Trên võ đường, các nữ võ sĩ kiếm đạo như những chiến binh thực thụ bước ra từ truyện tranh hoặc một bộ phim cổ trang nào đó. Không khí tập luyện đầy năng lượng với tiếng thét, tiếng giậm chân và tiếng kiếm tre chạm nhau vang khắp sân tập.
"Ký thác tâm hồn" nơi võ đường
Hồng Nhung (27 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết võ đường kiếm đạo có tất cả những gì mà Nhung đang muốn bồi dưỡng cho tâm hồn của mình, bởi từ nhỏ cô gái đã xác định sẽ học một môn thể thao.
"Trước kia, tôi cảm thấy mình bị cảm xúc chi phối rất nhiều, nhưng khi tập luyện kendo, tôi học được cách giữ bình tĩnh để quan sát và giải quyết vấn đề dù ban đầu tôi cũng hơi sợ hãi vì mình là nữ mà phải đi tấn công người khác", Nhung bày tỏ.
Sau hai năm tập luyện, Nhung đã trở nên cởi mở, đặc biệt là sức khỏe thể chất và tinh thần được cải thiện. Cô cũng nhận ra võ đường không chỉ là nơi tập đánh nhau mà còn để hiểu nhau và hiểu bản thân mình.
Với công việc chính là vẽ background (phông nền, bối cảnh - PV) cho phim hoạt hình Nhật Bản, việc tập luyện kendo cũng là cầu nối để cô họa sĩ có mối liên kết văn hóa với đất nước mặt trời mọc, từ đó công việc của Nhung cũng thuận lợi hơn.
Cũng chọn võ đường là nơi "ký thác tâm hồn" sau guồng quay tất bật của cuộc sống, bạn Nguyễn Tâm Thịnh (29 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết CLB kiếm đạo Đại Đạo là nơi giúp cô nhân viên văn phòng tái tạo năng lượng sau giờ làm.
"Tôi đi làm mệt đuối nhưng qua đây chỉ cần nghe tiếng thét, tiếng giậm chân của mọi người thì bỗng vui vẻ, khỏe khoắn trở lại, thấy cơ thể tràn đầy năng lượng và sẵn sàng tập luyện", Thịnh nói.
Là người con đất võ Bình Định, nhưng quá trình đến với bộ môn kiếm đạo của Thịnh lại không được suôn sẻ. "Tôi không giấu giếm nhưng chưa dám nói với gia đình mình đang theo học kendo, bởi chỉ cần nói ra bố mẹ tôi sẽ biết môn này là võ và không thích, vì bố mẹ mong muốn tôi thùy mị, nết na hơn", Thịnh tâm sự.
Dẫu vậy, Thịnh vẫn quyết theo đuổi kendo vì hiểu rõ bộ môn này phù hợp cá tính mình và sẽ dần chứng minh với gia đình lựa chọn, sở thích này là hữu ích. Hơn nữa, Thịnh đã học được nhiều nghi lễ, đức tính tốt áp dụng vào cuộc sống hằng ngày bên cạnh việc rèn giũa cốt cách tâm hồn trong sáng, chuẩn mực hơn.
Anh Nguyễn Phước Trung (huấn luyện viên trưởng CLB kiếm đạo Đại Đạo), nơi Hồng Nhung và Tâm Thịnh đang tập, cho biết sau hơn 10 năm với vai trò dẫn dắt thì điều khiến anh ấn tượng với các học viên nữ là ở cá tính mạnh mẽ, tinh thần ngoan cường và sự tập trung cao độ của các bạn.
"Nhiều cô trước khi đến với kiếm đạo đã phải cân nhắc thật kỹ vì để có được kết quả đẹp giống như trên phim ảnh hay thi đấu thì phải trải qua khổ luyện thực tế rất vất vả, đánh đổi nhiều thời gian, sự kiên nhẫn, đôi khi là những vết thương đến phồng rộp tay chân, thậm chí phải cắt bỏ bộ móng tay dài đẹp của mình", anh Trung nói.
Tuy vậy, với tinh thần xây dựng cộng đồng nam nữ bình đẳng trong kiếm đạo thì quá trình huấn luyện, trừ một vài tình huống đặc thù, bất khả kháng thì việc hướng dẫn học viên nam và nữ của anh Trung không có bất kỳ sự khác biệt hoặc ưu ái nào.
"Bất kể là nam hay nữ khi đã có tình yêu dành cho kiếm đạo thì đều có thể nhận ra, võ đường là một nơi công bằng để rèn luyện thể chất và là nơi ký thác tâm hồn cho các bạn", anh Trung nói.
Sức hấp dẫn từ những lễ nghi và triết lý
Kendo hay kiếm đạo về bản chất là một môn võ đạo, võ là bề ngoài để luyện thể chất, đạo là tư tưởng để rèn nhân cách. Người học kiếm đạo ban đầu là để nâng cao thể lực, sức khỏe tráng kiện nhưng sau thời gian gắn bó lại yêu thích kiếm đạo bởi những nghi lễ và triết lý sâu xa của "đạo dùng kiếm".
Bạn Nguyễn Thị Kim Ngọc (27 tuổi, quận Tân Phú) cho biết cô đến với kiếm đạo cũng là cái duyên, nhưng khi tập luyện lâu dài thì cô nàng bị hấp dẫn bởi những nghi lễ và bài học cuộc sống mà môn này mang đến.
"Ban đầu chỉ là học vẹt, làm theo những gì thầy hướng dẫn như gấp trang phục ngay ngắn, rèn luyện sự tập trung và tính kiên trì, thực hiện các nghi lễ bắt buộc như chào nhau trên sân, thét lớn khi ra đòn… Nhưng một thời gian khi đã quen dần với điều đó thì cũng là lúc một nếp sống mới ngăn nắp và kỷ luật hơn đã hình thành trong cuộc sống của mình", Kim Ngọc chia sẻ.
Cùng quan điểm, bạn Nguyễn Hoàng Kim Anh (27 tuổi, quận Bình Tân) cũng cho biết điều khiến mình thích nhất khi luyện kendo là những nghi lễ và triết lý.
"Cái hay của kiếm đạo không chỉ có sức mạnh là thắng được mà còn phải chú trọng đến sự quan sát, sự điềm tĩnh và linh hoạt. Nữ có thể thua nam về thể chất, nhưng với kendo sẽ luôn có cách khắc chế những khuyết điểm đó để phản công". Kim Anh giải thích.
Tuy nhiên, dùng kiếm hay làm người đều luôn có những thất bại phải trải qua. Kim Anh kể có lần gặp lại người bạn thân trên võ đường, trong vai trò là đối thủ nhau, Kim Anh đã kém tập trung và chưa thực sự hết mình đối kháng nên cô đã bị người bạn hạ gục.
"Đó là thất bại đầu tiên, tôi thua mà tôi không thấy buồn. Vì người bạn đó đã dạy cho tôi hiểu được tinh thần thi đấu hết mình trong kendo là như thế nào. Tức là dù ngoài đời có chơi thân cỡ nào thì trên sân đấu luôn luôn phải tập trung và chiến đấu hết mình", Kim Anh cười nói.
Khi đã thông thạo hết các nghi lễ và quy tắc cơ bản trong kendo, người tập sẽ nhận ra môn thể thao này dạy mình cách làm người thông qua cách sử dụng kiếm. Bạn Phan Kim Anh (sinh viên năm cuối Trường ĐH Tôn Đức Thắng) tâm đắc: "Trong thi đấu sẽ luôn có những va chạm, nhưng với kendo, các vận động viên sẽ không đánh sau lưng đối thủ, không thù hận sau mỗi thất bại và đặc biệt là phải tuyệt đối tôn trọng đối thủ của mình".
Ông Trần Thanh Tùng (chủ tịch Liên đoàn Kiếm đạo TP.HCM) cho biết: "Tư tưởng "nhất bản" rèn cho kiếm sinh vượt qua sự lưỡng lự, ngập ngừng để dồn toàn bộ sức mạnh và tinh thần cho đòn đánh. Tiếng thét trong kiếm đạo cũng giúp đẩy cao sự tự tin của người tập, mà sự tự tin thì luôn cần thiết trong cuộc sống".
Ông Tùng cũng nói nếu áp dụng tư tưởng kiếm đạo vào cuộc sống, tức là quyết tâm theo đuổi mục tiêu mà mình đã đặt ra, thì bất cứ ai cũng có thể thành công.
Liên đoàn Kiếm đạo TP.HCM đến nay đã có hơn 20 CLB thành viên tại TP.HCM, Bình Dương, Lâm Đồng và Hà Nội. Mỗi CLB có ít nhất từ 20 thành viên, nhiều nhất khoảng 80 thành viên. Trong đó số vận động viên nữ tham gia tập luyện ngày càng tăng, dao động khoảng 15 - 20% trong mỗi CLB.
"Với triết lý giao kiếm tri ái, các kiếm sĩ được rèn luyện để trao yêu thương và hiểu biết qua từng đường kiếm, để chiến thắng bản thân trước khi chiến thắng đối thủ, họ tìm ra niềm vui và trân quý những cơ hội tập luyện với nhau hơn là tranh đua. Thái độ trân trọng bạn tập kết hợp với những chuẩn mực về nghi lễ mở ra con đường để kiếm sĩ kết nối với cộng đồng kiếm đạo trong và ngoài nước. Đặc biệt trong kiếm đạo, chiến thắng bản thân mới là chiến thắng thực sự" - ông Trần Thanh Tùng, chủ tịch Liên đoàn Kiếm đạo TP.HCM, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận