Một em bé sống gần cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) hằng ngày phải giúp mẹ đẩy xe hàng thuê để kiếm sống - Ảnh: Tiến Thành |
Khẳng định VN đã nỗ lực và đạt nhiều thành tích trong cuộc chiến chống đói nghèo (mỗi năm trung bình giảm 2,5% số hộ nghèo), các thành viên ủy ban cho rằng phải thay đổi chính sách để giảm nghèo bền vững bởi “bóng ma” đói nghèo vẫn còn lởn vởn.
Những chuyện cười ra nước mắt
864.050 tỉ đồng Đó là tổng kinh phí cho các chương trình giảm nghèo 2005-2012, bao gồm cả vốn tín dụng cho người nghèo do Ngân hàng Chính sách xã hội trực tiếp thực hiện, trong đó có nguồn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp là gần 168.000 tỉ đồng (chiếm hơn 19% tổng nguồn vốn). |
“Ở tỉnh tôi có chương trình hỗ trợ 10 triệu đồng cho hộ nghèo sản xuất. Tôi đến thì thấy có gia đình mua hai con heo đen, một con nhốt trong chuồng và một con thả rông. Tôi hỏi rằng heo đen ăn gì, có được tư vấn cách nuôi heo không thì người dân nói rằng họ không biết, không ai tư vấn kỹ thuật cho họ nên có gì thì cho heo ăn nấy. Tôi nghĩ rằng vậy trong hai con heo thì con thả rông chắc sẽ bị mất, còn con nhốt trong chuồng sẽ chết” - đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) kể.
Tại sao dân nghèo? Ông Tuân đặt câu hỏi và tự trả lời: Trước hết là thiếu đất sản xuất, trong khi đất đai tại các nông, lâm trường vẫn dư thừa, đất quốc phòng nhiều nơi lãng phí. Không được hướng dẫn cách thức làm ăn. Chính sách giáo dục, đào tạo, đặc biệt là hướng nghiệp cho người nghèo và con em họ, thực hiện kém hiệu quả. Nhiều con em gia đình nghèo được đầu tư cho học đại học nhưng ra trường không kiếm được việc làm, trong khi công tác đào tạo nghề lại ít được chú ý và chương trình đào tạo không phù hợp với thực tiễn.
Số lượng chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhiều nhưng bộ máy quản lý công tác giảm nghèo đang chồng chéo, quá nhiều nơi nhúng vào nên vừa thiếu trọng tâm vừa lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) kể chuyện bà thấy ở địa phương mình: “Lúc đầu người ta đầu tư xây cái chợ, nhưng vì xây ở địa điểm không thích hợp nên dân không có ai đến họp chợ, sau đó người ta lại sửa cái chợ thành hội trường của xã. Những ví dụ như vậy không thiếu”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho hay: “Tôi đến một làng thấy có chương trình đào tạo nghề cho 20 người đi học thì cả 20 người được học sửa xe máy, nhưng hỏi ra thì cả làng ấy không có đến 10 chiếc xe máy”.
Ông Tuân bình luận: “Xây chợ để nhốt bò, xây nhà văn hóa bỏ không là chuyện rất bình thường. Bởi vì trong các tiêu chí của chương trình cứ phải có những hạng mục công trình đó. Các chương trình mạnh ai nấy làm, không có sự lồng ghép, phối hợp giữa các bộ, ngành”.
Cũng kể chuyện con heo, con bò, nhưng đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) lại cho thấy một góc nhìn khác: “Tôi không tin các con số điều tra về tỉ lệ hộ nghèo bởi thực tế có những người nghèo giả, cứ muốn “nghèo bền vững” để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Tôi biết có hộ gia đình ở miền núi nuôi tới 20 con bò, có hộ nuôi được cả đàn heo, nhưng trước khi bình bầu hộ nghèo họ đem bán đi, gửi tiền ngân hàng, vẫn ở nhà tranh lụp xụp và nộp đơn xin được vào diện hộ nghèo. Ở nhiều thôn xóm do nể nang nhau nên lúc bỏ phiếu là nghèo hết”. Trong khi đó, tỉ lệ hộ cận nghèo ở VN còn rất lớn (riêng Quảng Nam là 11%) nhưng chính sách cho đối tượng này lại không rõ ràng. “Bóng ma nghèo đói vẫn ám ảnh. Những hộ cận nghèo rất dễ tái nghèo, chỉ gặp một rủi ro nhỏ trong cuộc sống, sau một giấc ngủ sáng dậy là có thể nghèo lại ngay” - ông Lai nói.
Chuẩn nghèo mà không phải chuẩn nghèo
Một trong những lý do quan trọng khiến việc xác định tỉ lệ hộ nghèo ở VN không chính xác là việc ban hành chuẩn nghèo thấp. “Có thể nói việc công bố chuẩn thu nhập để xác định hộ nghèo trong những năm qua chưa phải là chuẩn nghèo thực tế, mà chủ yếu bảo đảm tính khả thi của các chính sách do Nhà nước ban hành, tức không phải là chuẩn nghèo mà chỉ là chuẩn để thực hiện chính sách. Chỉ có bảy tỉnh, thành ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng trình bày dự thảo báo cáo giám sát.
Theo ông Hùng, nhiều người nhận xét rằng với mức thu nhập 400.000-500.000 đồng/tháng thì rất khó xoay xở đảm bảo cuộc sống. Kết quả giám sát cũng cho thấy khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa còn rất cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước. Ở khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo mới phát sinh cùng với quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, chính sách giảm nghèo tới đây phải quan tâm giảm nghèo theo địa chỉ, tức là giảm nghèo gắn với từng hộ gia đình để có hỗ trợ phù hợp. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng sở dĩ giai đoạn vừa qua giảm nghèo không bền vững là do sản xuất vẫn tự cung tự cấp, không trở thành sản xuất hàng hóa. Nhìn chung ở 62 huyện nghèo không có cơ sở sản xuất, chế biến công nghiệp, không định hướng cho nông dân trồng cây gì, bán ở đâu. Nếu không giải quyết được tình trạng này thì không thể thoát nghèo bền vững.
Các đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), Đinh Thị Bạch Mai (TP.HCM), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng sắp tới khâu tuyên truyền, giáo dục nhận thức của người nghèo cần phải đẩy mạnh và tạo đột phá. “Có một bộ phận người dân sống trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng. Chúng ta chưa giáo dục nền tảng để người ta hiểu rõ giá trị của lao động, phấn đấu và vươn lên” - bà Mai nói. “Phải tuyên truyền, tạo nên lòng tự trọng mới chấm dứt tình trạng người dân không muốn thoát nghèo” - bà Thụy bày tỏ. Các đại biểu cũng đề nghị trong việc thiết kế các chính sách giảm nghèo phải chuyển từ tình trạng nặng về cho “con cá” trong giai đoạn vừa qua sang giai đoạn hỗ trợ “cần câu” trong giai đoạn tới.
Sau phiên họp này, báo cáo giám sát sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình Quốc hội thảo luận. Dự kiến Quốc hội sẽ có nghị quyết về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội chỉ như “chim đưa thư” Đã qua hai phiên thảo luận nhưng đến chiều 23-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa thông qua được nghị quyết về việc các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh. Lý do: chưa trả lời chắc chắn được câu hỏi sau khi có nghị quyết này thì công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư có chuyển biến gì mới không? “Hôm nào đến lịch tiếp công dân của mình thì tôi cũng thấy rất căng thẳng. Có những buổi tiếp công dân, đại biểu Quốc hội bị gây sự, thậm chí người ta cản đường không cho mình về. Nhiều buổi tôi tiếp công dân ở đoàn phải có ba công an bảo vệ. Tôi được biết có người còn mắc màn trước cửa nhà anh Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện - PV)” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết. Do tính chất phức tạp của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay ở nước ta, số lượng đơn thư chuyển đến các cơ quan của Quốc hội rất lớn, nhưng vai trò của đại biểu và các cơ quan của Quốc hội mới chỉ như “chim đưa thư”. Dự thảo nghị quyết đặt ra vấn đề giám sát nội dung đơn thư trước khi trả lời cho công dân. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định như vậy sẽ khiến cơ quan của Quốc hội quá tải công việc, không thể làm hết được. Cùng ngày, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và chương trình năm 2015. Dự kiến trong năm 2015 Quốc hội phải thông qua 34-38 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có nhiều dự án luật về tổ chức bộ máy và Luật trưng cầu ý dân. LÊ KIÊN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận