Một tàu đánh cá của ngư dân Gambia, khu vực Tây Phi - Ảnh: The Outlaw Ocean Project
Việc con người khai thác quá mức cùng các nguyên nhân khác như ô nhiễm đã làm dấy lên nỗi lo đến một ngày nào đó các đại dương sẽ cạn kiệt nguồn cá. Để làm chậm quá trình này, các nhà môi trường đã thúc đẩy việc nuôi trồng thủy sản bằng bột cá, nhưng rồi lại có vấn đề khác nảy sinh.
Lợi bất cập hại
Mới đây cây bút Ian Urbina, cựu phóng viên điều tra của báo New York Times và là giám đốc của "dự án Đại dương ngoài vòng pháp luật" (một tổ chức báo chí phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ), cảnh báo hình thức nuôi trồng thủy sản bằng bột cá tưởng là giải pháp nhưng thực tế lại cho thấy nó chính là vấn đề.
Trong bối cảnh ngành này đã trở nên "quá lớn và quá đói khát", để các loài như cá hồi lớn nhanh hơn, người nuôi bắt đầu cho chúng ăn thức ăn viên giàu protein làm từ cá nghiền thành bột, gọi là bột cá. Hiện nay hơn 30% lượng cá đánh bắt từ các đại dương được dùng làm thức ăn cho các loại cá nuôi.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, "dự án Đại dương ngoài vòng pháp luật" (Outlaw Ocean Project) đã đến khu vực Tây Phi để thực hiện chuyến tuần tra ngoài khơi, nơi có hàng trăm tàu thuyền các nước đánh bắt cá để sản xuất bột cá, thu gom nguồn thực phẩm địa phương và làm ô nhiễm bờ biển.
Họ đã thấy những hậu quả đáng sợ mà bột cá gây ra cho quốc gia nhỏ nhất ở châu Phi là Gambia. Khu vực Tây Phi thuộc nhóm các nơi sản xuất bột cá phát triển nhanh nhất thế giới, với 50 nhà máy chế biến hoạt động dọc theo bờ biển Mauritania, Senegal, Guinea-Bissau và Gambia.
Khối lượng cá nguyên liệu các nhà máy này sử dụng rất lớn. Chỉ riêng một nhà máy ở Gambia đã dùng hơn 7.500 tấn cá mỗi năm, chủ yếu là cá "bonga", loại cá địa phương có màu bạc và dài khoảng 25cm.
Từ "cho không" đến "đắt cắt cổ"
Gunjur là thị trấn có khoảng 15.000 dân, nằm ven bờ Đại Tây Dương thuộc miền nam Gambia. Sáng 22-5-2017, cộng đồng Gunjur thức dậy và ngỡ ngàng nhận thấy đầm phá Bolong Fenyo đã chuyển sang màu đỏ thẫm chỉ sau một đêm. Cá chết nổi trên mặt nước.
Một số người dân nghi ngờ không biết liệu cảnh tượng như ngày tận thế này có phải là điềm báo gì không. Nhiều khả năng những con bọ chét nước trong đầm đã chuyển sang màu đỏ để phản ứng với sự thay đổi đột ngột về độ pH hoặc nồng độ oxy. Ngay sau đó đã có báo cáo cho biết nhiều loài chim trong khu vực không còn làm tổ gần đầm phá này nữa.
Một nhà vi sinh vật địa phương kết luận nước bên trong đầm phá này chứa gấp đôi lượng asen và gấp 40 lần lượng phốt phát và nitrat so với mức an toàn. Ô nhiễm bắt nguồn từ một nguyên nhân: chất thải từ nhà máy chế biến cá Golden Lead ở gần đó.
Golden Lead và các nhà máy khác đã được xây dựng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu bột cá đang bùng nổ trên toàn cầu. Bột cá sẽ được xuất sang Mỹ, châu Âu và châu Á để đáp ứng nhu cầu của ngành nuôi trồng thủy sản.
Một ngư dân địa phương bán cá tại chợ Tanji, phía bắc thị trấn Gunjur ở Gambia, cho biết khoảng hai thập niên trước cá bonga rất dồi dào nên đôi khi người ta còn cho không. Nhưng giá của loài cá này đã tăng vọt trong những năm gần đây. Đối với nhiều người Gambia (khoảng một nửa là nghèo khó), giá cá bonga hiện đắt đỏ đến mức họ không mua nổi.
Ngày nay Gambia xuất khẩu phần lớn bột cá của họ sang Trung Quốc và Na Uy. Tại những nơi đó, bột cá được dùng để nuôi cá hồi phục vụ người dùng ở châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, những con cá vốn là nguồn đạm lớn cho người Gambia lại đang nhanh chóng biến mất.
Thực tế cho thấy trên thế giới đã có các trại cá quan tâm đến việc đảm bảo nguồn thức ăn bền vững bằng đạm thực vật thay cho bột cá. Khi đó, việc nuôi trồng thủy sản mới thật sự giúp bảo vệ nguồn cá ở đại dương.
Bắt cá bằng hóa chất, gây hại cho biển
Liên quan đến hoạt động đánh bắt cá đại dương, Hãng tin AP gần đây tường thuật thêm một câu chuyện khác: Hàng triệu con cá nước mặn với đủ màu sắc và hình dáng đang bị đánh bắt mỗi năm ở Indonesia và các nước khác để thả vào các bể cá cảnh trong phòng khách, nhà hàng... trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, một kỹ thuật đánh bắt cá phổ biến có sử dụng xyanua (phun xyanua lên các rạn san hô để làm cá choáng váng, dễ bắt hơn) đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cá và hệ sinh thái biển. Hiện nay các nhóm bảo tồn ở Bali (Indonesia) đang nỗ lực ngăn chặn cách đánh bắt này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận