31/01/2022 17:10 GMT+7

Bông mai vàng nở sớm

HÀNG CHỨC NGUYÊN
HÀNG CHỨC NGUYÊN

TTO - Từ 5 giờ sáng, hàng đoàn người tay xách nách mang kéo về nhà văn hóa, nơi những chuyến xe nghĩa tình đưa người về quê tránh dịch. Thùy cùng các bạn tình nguyện viên tất bật dò danh sách, kiểm tra, sắp xếp bà con lên xe.

Bông mai vàng nở sớm - Ảnh 1.

Đoàn xe chuyển bánh. Sắp lên cao tốc, Thùy thấy người phụ nữ gần năm mươi có đôi mắt sâu làm hai gò má nhô lên trên khuôn mặt hốc hác, ngồi cạnh cháu bé gần cuối xe, hai tay ôm một chiếc túi vải nhỏ màu nâu, cứ loay hoay, ngó qua ngó lại tìm kiếm cái gì.

Thùy bước đến: "Chị cần gì không chị?". Chị không trả lời mà rụt rè hỏi: "Có cái ghế nhỏ kia, chị ngồi được không em?". Đó là chiếc ghế phụ để sát lối đi. "Được chị, nhưng - Thùy nói - chị cứ ngồi ghế của chị cho thoải mái". "À không, ý chị là… ông chồng chị. À, mà thôi em à".

Đôi mắt chị đo đỏ, ướt như muốn khóc và đôi tay chị dường như ôm chặt hơn chiếc túi vải màu nâu... Thùy thoáng hiểu ra sự tình: chị đang ôm hũ cốt của chồng, chị muốn nhường chiếc ghế cho chồng. Bất giác, Thùy thấy một luồng lành lạnh chạy dọc sống lưng.

Khi sắp xếp được thêm một ghế ở hàng dưới, chị đứng lên, nhẹ nhàng đặt chiếc túi vải xuống chỗ mình đang ngồi, nắm tay Thùy rưng rưng: "Cảm ơn em quá chừng em à. May quá, ổng có chỗ ngồi đàng hoàng rồi".

Trước khi bước xuống hàng ghế phía dưới, chị vuốt tóc con gái, âu yếm dặn: "Ngồi với ba nghe con". Đôi mắt sáng, đen láy của cháu gái bỗng chùng xuống. Cháu lí nhí "Dạ", mắt đăm đăm nhìn, đặt tay lên chiếc túi vải màu nâu.

Đó là hai mẹ con chị Nga và cháu Mai, hai trong số 23 người, kể cả chồng chị Nga, trên chiếc xe số 2. Chiều trời đổ mưa mịt mù, lạnh. Chị kéo chiếc túi xách, lôi chiếc áo khoác cho con gái. Một gói giấy trong chiếc bao nilông chợt rơi ra, những hạt màu nâu nhỏ như hạt tiêu đổ xuống, túa ào trên sàn xe.

Chị hoảng hốt ngồi xổm xuống sàn, hai bàn tay khô khốc, sần chai vội lùa, hốt lấy hốt để. Thùy vội bước đến: "Không sao đâu chị, để em phụ". Vừa nhanh tay nhặt, Thùy hỏi: "Hạt gì vậy chị?". "Phân em à, phân để cây mai ra hoa".

Chị nghèn nghẹn giải thích: "Của ông chồng chị đó, ổng định gởi về để thằng con trai chăm cây chờ Tết, nhưng…". Chồng chị, anh Thế, làm nghề chở hàng bằng chiếc ba gác máy thuê. Nhiều hôm người quen gọi anh đi phụ hồ.

Có lần anh làm trên một sân thượng nơi chủ nhà có mấy cây mai rất đẹp. Thấy ông chủ vui tính, anh hỏi cách chăm mai. Chẳng là ở quê anh mới trồng một cây mai nhỏ ngoài sân sau Tết năm ngoái. Ông chủ nhà liền gói cho anh ít phân và quảng cáo: "Rắc mấy hạt này vào gốc rồi tưới nước, Tết nó ra bông chói mắt luôn".

Thích lắm, anh gọi điện kể với con trai đang sống với bà nội ở quê, bảo: "Ba gửi gói phân về trước, con tưới cho cây mai, Tết ba má về coi bông chói mắt nghe". Nhưng rồi anh chưa kịp gửi, còn bản thân anh thì không bao giờ về nữa.

Thu dọn xong phần phân đổ tháo, Thùy ngồi cạnh chị Nga chuyện trò. Ở quê, mảnh vườn nhỏ bằng nắm tay không cách nào nuôi nổi năm miệng ăn, anh chị phải tìm đường vào Sài Gòn kiếm sống. Anh chị dẫn theo đứa nhỏ, đứa lớn học lớp 12 ở nhà với bà nội. Ban ngày anh đi làm, chị ở nhà chăm con.

Chiều tối anh về thì chị lê la ở những hàng quán bán đậu phộng, trứng cút. "Họ nói tha phương cầu thực - chị tâm sự - Chớ mình còn cầu nhiều thứ khác, em à". Chị kể có lần chị đi bán về khuya, đói bụng quá, ngang qua tiệm phở, nghe mùi nước phở thốc vào mũi, ruột chị cứ như lộn lên.

Rụt rè, chị đến nói với chị bán phở đang đứng sau xe: bán em tô nước với bánh phở thôi được không chị?... Nghe cả câu chuyện dài Thùy mới hiểu ra: chị còn "cầu" chén cơm, chiếc áo, thang thuốc cho mẹ già, "cầu" sách vở học hành cho con, "cầu" tấm tôn tấm ván cho căn nhà chống mưa chống bão…

Nhưng rồi cũng đến lúc chẳng "cầu" được nữa. Dịch bệnh tràn về. Cách ly. Phong tỏa. Ai ở đâu ở yên đó. Bánh xe chở thuê của anh không quay được vòng nào. Thúng đậu phộng, trứng cút của chị nằm im trong góc xó.

Cư dân khu nhà trọ thu mình ngồi trong những căn phòng chật chội, nóng bức, tối tăm đợi những bịch gạo, thùng mì, bó rau, quả trứng từ thiện lúc có lúc không… Bức bách quá, anh chị đã tính đường về quê. Nhưng vẫn không kịp.

"Con Covid đã đến", chị nói. Nhà dì Bảy bán chổi dạo bị F0, rồi đến nhà anh Tuấn xe hủ tiếu đẩy, đến nhà bà Hạ cùng "ngành hàng" đậu phộng, trứng cút với chị. Và đến cả nhà chị. F0. F0. Cách ly. Bệnh viện thu dung. Bệnh viện dã chiến.

Nửa tháng sau, chị và cháu Mai có kết quả âm tính, được trở về khu nhà trọ. Còn anh Thế chồng chị vốn bị bệnh động kinh, nhiễm nặng, được đưa lên tầng trên, tầng trên nữa để rồi mấy tuần sau chị nhận được điện thoại của bệnh viện hồi sức: anh không còn chống chọi được nữa. Và rồi vào một buổi chiều trời vừa xâm xẩm tối, hũ tro cốt của anh được đưa về khu nhà trọ…

Trời sụp tối, vẫn mưa, những cơn mưa miền Trung tầm tã. Xe vẫn chạy lắc lư. Thỉnh thoảng chị đứng lên, vịn bước lên hàng ghế trước. Chị cũng cẩn trọng cầm chiếc túi vải màu nâu lên, ngồi xuống ghế và đặt chiếc túi vào lòng, hai tay ôm chặt.

Mờ sáng, đoàn xe đưa bà con về đến quê nhà. Những chiếc xe chờ sẵn đưa bà con về khu cách ly. Nhìn qua khung cửa nhỏ của chiếc xe màu xanh, Thùy thấy mẹ con chị Nga ngồi lặng lẽ. Hai tay chị khư khư ôm chiếc túi vải màu nâu.

oOo

Thùy là em tôi, con bà dì trong họ. Từ miền Trung về, Thùy đến thăm tôi, kể không ngớt về chuyến xe nghĩa tình với bao nhiêu buồn vui, về chị Nga ôm túi vải màu nâu bên trong có hũ tro cốt của chồng.

Khi Thùy nhắc đến chồng chị Nga - anh Thế - chạy xe ba gác, làm thợ hồ, gói phân bón mai anh định gửi về, tôi bàng hoàng. Lẽ nào có sự trùng hợp kỳ lạ vậy sao. Tôi nôn nóng hỏi Thùy: "Anh chị ở Đức Minh phải không em?". Thùy ngạc nhiên: "Dạ, Đức Minh, sao anh biết?", "Vậy là đúng rồi em, gói phân bón là của anh cho đó mà".

Tôi còn nhớ rất rõ. Sáng hôm ấy, hai người thợ đến lót gạch chiếc sân thượng nhỏ của nhà tôi. Qua giọng nói tôi nhận ra một trong hai người là đồng hương. Anh nhỏ người, da đen trông khắc khổ, nhưng miệng luôn có nụ cười dễ mến.

Thấy cây mai trong góc sân, anh có vẻ thích, khen đẹp và hỏi cách bón phân, kể chuyện đang trồng cây mai ở quê nhà. Sẵn có bịch phân mà năm nào cứ đến tháng 8 âm là anh bạn chuyên trồng mai gửi cho tôi để chuẩn bị bón cho cây mai "ra bông chói mắt", tôi đã gói cho anh một phần.

Những đường gạch men anh lát trên sân thượng vẫn còn mới, nửa bịch phân chia đôi với anh tôi giữ lại vẫn còn đó, vậy mà…

oOo

Thành phố hết giãn cách, các tỉnh không còn cách ly, cuộc sống bình thường mới chộn rộn chuẩn bị Tết. Nhân một chuyến công tác về tỉnh, Thùy nói thế nào em cũng sắp xếp về Đức Minh thăm nhà chị Nga. Mừng quá, tôi bảo: "Thắp giùm anh cây hương cho anh Thế, tiện thể em gửi giùm chút quà cho cháu bé, nghe em".

Bẵng đi ít ngày, một buổi sáng, tôi bỗng nhận được điện thoại. Mở nghe giọng miền Trung quê tôi đậm đặc: "Chào anh. Em là Nga, vợ anh Thế. Em nghe cô Thùy nói… Cảm ơn, cảm ơn, quý hóa quá anh ơi".

Và giọng chị trở nên nghẹn ngào: "Mớ phân bón anh cho nữa, quý hóa quá. Cây mai Tết này ra bông, chắc chồng em dưới đó…". Chị cho biết ngay khi từ Sài Gòn về, ngày cách ly đầu tiên, chị đã gửi gói phân bón mai cho Tú, con trai chị, và dặn con nhờ cụ Ba hàng xóm chỉ cho cách bón.

Cây mai có vẻ khơi được nhiều chuyện vui, chị kể tiếp: "Tết năm ngoái cả nhà về ăn Tết. Mùng năm không biết ở đâu ổng lôi về cái gốc mai cũng trộng lắm, đem cắt trụi lủi trụi lơ". Anh trồng cây mai vào cái thùng phuy cắt nửa, đặt trước sân đầu hè.

Trời Tết vẫn còn cái lạnh của mùa đông, vậy mà sáng nào anh cũng ra tưới nước cho cây mai và đứng ngắm. "Có hồi tui ghẹo ổng - chị Nga cười - nói cái cây đồ yêu gì đâu mà ngắm hoài. Ổng chỉ cười nói mai đẹp vầy mà bà kêu đồ yêu".

Những ngày Tết qua đi, vào lại thành phố, ở khu nhà trọ, thỉnh thoảng anh lại gọi về hỏi Tú: "Cây mai nứt mụt nhiều không con? Nhớ tưới nước cho nó nghe"…

oOo

Thùy trở lại thành phố và kể tiếp câu chuyện gia đình chị Nga. Nhìn lên bàn thờ, nơi có hai tấm ảnh - anh Thế và cha anh - dán trên một khung gỗ đơn sơ, chị Nga kể: "Em à, khi nghe cú điện thoại họ báo ổng không qua nổi, chị thấy người cứ quay tròn như con vụ rồi ngã chúi xuống. Em biết không, đến tận chiều hồn vía chị mới tỉnh em à".

Nhưng nghiệt ngã quá, chị vừa tỉnh thì Tú lại gọi như reo lên trong điện thoại báo tin: "Mẹ ơi, mẹ ơi con đậu đại học rồi mẹ ơi…". Nghe con báo tin vui mà nước mắt chị đầm đìa, ướt đẫm cả hai chiếc gò má cao. Cả đêm ấy chị không chợp mắt được phút nào: trong đầu, trong tim chị nỗi đau và niềm vui cứ trộn vào nhau, nhảy múa bấn loạn.

Chị đang nói chuyện với Thùy thì Tú đi đâu về. "Tú đó em. Chào cô đi con. Mới một năm mà nó lớn tồng ngồng. Đậu được đại học là ước mơ của cha nó mà nó tính không đi học đó em". Thấy cháu ái ngại nhìn mẹ, Thùy đùa vui lái qua chuyện khác: "Cháu có chăm sóc cây mai của cha không?".

"Dạ có - Tú trả lời và vui vẻ dắt Thùy ra khoe cây mai - Tốt ghê hông? Đẹp không cô?". "Ồ, đẹp quá". Nhìn cây mai, Thùy nghĩ mới trồng một năm mà nó vươn lên đâm cành lá xum xuê, xanh um. Cũng như Tú, thiếu thốn trăm bề mà vẫn "lớn tồng ngồng", vẫn đặt chân được vào trường đại học. Ấy vậy mà Tú có ý định thôi học, bởi "ba mất, một mình mẹ làm sao lo nổi cho cả nhà được hả cô?".

Ngay từ nhà chị Nga, Thùy gọi cho tôi bàn tính chuyện giúp Tú vào Sài Gòn học đại học. Thùy cũng gọi điện cho bà chủ trọ mà gia đình chị Nga thuê phòng mấy năm nay nhờ giúp đỡ.

Bà reo lên mừng rỡ trong điện thoại: "Mèn đất ơi, con thằng Thế, con Nga hả, nó vào đi chớ, tiền bạc gì trời. Phòng vợ chồng nó tui vẫn để đó mà, vẫn đặt cái bình nhang cúng vọng thằng Thế mà. Nó vào thắp nhang cho cha nó rồi cứ ở đó thôi" .

Khi Thùy chia tay ra về, cả nhà ra sân đưa chân. Đang chào chào nói nói tở mở thì bỗng bé Mai rứt khỏi tay mẹ phóng đến cây mai reo lên: "Mẹ ơi, mẹ ơi, cây mai có bông, cây mai có bông". Tất cả đều bước đến cây mai và ồ lên: ở một nhánh thấp, chen sau những chiếc lá xanh um là một bông hoa mai nhiều cánh vàng rực.

Nghe xôn xao, cụ Ba hàng xóm bước qua: "À, mấy cái bông nở sớm đó mà" và cụ nói với Tú: "Ngắt hết đi, ngắt cả mấy cái nụ trồng trộng nữa, dành sức cho nó. Chà, cây mai này Tết ra bông dữ lắm nghe".

Nghe cụ Ba nói "ngắt hết", bé Mai mếu máo phản đối: "Không, đừng ngắt, bông của ba con mà…". Tất cả mọi người nhìn sững. Chị Nga ôm chầm lấy bé Mai, hai mẹ con òa khóc. Bà nội lẳng lặng bước vào trong, đến bên bàn thờ anh Thế thắp một cây hương.

Truyện ngắn: Con Dủ Dẻ trong khu nhà trọ Truyện ngắn: Con Dủ Dẻ trong khu nhà trọ

TTO - Câu chuyện này tôi viết theo lời kể của Trần Bá Đa, sinh viên năm thứ 2 khoa văn, người miền Trung.

HÀNG CHỨC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp