Những ngày làm việc cuối cùng của công nhân tại một công ty khi nhận thông báo kết thúc hợp đồng lao động do thiếu đơn hàng - Ảnh: VŨ THỦY
Đó là tình cảnh của người lao động của Công ty TNHH Ta Shuan (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) trong những ngày giáp Tết này.
Mất việc còn bị nợ BHXH
Theo thông báo của công ty trước đó, công ty này đã hết đơn hàng và tài chính rất khó khăn nên đã lên phương án cho người lao động nghỉ không lương từ tháng 11-2022. Khoản nợ BHXH sẽ được trả cho cơ quan BHXH thành 3 đợt trong vòng 3 tháng.
Chị Lê Thị Kim Hồng (48 tuổi, quê Bến Tre) buồn bã chia sẻ: "Công ty Ta Shuan đã có thâm niên hoạt động hơn 20 năm và không ít công nhân cũng ngần ấy năm gắn bó. Buồn lắm. Tôi làm từ 2009, mấy chục năm, giờ mất việc không có gì hết. Công ty nợ BHXH từ năm 2019 tới giờ, giờ mất việc mới biết nên cũng không chốt sổ để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tuổi này đâu có xin việc được ở đâu nữa, nhất là bây giờ may mặc khó khăn, công nhân may nhiều nơi cũng mất việc. Con tôi vẫn đang học lớp 10, mẹ già ở dưới quê giờ cũng chưa biết tính sao", chị Hồng kể về nỗi lo những ngày sắp tới.
Không ít người lao động công ty này đã đến thời điểm về hưu nhưng vẫn chưa làm được thủ tục để hưởng hưu trí. "Tôi cũng tính nếu còn sức khỏe thì vẫn ở lại công ty làm thời vụ vài ba năm. Lương công nhân về hưu thì lương hưu cũng đâu được mấy đồng. Vậy mà giờ việc không có, lương hưu cũng không nhận được", ông Trần Văn Hòa - công nhân Ta Shuan - cho biết.
"Tôi đến BHXH để hỏi thì họ nói công ty mới đóng đến tháng 10-2019 thôi. Giờ tôi muốn làm thủ tục hưởng lương hưu thì công ty phải đóng phần còn nợ bên BHXH", ông cho biết. Giá cả tăng, tết nhất cận kề, những người lao động như chị Hồng, ông Hòa vẫn chưa biết xoay xở những ngày sắp tới ra sao.
Nghe nhiều nơi công nhân nghỉ việc được nhận trợ cấp 2-3 tháng lương, rồi trợ cấp thất nghiệp cũng bằng vài tháng lương, chúng tôi chỉ mong công ty sớm chốt sổ BHXH để kịp nhận trợ cấp thất nghiệp, ít ra cũng còn khoản tiền tiêu tết.
Chị Lê Thị Kim Hồng (công nhân Công ty Ta Shuan)
Nỗi lo ngày cận Tết
Nhiều công ty có quy mô lớn cũng đã ra thông báo về việc cắt giảm lao động, cho người lao động nghỉ việc ngay trước thời điểm cuối năm. Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) hoạt động trong lĩnh vực da giày với khoảng 8.700 lao động đã có văn bản gửi cơ quan quản lý lao động xin cắt giảm lao động do khó khăn trong sản xuất. Công ty dự kiến sẽ cắt giảm hơn 1.400 lao động từ tháng 12-2022.
Gần 1.200 công nhân Công ty TNHH Tỉ Hùng (quận Bình Tân) cũng đang làm việc những ngày cuối cùng ở xưởng trước khi công ty ngừng hoạt động. Theo thông báo công ty sẽ kết thúc hợp đồng với công nhân vào 1-12-2022 do tình hình kinh doanh ảm đạm, công ty không có đơn hàng.
Gắn bó ở công ty này suốt 15-20 năm qua, nhiều công nhân Công ty Tỉ Hùng đã rất bất ngờ khi công ty ra thông báo đóng cửa. Họ không khỏi lo lắng cho tương lai sắp tới. "Tôi làm việc ở đây đã 19 năm mấy tháng rồi. Giờ công ty cho nghỉ cũng chưa biết tính sao. Giờ tuổi này xin việc ở đâu được nữa...", chị Nguyễn Thị Kim Nhã (44 tuổi, quê Hậu Giang) chia sẻ.
Tích lũy khoản đóng BHXH đã ngót nghét 20 năm, giờ phải nghỉ, chị Nhã tính rút BHXH một lần để có thêm khoản tiền xoay xở. "Lương chừng hơn 8 triệu đồng, có tăng ca thì cũng đỡ. Giờ nếu xin làm chỗ khác, không có thâm niên chắc khó đủ xoay xở, chồng tôi bị tai nạn đâu có làm lụng được nữa. Rồi còn gửi cha mẹ già ở quê cần tiền mua thóc gạo, cá mắm", chị Nhã nói thêm.
Chung cảnh ngộ, chị Trần Thị Giúp (49 tuổi, quê Đồng Tháp), người đã gắn bó với công ty suốt 15 năm qua, cũng lo lắng: "Công ty cũng sắp đóng cửa rồi. 49 tuổi rồi nghỉ đây rồi làm đâu được nữa. Chỉ mong được trả trợ cấp thỏa đáng rồi có lẽ về quê kiếm việc làm".
Cạn tiền đón Tết
Sau hai năm công ăn việc làm và thu nhập gián đoạn vì dịch COVID-19, những tưởng năm nay đội ngũ công nhân sẽ có một năm hưởng niềm vui trọn vẹn. Nhưng rồi một số doanh nghiệp thông báo cho hàng loạt người lao động nghỉ việc.
Có nơi cho ngưng tạm thời, vẫn hỗ trợ đời sống giúp công nhân cầm cự qua ngày khó khăn, chờ quay lại sản xuất nhưng có những cơ sở cho nghỉ luôn. Khoản tiền thưởng Tết vốn rất được mong ngóng, sau gần một năm cống hiến cũng trở nên mờ mịt.
Người lao động cũng phải chịu quá nhiều thiệt thòi, nhất là khi Tết cận kề. Liệu có điều "bất thường" khi tỉ lệ người bị mất việc trên 35 tuổi khá cao? Trong số này, những công nhân có thâm niên đóng BHXH gần 20 năm trở lên rất nhiều.
Trước đó, không ai nghĩ đến chuyện hưởng chế độ một lần, song giờ đây họ phải băn khoăn lựa chọn. Ở độ tuổi không còn trẻ, chuyện tìm việc làm khác thật nan giải. Dù muốn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cũng không có khả năng "chi trả". Nỗi niềm này còn lớn hơn cả lo Tết với túi cạn tiền.
Ngành BHXH cũng đang lo khi "tái" xuất hiện làn sóng người lao động đề nghị rút tiền một lần, không thể chờ đến ngày hưởng lương hưu. Ngổn ngang những vấn đề an sinh cho người dân ngày cận Tết. Mất việc vào thời điểm "nhạy cảm", lo bữa ăn hằng ngày đã khó, nhiều người không đủ khả năng chi cho khoản tiền về quê ngày Tết.
Còn nhớ mới đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp khát lao động, sẵn sàng "trải thảm" đón công nhân, thậm chí cho xe về tận quê nhà chở người vào làm việc. Mọi chuyện thay đổi quá nhanh trong khi khả năng ứng phó chưa theo kịp.
Tại những khu phòng trọ, người lớn được "ở nhà" vào ban ngày có vẻ nhiều hơn mọi năm. Trong khi con cái đến trường đều đều, mọi chi phí hằng ngày vẫn không giảm. Mùa lao động cuối năm, người ở nhà trọ đông hơn nhưng tiếng cười lại ít.
Họ cần sự trợ lực ngay từ lúc này, từ doanh nghiệp, từ chính quyền và cả sự chung tay từ nhà hảo tâm.
TRẦN VINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận