 nhà lãnh đạo khách mời, bao gồm cả Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres. Cả Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và Đại sứ Đặng Minh Khôi, khi trả lời phỏng vấn báo chí, đều khẳng định việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị là một thông điệp.

Đó là thông điệp Việt Nam ủng hộ vai trò của các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa phương - trong đó có BRICS - hoạt động trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đó còn là thông điệp đề cao tiếng nói, tính đại diện của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu cũng như trong giải quyết các thách thức chung.

"Việc Nga mời Việt Nam tham dự Hội nghị BRICS mở rộng trước hết là bởi lịch sử lâu dài của quan hệ song phương. Ngoài ra Nga cũng công nhận vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và thế giới, tin rằng tầm nhìn của Việt Nam có thể đóng góp vào sự phát triển của BRICS trong tương lai", TS Valeria Vershinina, phó giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Quan hệ quốc tế (Bộ Ngoại giao Nga), khẳng định với Tuổi Trẻ.

"Bước đi này phù hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế khu vực cũng như toàn cầu. Về quan hệ song phương, chuyến thăm Kazan của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một cơ hội nữa để nhìn lại mối quan hệ Việt - Nga và tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác mới giữa Cộng hòa Tatarstan (nơi có thành phố Kazan) và các tỉnh của Việt Nam", vị chuyên gia từng có thời gian ở Việt Nam này nhận định.

VIBE - "những quốc gia đột phá"

BRICS và vị thế của Việt Nam - Ảnh 2.

Áp phích cỡ lớn thông báo về Hội nghị BRICS tại sân bay Kazan (Nga) - Ảnh: Tass

Dưới góc độ kinh tế - chính trị, TS Yaroslav Lissovolik, người sáng lập dự án "BRICS+ Analytics", tin rằng có rất nhiều lý do để các nước chủ tịch BRICS, bao gồm Nga năm nay, muốn có sự tham dự của Việt Nam.

"Đầu tiên, tôi muốn chỉ ra sự năng động của nền kinh tế Việt Nam. Đây là một nền kinh tế thành công, được coi là một trong những quốc gia triển vọng nhất và sẽ là câu chuyện thành công nhất trong những thập niên tới", ông Yaroslav Lissovolik nói với Tuổi Trẻ.

Giải thích thêm, ông Yaroslav Lissovolik chia sẻ rằng vào cuối năm ngoái, ông đã lập một danh sách ngắn các nền kinh tế đang phát triển mà theo quan điểm của ông sẽ trở thành "những quốc gia đột phá". Đó là những nước có sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài, mô hình phát triển của họ là điểm tham chiếu cho phần còn lại của cộng đồng toàn cầu.

"Và từ viết tắt mà tôi đặt cho nhóm các quốc gia này theo tiếng Anh là VIBE. Với V là Việt Nam, I là Ấn Độ, B là Brazil và E là Emirates (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất)", ông nói.

Đánh giá này dựa trên khả năng những nước đó có thể xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước đang phát triển và mới nổi cũng như với các nền kinh tế tiên tiến. Các yếu tố khác bao gồm tăng trưởng dân số, quy mô chuyển đổi kinh tế sang kinh tế xanh, kinh tế số.

Theo ông Yaroslav Lissovolik, ngoài tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng những năm qua, Việt Nam còn có vị thế tốt tại Đông Nam Á, là thành viên của một trong những nhóm hội nhập khu vực thành công nhất là ASEAN. Việt Nam được định vị là một quốc gia, một nền kinh tế có vị thế cân bằng, cởi mở với cả BRICS và các nước phát triển.

"Chính những điều này khiến Việt Nam thực sự trở thành một nền kinh tế được coi là tài sản lớn cho bất kỳ nền tảng nào, bất kỳ khối nào trong nền kinh tế thế giới, cho nhóm Global South (nhóm "Nam bán cầu", chỉ việc phân chia các nước theo trình độ kinh tế, không dựa trên địa lý) và cho BRICS", ông khẳng định.

Lịch sử phát triển của Việt Nam và những đóng góp cho nhóm Global South, theo ông Yaroslav Lissovolik, sẽ cho thấy rõ hơn sự đa dạng về các giá trị và văn hóa tại hội nghị lần này. Cũng theo ông, việc mở rộng nhóm BRICS nhiều khả năng sẽ không có tiến triển trong vài năm tới.

Thay vào đó, nhóm sẽ thúc đẩy một "vành đai đối tác" gồm các quốc gia thành viên của BRICS đóng vai trò trung tâm, đồng thời mở rộng hợp tác với các nước đang phát triển khác. Đây sẽ là một nền tảng mới nữa để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước khác bên cạnh những cơ chế hiện có.

Sáng nay (23-10), Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường dự hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng tại Kazan (Nga). Theo Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, dự kiến Thủ tướng sẽ gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước và các tổ chức quốc tế trong dịp này.

BRICS và vị thế của Việt Nam - Ảnh 2.Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự hội nghị BRICS mở rộng tại Nga

Sáng 23-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên chuyên cơ rời Hà Nội, bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng tại Nga.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp