Bà Lý Vỹ Linh, con gái của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, qua đời tại nhà riêng vào sáng 9-10 ở tuổi 69. Bà được chẩn đoán mắc chứng liệt trên nhân tiến triển, một rối loạn não hiếm gặp, vào năm 2020.
Bà là con giữa của ông Lý Quang Diệu, cùng với anh trai là Lý Hiển Long và em trai là Lý Hiển Dương.
"Em là một chiến binh"
Viết trên Facebook, ông Lý Hiển Long nói em gái mình là một chiến binh. "Em ấy rất trung thành với bạn bè, theo bản năng đồng cảm với kẻ yếu thế và sẽ tích cực hành động khi thấy sự bất công hoặc nghi ngờ có hành vi sai trái", ông viết.
Cựu thủ tướng Singapore nhớ lại khi còn nhỏ, cha đã từng dặn dò ông thay mình chăm sóc mẹ và các em nếu có chuyện gì xảy ra. "Thật đáng buồn, sau khi ông qua đời vào năm 2015, bóng tối bao trùm giữa các em tôi và tôi, và tôi không thể thực hiện được mong muốn của cha. Nhưng tôi không có gì chống lại Linh và tiếp tục làm mọi cách có thể để đảm bảo phúc lợi cho em ấy", ông Lý Hiển Long cho biết.
Khi tuyên bố về bệnh tình của mình năm 2020, bà Lý Vỹ Linh mô tả đây là "một căn bệnh não khá kinh khủng" mà cái chết là một sự may mắn.
Căn bệnh này bắt đầu với các triệu chứng giống như bệnh Parkinson, làm suy giảm khả năng vận động và khả năng giữ thăng bằng, sau đó là khó khăn trong việc nuốt, viêm phổi.
Sự tiến triển của bệnh sẽ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ và các thay đổi hành vi như mất kiểm soát và bốc đồng.
Trước khi bà Lý Vỹ Linh bệnh nặng, anh em nhà họ Lý đã bất đồng gay gắt trong nhiều năm liên quan di chúc của cha mình. Tranh chấp xoay quanh việc nên làm gì với ngôi nhà cổ của người cha quá cố: phá hủy nó như trong di chúc của ông hay để chính phủ quyết định xem có nên biến nó thành di tích lịch sử hay không. Luật pháp Singapore cho phép chính phủ chuyển ngôi nhà thành di tích.
Mâu thuẫn trong đệ nhất gia tộc Singapore
Một bên của cuộc mâu thuẫn là người con trai cả Lý Hiển Long, người cho rằng chính phủ có quyền quyết định nên làm gì với ngôi nhà. Bên kia là các em của ông, ông Lý Hiển Dương và bà Lý Vỹ Linh. Bà Lý Vỹ Linh không lập gia đình và sống tại ngôi nhà trên cùng cha mẹ sau khi 2 người anh ra riêng. Vào thời điểm 2017, ngôi nhà ước tính có giá trị 17 triệu USD.
Năm 2017, bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương đã công khai mâu thuẫn với anh trai mình, khi đó là thủ tướng đương nhiệm của Singapore, cáo buộc ông Lý Hiển Long lạm dụng quyền lực để phá hoại nỗ lực phá dỡ ngôi nhà gỗ của gia đình theo di nguyện của cha họ. Bà thậm chí gọi anh trai là "gian dối và tinh quái", theo báo Straits Times.
Tuy nhiên ông Lý Hiển Long bác bỏ cáo buộc rằng ông muốn giữ nguyên vẹn ngôi nhà gỗ để duy trì di sản thể hiện sự tôn kính mà hầu hết người dân Singapore vẫn dành cho ông Lý Quang Diệu.
Chưa rõ "bóng tối" trong gia đình họ Lý sẽ ra sao sau khi bà Lý Vỹ Linh qua đời. Trong di chúc, ông Lý Quang Diệu nói rõ rằng dinh thự sẽ bị phá dỡ khi bà không còn sống ở đó nữa.
"Tôi hy vọng khi tới thời điểm phải ra quyết định, Chính phủ Singapore lúc đó sẽ đưa ra sự lựa chọn hợp với ý nguyện của cha tôi và lợi ích chung của người dân", ông Lý Hiển Long từng chia sẻ trước đó.
Felix Tan, một nhà phân tích chính trị từ Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), nhận định một bộ phận xã hội và Chính phủ Singapore muốn giữ nguyên ngôi nhà. "Điều này sẽ tiếp tục di sản, không chỉ là câu chuyện về Lý Quang Diệu, mà còn là biểu tượng của huyền thoại và truyền thuyết về ông như một phần của lịch sử Singapore", ông Tan đánh giá trên tờ Asia Times.
Ông Lý Quang Diệu di nguyện gì?
Ông Lý Quang Diệu chuyển đến ngôi nhà năm phòng ngủ tại số 38 đường Oxley vào năm 1945. Ông đã lãnh đạo đất nước Singapore trong 3 thập kỷ và chính tại ngôi nhà này, Đảng Hành động nhân dân của ông được hình thành.
Trước khi mất vào năm 2015, ông từng nói rằng ông muốn phá hủy ngôi nhà vì ông không thích việc du khách đến tham quan và việc bảo tồn sẽ rất tốn kém. Ông đã đưa ý nguyện này vào di chúc và nói thêm rằng nếu không thể phá bỏ ngôi nhà, ông muốn đóng cửa với công chúng, ngoại trừ gia đình và con cháu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận