20/02/2016 08:34 GMT+7

Bỗng dưng con “nổi loạn”...

ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

TT - Không ít cha mẹ giật mình khi phát hiện con mình “nổi loạn” dù trước đó ngoan ngoãn.

Minh họa Lap

Sau những giây phút rối bời vì lo lắng, các bậc phụ huynh rơi vào hoàn cảnh này cần bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc con mình hành động như thế để đưa ra cách giáo dục phù hợp.

Tiến Nam đang học lớp 6, con chị Đoan (ngụ ở Q.3, TP.HCM). Trước đây em vốn rất ngoan, học cấp I rất giỏi, đều các môn.

Vậy mà từ khi vào lớp 6 đến nay, Tiến Nam đã có những biểu hiện thay đổi. Từ việc đến lớp muộn, không nắm bài cũ, quên sách vở và đồ dùng học tập... đến việc tụ tập với nhóm học sinh cá biệt trong lớp trèo cây, vẽ bậy lên tường...

Nghe cô giáo chủ nhiệm phê bình con mà chị Đoan hết sức băn khoăn.

Cùng cảnh ngộ, chị Thảo Vy (ngụ ở Q.2, TP.HCM) phàn nàn: “Bé Hương Thảo nhà tôi mới vào lớp 1 hơn một học kỳ đã nổi tiếng là siêu quậy và “đầu gấu”. Biết lợi thế trường học gần nhà, bé hay bắt nạt các bạn cùng lớp, bắt các bạn nộp phạt đồ dùng học tập. Bé còn lấy trộm tiền lẻ của mẹ mua quà vặt và biết nói dối để đổ lỗi cho người khác. Đáng ngạc nhiên là trước đây khi học mầm non, Hương Thảo chỉ hơi tinh nghịch nhưng rất hồn nhiên và đáng yêu”.

Trong thực tế, trẻ thường thay đổi do những nguyên nhân sau:

Do sức ỳ của thói quen cũ chưa thay đổi được

Do thay đổi môi trường đột ngột (từ bậc mầm non sang tiểu học, từ cấp I sang cấp II...) làm các bé chưa thích ứng kịp, thậm chí bị ngợp, khiến các bé có những phản ứng mạnh mẽ bên ngoài để che giấu tâm lý mềm yếu bên trong.

Đối với những trẻ mới vào cấp II như Tiến Nam, em có thể gặp phải những khó khăn khi bắt đầu vào học lớp 6. Đó là học nhiều môn hơn, tiếp xúc với nhiều giáo viên và nhiều phương pháp học phức tạp hơn.

Vì vẫn giữ thói quen học tập, sinh hoạt cũ như thời tiểu học nên Tiến Nam luôn thấy ngại trước kiến thức mới. Từ đó nảy sinh tâm lý lo lắng, chán nản và lười biếng trong học tập.

Do bị cấm đoán

Trẻ thường phạm lỗi còn do cha mẹ, thầy cô cấm đoán, không cho phép làm điều gì đó mà không được giải thích cụ thể. Trẻ đang độ tuổi mới lớn thích tò mò, khám phá, hoặc vì bị cấm đoán mà nảy sinh tâm lý phản ứng điều bị cấm, làm ngược lại để chống đối, dẫn đến vi phạm các quy định của gia đình hay những nội quy của nhà trường...

Do trẻ suy nghĩ đơn giản, từ vi phạm nhỏ dẫn đến sai phạm lớn

Thoạt đầu trẻ phạm lỗi do tâm lý coi thường cái nhỏ: đi đứng, chào hỏi, chấp hành giờ giấc, lấy tiền của cha mẹ... Trẻ cho rằng quy định đó không quan trọng hoặc không cần thiết, dần dần dẫn đến thói quen xem thường cả những vấn đề quan trọng.

Nếu cha mẹ và giáo viên không kịp thời phối hợp phát hiện và giáo dục nghiêm khắc thì trẻ có xu hướng vi phạm các lỗi nặng hơn.

Vì thế, phụ huynh phải nghiêm khắc, duy trì chặt chẽ các chế độ trong ngày. Gia đình phải chủ động kết hợp chặt chẽ với nhà trường và xã hội để quản lý, giáo dục trẻ, không bỏ qua sai phạm nào dù là nhỏ nhặt nhất.

Do người lớn có lúc không nghiêm

Do người lớn có lúc nêu gương xấu cho trẻ bắt chước, làm theo. Vì thế, người lớn phải thật sự gương mẫu trong lối sống, chấp hành các chế độ, quy định trong gia đình, nhà trường. Nguyên nhân này còn lý giải cho việc vì sao cha mẹ trong gia đình hay bài bạc, rượu chè, đề đóm... thì con trẻ cũng bị ảnh hưởng xấu từ phạm lỗi nhỏ như chơi đỏ đen với bạn cùng trang lứa cho đến việc trộm cắp.

Do gia đình thiếu không khí vui tươi

Do gia đình thiếu bầu không khí vui tươi, lành mạnh, ấm cúng, cha mẹ, con cái thiếu sự đòi hỏi lẫn nhau. Vì bận bịu với công việc, không ít bậc cha mẹ cho rằng “con trẻ học hành cơ bản là do tự giác, trẻ vốn ngoan và học khá nên không cần phải nhắc nhở, đòi hỏi nhiều”.

Trong khi đó, vì nghĩ cha mẹ không quan tâm, chăm lo đến việc học hành của mình nên trẻ buồn chán mà không quyết tâm, nảy sinh tâm lý buông thả, tự do, tùy tiện, dẫn đến phạm lỗi ở nhà cũng như ở trường.

Vì vậy, cha mẹ cần chăm lo việc xây dựng bầu không khí gia đình đầm ấm. Trong đó, mọi thành viên phải biết đòi hỏi cao lẫn nhau. Nếu trẻ có điều gì cần uốn nắn phải được xử lý kịp thời, chặt chẽ và công tâm. Cha mẹ nên giúp các con biết tự giáo dục lẫn nhau.

Do người lớn hạ thấp yêu cầu gây ra tâm lý tùy tiện ở trẻ

Do người lớn duy trì kỷ luật không nhất quán, thiếu triệt để, hoặc hạ thấp yêu cầu dẫn đến tâm lý tự do, tùy tiện. Hiện tượng này thường diễn ra ở những bậc phụ huynh hay giáo viên yêu thương trẻ không đúng cách. Như thế, trẻ vừa mất ý chí tiến thủ vừa làm nảy sinh ở trẻ tâm lý tự do, cẩu thả, làm được đến đâu hay đến đó. Lớn lên trẻ sẽ dễ sống hời hợt, không có chí tiến thủ.

Do tâm lý “xả hơi”

Sau mỗi nhiệm vụ căng thẳng, vất vả như sau những kỳ thi, nghỉ hè, lễ tết, cha mẹ và trẻ thường cho phép chúng nghỉ “xả hơi” thư giãn. Một số trẻ muốn “làm người lớn” đã chơi quá đà, vượt qua giới hạn cho phép, dẫn đến “nổi loạn” do không làm chủ bản thân mình.

Cha mẹ phải lường trước được sự việc, nắm chắc tâm lý lứa tuổi, tăng cường giáo dục, quản lý trẻ chặt chẽ trong những ngày nghỉ, những dịp trẻ vừa hoàn thành nhiệm vụ của mình, vừa giúp trẻ tiến bộ hơn.

Những biểu hiện “nổi loạn” của trẻ diễn ra dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, do các nguyên nhân cụ thể khác nhau. Cha mẹ cần quan tâm để khắc phục việc chưa ngoan của con trẻ. Không ai muốn phạm lỗi, kể cả con trẻ.

Vì thế, các bậc cha mẹ phải thật sự công tâm khi làm rõ những nguyên nhân khiến trẻ phạm lỗi để giúp con trẻ vượt qua.

ThS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp