Ông Tạ Long An nay đã 76 tuổi, trú thôn Nam Cường, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ ngày đất nước thống nhất, ông và gia đình đã nhận chế độ thờ cúng liệt sĩ, bấy giờ chỉ là cái áo, gói kẹo, quyển sách vở nhưng là niềm vinh dự, tự hào.
Bỗng dưng không còn là con liệt sĩ
Ông Tạ Long An có cha là liệt sĩ Tạ Sửu, hy sinh năm 1952. Thời điểm này ông mới 4 tuổi.
Năm 1978, ông An làm chứng minh nhân dân tại Công an tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) và khai cha là liệt sĩ Tạ Quang Sửu.
Đến năm 2004, nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công, huân huy chương ghi tên liệt sĩ là Tạ Sửu. Thấy tên của cha không khớp với hồ sơ liệt sĩ nên năm 2007, ông An đã vào Công an tỉnh Quảng Trị làm lại chứng minh nhân dân, hộ tịch hộ khẩu và xóa chữ lót, sửa tên cha từ Tạ Quang Sửu thành Tạ Sửu.
Tuy nhiên, từ năm 2016, ông Tạ Long An phát hiện mình không có trong hồ sơ liệt sĩ Tạ Sửu. Từ đó ông liên tục có kiến nghị gửi nhiều cấp, sở ngành đề nghị bổ sung tình hình thân nhân là con liệt sĩ.
Trong các thủ tục có yêu cầu giấy khai sinh. Tuy nhiên, UBND xã Trung Nam cho rằng không đủ căn cứ để xác định ông Tạ Long An có cha đẻ là liệt sĩ Tạ Sửu nên không thể cấp cho ông An giấy khai sinh ghi tên cha đẻ là Tạ Sửu.
Trong khi đó, ông An cho rằng ông khai có 2 tàng thư tại công an tỉnh nhưng địa phương chỉ ghi nhận tàng thư năm 1978, thời điểm ông khai tên cha bị sai mà không căn cứ vào tàng thư 2007.
Ông An cho hay gia phả của họ tộc cũng chứng minh ông là con liệt sĩ.
"Việc bổ sung thân nhân liệt sĩ là để cho phép tôi và gia đình tự hào là gia đình anh hùng liệt sĩ, có bà nội là mẹ Việt Nam anh hùng, cha là liệt sĩ. Nay tôi tuổi đã yếu, không có gì mong muốn hơn ngoài việc được hưởng danh dự, quyền lợi cha tôi đã hy sinh", ông An nói.
Sở, huyện nói kiện ra tòa; tòa bảo giấy tờ đã đủ chứng minh con liệt sĩ
Từ năm 2018 đến nay, ông An liên tục khiếu kiện ở nhiều cấp để tìm lại quyền lợi của gia đình và bản thân.
Theo UBND huyện Vĩnh Linh, quy định tại Luật Hộ tịch 2014, do người nhận cha là liệt sĩ đã chết nên ông Tạ Long An không thể thực hiện theo luật này.
Còn Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có điều tòa án có thẩm quyền xác định cha mẹ con trong trường hợp người được yêu cầu đã chết. Do đó, huyện Vĩnh Linh hướng dẫn ông An gửi đơn đến tòa án.
Mới đây, hôm 30-9, Sở Tư pháp cũng trả lời lĩnh vực này không thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục hành chính, và đề xuất UBND huyện Vĩnh Linh hướng dẫn ông Tạ Long An khởi kiện ra tòa án.
Trên cơ sở đó, UBND huyện Vĩnh Linh đã hướng dẫn ông An đến TAND huyện Vĩnh Linh để giải quyết việc truy nhận cha cho con.
Chấp hành hướng dẫn của huyện Vĩnh Linh, ông đã 2 lần gửi hồ sơ khởi kiện đến TAND huyện Vĩnh Linh.
Tháng 3-2024, TAND huyện Vĩnh Linh nhận đơn khởi kiện của ông Tạ Long An và các tài liệu, chứng cứ kèm theo về việc yêu cầu tòa án giải quyết xác định ông Tạ Long An là con của ông Tạ Sửu.
Sau khi xem xét hồ sơ, TAND nhận thấy theo thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân, thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của ông Tạ Long An và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn đều xác định ông Tạ Long An là con của ông Tạ Sửu.
Xét thấy yêu cầu của ông Tạ Long An theo đơn khởi kiện đang có quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước nên TAND huyện trả lại đơn khởi kiện cho ông An.
Việc tòa án không thụ lý, còn huyện Vĩnh Linh thì chờ có bản án của tòa về việc xác định người cha của ông Tạ Long An mới cấp giấy khai sinh khiến ông lâm vào vòng luẩn quẩn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận