27/12/2014 14:21 GMT+7

Boyhood: 12 năm quay phim rồi thẳng tiến Oscar 2015

TRUNG VŨ
TRUNG VŨ

TTO - Boyhood là một trong những phim được ca ngợi nhiều nhất năm 2014. Bộ phim kỳ công này được quay suốt… 12 năm, sử dụng thời gian trưởng thành thật sự ngoài đời của diễn viên chính.

Năm 2013 với Before midnight, Richard Linklater tạo nên một cột mốc trong sự nghiệp ấn tượng gồm những bộ phim khắc họa bước đi của thời gian. Một năm sau, đạo diễn này trình làng dự án còn táo bạo hơn với Boyhood.

Để quay phim Boyhood trong suốt 12 năm, mỗi năm Richard Linklater cùng dàn diễn viên quay trong một vài ngày. Cách làm phim này đưa ra một thử thách: phim phải cân bằng giữa kế hoạch và tự dò dẫm theo dòng thời gian.

Khắc họa khoảng thời gian từ 5 tuổi đến khi vào đại học của cậu bé Mason, nội dung phim dường như không thể đơn giản hơn. Bản thân Mason cũng là một đứa trẻ Mỹ bình thường, lành mạnh. Không gặp rắc rối gì quá lớn, không quá nổi loạn, không có khả năng khác người.

Diễn viên Patricia Arquette trong Boyhood

Những sự kiện bộ phim chọn thể hiện cũng rất bình thường, như ngày đầu tiên đi học ở ngôi trường mới, buổi tiệc sinh nhật, những lần hẹn hò, việc theo trào lưu thời trang của tuổi niên thiếu.

Người xem như đang lần giở những trang album của cuộc đời mình, thật sự nhìn thấy hình hài của cậu bé Msaon (Ellar Contrane đóng) qua những kiểu tóc, sự vỡ giọng, và những người thân của cậu bao gồm mẹ (Patricia Arquette), chị Samantha (Lorelei Linklater - con gái của đạo diễn) và bố (Ethan Hawke), người ly dị với mẹ cậu trước khi cậu lên 5.

Vì những sự kiện quá bình thường nên chúng quá thật. Do đó bộ phim có quá nhiều câu chuyện đến nỗi người xem phải nhớ nhiều chi tiết đắt, ví dụ khi đứa trẻ nói với mẹ: “Tại sao mẹ cần một gia đình khi mẹ đã có rồi?”.

Để đạt được sự khách quan, Linklater tránh được những cám dỗ của việc bi kịch hóa, vội vã và dùng sức trong khâu kể chuyện. Nhịp phim khoan thai, trôi chảy vì đi theo thời gian.

Boyhood - chân dung diễn viên chính qua các năm tháng

Sức mạnh và trọng lượng của phim nằm trong sự thản nhiên mà cậu bé Mason mang khi cậu lớn lên và đón nhận cuộc sống với những thay đổi trong một thế giới mà người lớn mỗi ngày một thỏa hiệp, mất dần đi những thơ ngây thuở đầu đời.

Nhưng những điều đó không tác động rõ rệt lên Mason, ít nhất là không làm biến chuyển con người cậu. Cậu bé đón nhận tất cả với một sự chịu đựng và bình thản khi lớn lên.

Có những lúc đứa trẻ dạy cho người lớn theo đúng nghĩa đen, khi Samantha giải thích cho bố dượng vì sao Mason xỏ khuyên tai. Về phần mình, những bài học trẻ thơ học được thật đắt giá.

Mason từng nói với bạn gái: “Người lớn đi học, có việc làm, gia đình, nhưng họ cũng khù khờ chẳng khác gì một đứa trẻ”.

Thật vậy, mẹ cậu, trong ngày chia tay cậu đi học đại học xa, bật khóc như một đứa trẻ trong một cảnh phim xuất sắc: “Mẹ lấy chồng, ly dị, đi học, có công việc trong mơ, rồi lại lấy chồng, lại ly dị, rồi cho các con đi học. Kế tiếp là gì? Là đám tang? Phải có gì hơn thế chứ?”. Người lớn đôi khi lại cần sự an ủi của người trẻ. Thật trớ trêu.

Cảnh trong Boyhood

Cuối phim, khi đang đi dạo với cô bạn mới quen, Mason và cô gái hỏi nhau rằng: “Chúng ta bắt lấy những khoảnh khắc hay những khoảnh khắc bắt lấy chúng ta?”. Chính lúc các nhân vật thức nhận ra cái đẹp của cuộc đời thì người xem thấy mối dây giữa các tác phẩm của Richard Linklater.

Trong gần ba giờ không quá dài, bộ phim bao bọc trọn vẹn cái đắng và cái ngọt cũng như tất cả những sắc thái khác ở giữa của cuộc đời như nó vốn thế.

TRUNG VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp