27/12/2023 05:45 GMT+7

Bỗng dưng hoang mang trước ngày tốt nghiệp đại học

Nhiều sinh viên năm 3, năm 4 bỗng nhiên đối diện với trăm nỗi băn khoăn, không rõ tốt nghiệp đại học rồi sẽ phát triển sự nghiệp ra sao. Có bạn còn sợ... đi làm.

Sinh viên tại TP.HCM trong một giờ tự học ở quán cà phê - Ảnh: NHƯ HÙNG

Sinh viên tại TP.HCM trong một giờ tự học ở quán cà phê - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hồng Viên, sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), chia sẻ sắp ra trường, bạn cảm nhận rất rõ áp lực. Thấy bạn bè ai cũng giỏi và có nhiều dự án hay khiến bạn hoang mang về ngành nghề mình đã theo đuổi suốt những năm qua.

Càng gần ra trường càng mông lung

Viên kể lúc trước bạn chọn học ngành Hàn Quốc học là vì thích những thứ liên quan đến Hàn Quốc, mê các thần tượng Hàn, phim ảnh Hàn... Năm 1, năm 2, bạn thấy chương trình học cũng bình thường, thiên về ngữ pháp.

Dấu hiệu không ổn chỉ đến vào năm 3, 4 khi Viên liên tục chịu áp lực với bài tập nhóm, ngày nào cũng quần quật với tiếng Hàn một cách khá hàn lâm. Viên dần cảm thấy chán.

"Trước đây, mình dự tính sau khi tốt nghiệp sẽ nộp hồ sơ vào các công ty lớn như Samsung, LG để học hỏi kinh nghiệm nhưng mà với tình hình này thì khá khó. Nếu không thể làm việc liên quan đến ngành học, mình sẽ làm các công việc trái ngành liên quan đến tiếng Anh để kiếm thu nhập tạm thời. Mình từng nghĩ học ngoại ngữ để có thể linh động trong công việc nhưng với hiện tại thì mình khá mông lung sẽ làm gì trong tương lai" - Viên tâm sự.

Còn Văn Tới, sinh viên ngành điện tử viễn thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết bởi vì không đậu nguyện vọng 1 xét tuyển đại học nên bạn đã chọn ngành học hiện tại với hy vọng mọi thứ rồi cũng sẽ ổn. Tuy nhiên sau vài năm học tập, bạn nhận ra mọi thứ khác xa với tưởng tượng ban đầu.

Càng học lên cao càng tiếp cận với những học phần chuyên sâu, bạn càng không theo đuổi kịp nên không tiếp thu được đầy đủ các kiến thức. Từ đó bạn thường suy nghĩ tiêu cực, nghĩ không hợp với ngành, nên rất thường muốn chuyển ngành hay buông luôn.

"Một phần cũng do ở năm 1, năm 2 mình chểnh mảng trong học tập, muốn đi làm kiếm tiền cộng thêm chưa có kế hoạch học tập nên không sắp xếp được thời gian hiệu quả.

Nhiều sinh viên ra trường không có việc làm khiến mình càng e ngại về công việc của mình trong tương lai sẽ như thế nào. Mình cũng chưa hình dung được sau khi ra trường sẽ làm gì. Tiếp tục theo đuổi lĩnh vực đang theo học hay không là một câu khó đối với mình" - Tới nói.

Nên trăn trở nghề nghiệp từ sớm

TS Nguyễn Thanh Phương, trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng phần lớn sinh viên gặp tình trạng này là những bạn chưa thật sự chủ động và chưa dành nhiều thời gian để tìm hiểu về nghề nghiệp của mình ở thời đại học. Đây cũng là một trong những thiếu sót mà sinh viên năm 1, năm 2 có thể rút kinh nghiệm để tránh gặp phải.

Bởi vì, thông thường các bạn học sinh phổ thông chọn ngành học để xét tuyển đại học phần nhiều chưa hiểu hết các góc cạnh, các hướng đi nghề nghiệp của ngành đã chọn. Vì vậy ngay từ khi bước chân lên đại học, các bạn cần sớm dành thời gian nghiên cứu thêm một lần nữa các con đường nghề nghiệp.

Chẳng hạn nếu là ngành kinh tế, các bạn cần tự khảo sát xem ngành học đó ra trường có những đầu việc nào, vị trí tuyển dụng ra sao, yêu cầu và áp lực công việc có gì đáng lưu ý... Theo ông Phương, những thông tin mà các sinh viên tìm hiểu càng thực tế càng tốt. Các bạn nên chủ động tìm gặp những người đi trước, những anh chị thành công trong lĩnh vực của mình để học hỏi hoặc tính trước những hành trang mà mình cần chuẩn bị.

"Hiện nay có nhiều hoạt động do những người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau chia sẻ với các bạn trẻ. Đây thường là những cơ hội rất tốt để các bạn tận dụng để gặp gỡ những người trong ngành trực tiếp. Sinh viên cũng được đặt những câu hỏi về sự nghiệp, được giải đáp những băn khoăn của mình từ sớm" - ông Phương nói.

Ông Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết hiện có những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp lại sợ... đi làm. Với những sinh viên này, một thách thức đến từ việc các bạn thiếu một số kỹ năng cần thiết.

Một số bạn quá chú trọng vào các kiến thức trên lớp học mà bỏ qua việc tự rèn luyện các kỹ năng mềm. Thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tìm việc... sẽ làm các bạn mất đi sự tự tin khi thay đổi môi trường từ học tập sang làm việc.

Phải biết mình đang thiếu kỹ năng gì

Theo ThS Nguyễn Thái Châu, nếu nhận thấy mình có những nỗi sợ "đi làm", các bạn cần tự vấn để biết xem cốt lõi nỗi sợ đó là do bạn đang thiếu kỹ năng gì. Trên cơ sở này, sinh viên có thể tìm các nguồn để bổ sung. "Các khóa học kỹ năng cũng là một lựa chọn cho các bạn rèn luyện những gì mình còn thiếu và gia tăng sự tự tin", ông Châu nói.

Tận dụng các hoạt động trong trường đại học

Ông Huỳnh Phú Vinh, bí thư Đoàn trường Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết hiện nay trong các trường đại học có rất nhiều chương trình được tổ chức quanh năm để sinh viên có thể hình dung trước về môi trường làm việc sau này để có những sự chuẩn bị tốt nhất.

Chẳng hạn tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, các chương trình giao lưu với chuyên gia, người có kinh nghiệm hoặc những hoạt động đi thực tế đến doanh nghiệp thường xuyên được các khoa, bộ môn tổ chức. Đoàn trường cũng tổ chức các buổi tập huấn các kỹ năng thiết yếu cho sinh viên khi làm việc. "Dành thời gian tham gia những hoạt động này sẽ giúp các bạn có thể chuẩn bị tốt hơn cho hành trình sau đại học", ông Vinh nói.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Dự kiến có 5 bài thiThi tốt nghiệp THPT năm 2024: Dự kiến có 5 bài thi

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thi tốt nghiệp THPT năm 2024 quy định có 5 bài thi, về cơ bản giữ ổn định như năm 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp