27/11/2023 09:57 GMT+7

Bỗng nhiên khó vay tiêu dùng

Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giờ làm, thu nhập người lao động sụt giảm. Lẽ ra cho vay tiêu dùng sẽ tăng nhưng thực tế đang ngược lại. Nhiều người muốn vay cũng khó, tín dụng đen được lợi.

Công ty tài chính giảm cho vay, các kiểu cho vay không phép, tín dụng đen trỗi dậy - Ảnh: Q.Đ.

Công ty tài chính giảm cho vay, các kiểu cho vay không phép, tín dụng đen trỗi dậy - Ảnh: Q.Đ.

Chỉ trong 10 tháng đầu năm, tổng dư nợ cho vay của 16 công ty tài chính giảm tới 70.000 tỉ đồng so với cuối năm ngoái. Tín dụng tiêu dùng đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua.

Nợ xấu tăng đến mức báo động

Chị Trần Thị Huệ (công nhân một nhà máy ở Khu công nghiệp Mê Linh, Hà Nội) cho biết chị cần 7 triệu đồng để tái khám bệnh và mua thuốc cho con nhưng mấy tháng nay không thể vay được. 

Chị đã gõ cửa hai công ty tài chính nhưng đều bị từ chối vì lý do chị đã 50 tuổi và thu nhập của chị giảm từ 9 xuống còn 8 triệu đồng. Trong khi ba năm trước chị vẫn vay được bình thường với mỗi lần vay là 10 triệu đồng và chưa từng chậm trả nợ bao giờ.

Anh Mai Văn Tuyến (Đông Anh, Hà Nội) cũng cho hay hơn 1 năm nay công ty khó khăn nên cắt giảm lương. Với đồng lương eo hẹp, gia đình vừa có việc phải vay công ty tài chính, thay vì vay được 15 triệu đồng/lần thì giờ chỉ được 10 triệu đồng mà lãi suất và các khoản phí tăng thêm 10%.

Theo thống kê của 16 công ty tài chính (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép), đến nay số người tiếp cận vốn vay tiêu dùng đã lên đến con số khủng: 30 triệu người. Tuy nhiên, gần đây thị trường cho vay tiêu dùng bị phủ một gam màu xám.

Theo ông Lê Quốc Ninh - chủ nhiệm Câu lạc bộ tài chính tiêu dùng (thuộc Hiệp hội Ngân hàng), tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 15 năm qua. 

Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. 

Nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6 - theo thống kê của Fiingroup. "Đây là con số rất đáng báo động", ông Ninh nói.

Dẫn ra con số cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho biết dư nợ cho vay tiêu dùng giảm khoảng 70.000 tỉ đồng so với cuối năm ngoái. 

Ngoài lý do khách quan là kinh tế khó khăn dẫn đến thu nhập của người lao động sụt giảm còn có tình trạng các hội nhóm rủ nhau, hướng dẫn nhau bùng nợ trên mạng xã hội bùng phát mạnh. 

"Thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi ngấm đòn từ dịch COVID-19 và hệ lụy, nhất là khó khăn từ thu nợ", ông Hùng nói.

Bỗng nhiên khó vay tiêu dùng- Ảnh 3.

Khách vay nhưng không muốn trả tăng nhanh

Ông Marcin Trusz - giám đốc khối xử lý tín dụng FE CREDIT - cho biết sau hai năm chống chọi với đại dịch COVID-19, FE CREDIT đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế và nhiều lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ... từ đó kích cầu vay tiêu dùng và cải thiện thu hồi nợ.

Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, trong khi mặt bằng lạm phát và lãi suất nhích lên, tăng trưởng kinh doanh của FE CREDIT theo đó cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi lợi nhuận tăng trưởng âm từ đầu năm 2023 đến nay.

FE CREDIT cũng cho biết các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép chính thức đang đối mặt với một vấn đề nan giải chung là hoạt động bùng nợ có tổ chức bộc phát.

"Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ chính đáng của các công ty được cấp phép là phạm pháp để tẩy chay và chây ỳ việc trả nợ. 

Với tỉ lệ khách hàng "vay mà không trả" gia tăng nhanh chóng, chế tài xử phạt chưa có và hoạt động khởi kiện gặp khó với các khoản vay giá trị thấp, các công ty tài chính tiêu dùng, bao gồm cả FE CREDIT, bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu tăng cao", ông Marcin Trusz nói.

Thêm vào đó, việc khách hàng cản trở hoạt động thu hồi nợ bằng các hành vi đe dọa, khủng bố ngược tinh thần nhân viên thu hồi nợ đã gây ra các xáo trộn tâm lý, hoang mang cho chính những nhân viên này.

Tình trạng này đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong hai năm qua. "Nếu như năm 2019 và 2020, công ty chúng tôi chỉ ghi nhận có 2 trường hợp nhân viên thu hồi nợ bị hành hung thì năm 2022 và 2023 có tới 24 vụ việc được ghi nhận. 

Dù luật pháp có những quy định tương đối chặt chẽ với người đi vay, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật. 

Một số người vay lợi dụng điều này cố tình trốn tránh, không trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay và hành hung nhân viên thu hồi nợ", ông Marcin Trusz cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo FE CREDIT, chi phí nhắc nợ, chi phí tuyển dụng, chi phí đào tạo... như một hệ quả leo thang, chiếm tỉ trọng lớn trong miếng bánh doanh thu không lấy gì làm đầy đặn của các công ty tài chính tiêu dùng.

Cho vay nhưng không thu hồi được, các công ty tài chính không dám mở rộng cho vay như trước.
Ông NGUYỄN QUỐC HÙNG (tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng)

Đáng lo khi tín dụng tiêu dùng tăng trưởng âm

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện có hàng trăm hội nhóm được lập ra để kêu gọi, hướng dẫn nhiều người vay tiền rồi bùng nợ. 

Do đặc điểm của các khoản vay tiêu dùng là món vay nhỏ, chỉ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng và không có tài sản đảm bảo nên khi tình trạng rủ nhau bùng nợ nổ ra, các công ty tài chính tiêu dùng phải co cụm để "tránh bão".

Ông Nguyễn Đình Đức, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ tài chính tiêu dùng, cho biết người vay tiêu dùng chủ yếu phần lớn là công nhân và người lao động tự do, thu nhập thấp, chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn ở các ngân hàng.

Khi có các hội nhóm kêu gọi bùng nợ mọc lên, bày vẽ cách đối phó với công ty tài chính, nhiều người có khả năng trả nợ cũng cố tình chây ỳ.

"Một trong những công cụ xử lý nợ xấu là khởi kiện người vay ra tòa. Tuy nhiên, công cụ này không hiệu quả do đây là những khoản vay rất nhỏ lẻ, số tiền tối đa là 50 triệu đồng/món vay trong khi án phí rất lớn, thời gian khởi kiện kéo dài" - ông Đức nói và cho hay do gần như không tìm ra giải pháp nên các công ty tài chính nói riêng, tổ chức tín dụng nói chung hạn chế cho vay tiêu dùng. Thậm chí có ngân hàng còn dừng cho vay tín dụng đối với cá nhân khi đang vay tiêu dùng ở các công ty tài chính.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, vấn đề nguy hiểm nhất là chưa có cơ chế để chế tài xử lý khách hàng cố tình chây ỳ, không chịu trả nợ, thậm chí là lôi kéo nhau bùng nợ.

Ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng tín dụng tiêu dùng là xu hướng của thế giới. Ở các nước phát triển như Mỹ, tỉ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỉ trọng lớn, khoảng 60 - 70% tổng dư nợ cho vay.

Ông Tú cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm tiêu dùng tín dụng vì hoạt động này không chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân và góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp giảm quy mô và hoạt động tín dụng đen.

Tuy nhiên sau đại dịch, nhất là từ đầu năm tới nay, tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống tăng rất chậm, chỉ 1,53% so với cuối năm 2022.

"Đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm và cần có giải pháp để duy trì được sự tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng, qua đó cũng củng cố và tiếp tục nâng cao niềm tin của thị trường - người dân - người vay vốn với hệ thống tổ chức tín dụng nói chung trong đó có các công ty tài chính nói riêng", ông Tú nhấn mạnh.

Từ lãi chuyển sang lỗ khủng

Nợ xấu tăng, kinh tế khó khăn nên nhiều công ty tài chính lâm vào thua lỗ. Công ty tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 73 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2023 sau soát xét. Nguyên nhân là thu nhập lãi thuần trong kỳ giảm đến 25% so với cùng kỳ, trong khi dư nợ giảm và chi phí tăng.

Một số công ty tài chính vốn nước ngoài khác cũng báo lỗ, như Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) lợi nhuận sau thuế âm 246 tỉ đồng nửa đầu năm nay.

Home Credit Việt Nam - công ty xếp thứ hai về thị phần cho vay tiêu dùng - 6 tháng năm 2023 ghi nhận mức lãi 211 tỉ đồng.

Dù là một trong vài công ty tài chính tiêu dùng hiếm hoi có lãi nhưng mức lãi này đã giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) giảm lợi nhuận 31% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 328 tỉ đồng trong nửa đầu năm.

135.945 tỉ đồng

Đó là dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép) tính đến cuối tháng 8-2023, chiếm hơn 5% dư nợ cho vay phục vụ đời sống.

Anh N. (trái, trú huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) trong cuộc trao đổi với nhân viên công ty tài chính về khoản nợ quá hạn - Ảnh: THANH HUYỀN

Anh N. (trái, trú huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) trong cuộc trao đổi với nhân viên công ty tài chính về khoản nợ quá hạn - Ảnh: THANH HUYỀN

Gặp khó vì công ty tài chính siết cho vay

Trước "làn sóng" các hội nhóm rủ nhau bùng nợ công ty tài chính khiến người có nhu cầu vay tiêu dùng tại miền Tây lo lắng vì khó được vay hơn trước.

Chị H.Đ. (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trước đây từng vay tiêu dùng của một công ty tài chính để mua tivi.

"Tôi đang cất nhà, dự định sẽ vay của công ty tài chính để mua một số vật dụng trong nhà. Nhưng những hội nhóm trên mạng xã hội rủ bùng nợ, nhiều khả năng công ty tài chính sẽ siết lại thủ tục cho vay hoặc tăng lãi suất", chị H.Đ. lo lắng.

Đề nghị xử lý hội nhóm rủ bùng nợ

Anh Đ. (quản lý một công ty tài chính tại Cà Mau) cho biết gần đây nhiều hội nhóm trên mạng xã hội đã rủ nhau để vay vốn rồi bùng nợ.

"Một số đối tượng còn dạy đời rằng vay đây là tín chấp dân sự, ra tòa vẫn viết cam kết trả đủ theo thu nhập từ đồng dư của cá nhân. Mà đi làm thuê lấy đâu ra thu nhập cá nhân mà trả... Hòa nhau thôi", anh Đ. kể lại.

Nhiều người đang vay tiền của công ty tài chính cũng không đồng tình với việc làm này bởi "có vay có trả".

Anh Hồ Văn Nam (ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), đang vay tiền của một công ty tài chính, cho rằng càng nhiều người bùng nợ thì công ty tài chính sẽ siết lại việc cho vay nên những người cần vay sẽ khó tiếp cận được vốn. 

"Nhiều người bùng nợ thì công ty sẽ lấy lãi suất cao đối với những người được vay để bù đắp khoản lỗ để đảm bảo vốn. Mình đã đồng ý đặt bút ký vô vay thì nên tìm phương án trả để giữ uy tín cho bản thân và gia đình", anh Nam nói.

Theo một số chuyên gia, nếu một lần không trả, người vay sẽ vào "danh sách đen", rất khó vay sau này khi có nhu cầu thực sự cần. Khi đó, họ phải vay tín dụng đen với lãi suất và rủi ro gấp nhiều lần.

Không để số ít ảnh hưởng đến nhiều người

Anh H.A.T., chủ tịch công đoàn Công ty thủy sản T.K. (ở TP Cà Mau), cho biết có nhiều công nhân của công ty có vay tiền từ các công ty tài chính bên ngoài để xoay xở trong lúc khó khăn.

Mặc dù công đoàn công ty không quản lý hết được nhưng thông qua các cuộc họp, lãnh đạo công ty thường xuyên nhắc nhở mọi người tuân thủ pháp luật khi vay vốn, đặc biệt phải tìm hiểu kỹ các công ty tài chính mình vay xem lãi suất thế nào, khả năng chi trả ra sao mới vay. Tránh tình trạng vay mà không có phương án trả sẽ ảnh hưởng đến công việc sau này.

Bà Lê Thanh Thúy, chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho biết công đoàn hiện có gần 30.000 công nhân viên chức lao động và nhu cầu vay tiêu dùng là có.

Khi công nhân vay, các công ty tài chính có thể thông qua chủ doanh nghiệp có ký nhận thì họ sẽ vận động công nhân trả cho công ty tài chính. 

"Chứ không lẽ giờ "một con sâu làm rầu nồi canh" sao. Một số người làm bậy, bùng nợ mà không cho một số lượng lớn người có nhu cầu vay thì rất khó", bà Thúy nói.

Trước tình trạng xuất hiện các hội nhóm rủ nhau bùng nợ khiến công ty tài chính siết lại việc cho vay hoặc tăng lãi suất, bà Thúy cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý, không vì một số ít mà ảnh hưởng đến nhiều người.

Năm ‘đau đầu’ của giới cho vay tiêu dùng khi nhiều công ty tài chính cùng lỗ lớnNăm ‘đau đầu’ của giới cho vay tiêu dùng khi nhiều công ty tài chính cùng lỗ lớn

Sau giai đoạn phát triển rất mạnh, tới nửa đầu năm 2023, nhiều công ty tài chính lớn thể hiện rõ hơn sự lao đao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ vay suy giảm, nợ xấu gia tăng...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp