Người bị xúc phạm, bị vu khống hoang mang tinh thần, công việc làm ăn, cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Nhưng thực tế hiện nay khi xảy ra sự việc, họ lúng túng không biết xử lý thế nào.
Cuộc sống đảo lộn
Cả tuần nay, H.Q.T., sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, hết sức lo lắng, ăn ngủ không yên khi bị một tài khoản Facebook tên S.N. (ở TP.HCM) đăng tải nói rằng T. có hành vi trộm cắp tài sản.
Gia đình T. có cho thuê một biệt thự nghỉ dưỡng trong một khu du lịch ven biển ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). T. được gia đình giao quản lý dịch vụ này.
Sau đó, có một nhóm du khách tại TP.HCM đến thuê ở trọn gói. Trong quá trình ở, nhóm du khách bị mất một số tài sản. Cả hai bên đã cùng báo công an.
"Khi công an đang điều tra sự việc thì tài khoản Facebook S.N. (du khách thuê biệt thự) đã đăng bài viết kèm theo hình ảnh con trai tôi vu khống cháu cấu kết để trộm cắp tài sản.
Thông tin ngay sau đó lan truyền với tốc độ chóng mặt, bôi nhọ, làm tổn hại đến danh dự, đặc biệt là sức khỏe của cháu và vợ chồng tôi. Con trai tôi do đó bị khủng hoảng nặng nề về tinh thần" - bà mẹ của T. bức xúc.
Còn chị H., hiện là giám đốc điều hành một doanh nghiệp về lĩnh vực khách sạn ở Q.Sơn Trà (Đà Nẵng), rơi vào tình cảnh trớ trêu hơn.
Trong thời gian chị đang được cấp trên làm quy trình bổ nhiệm từ phó giám đốc lên giám đốc công ty thì bất ngờ có một trang Facebook viết bài vu khống chị, rằng: "Tôi có hành vi cặp kè với cấp trên, tố cáo tôi điều hành không tốt công việc kinh doanh".
"Trong thời gian đó tôi bị sốc nặng, cuộc sống gia đình và công việc bị đảo lộn. Lúc xảy ra sự việc, đồng nghiệp, bạn bè, người thân của tôi đọc được thông tin trên Facebook liên tục gọi điện nhưng tôi không biết giải thích như thế nào.
Tìm hiểu thì tôi biết rằng đó là một Facebook ảo do một cá nhân giấu mặt lập ra để bôi nhọ tôi. Sự việc đã gây thiệt hại rất lớn về mặt thương hiệu chung của tập đoàn cũng như việc kinh doanh riêng của doanh nghiệp chúng tôi" - chị H. kể.
Các hành vi như bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể cấu thành tội làm nhục người khác và tội vu khống, là hai tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự 2015.
Luật sư Nguyễn Thị Hường
Cần báo cho công an
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Nguyễn Hưng Lợi, phó trưởng phòng an ninh chính trị nội bộ Công an Đà Nẵng, cho biết khi cá nhân, tổ chức bị vu khống, xúc phạm trên mạng xã hội thì trước tiên cần phải trình báo với cơ quan có thẩm quyền là Sở Thông tin và truyền thông.
Đồng thời nên có đơn trình báo sự việc với cơ quan công an để yêu cầu xử lý vụ việc đối với hành vi vu khống, xúc phạm mà đối tượng đó gây ra.
"Để có được bằng chứng thì người bị vu khống nên sao chụp các hình ảnh, dữ liệu trên Facebook mà đối tượng có hành vi vu khống đăng tải.
Ngoài ra, có thể đến văn phòng thừa phát lại lập vi bằng nhằm đảm bảo tính pháp lý về chứng cứ.
Đối với hành vi vu khống, xúc phạm, làm nhục người khác trên mạng xã hội mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo Luật hình sự" - trung tá Lợi nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Hường (Đoàn luật sư Đà Nẵng) nói hiện nay đang diễn ra nhiều biểu hiện của hành vi vi phạm cả đạo đức và pháp luật như: nói xấu, vu khống, bịa đặt người khác trên Facebook.
Theo luật sư Hường, các hành vi như bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật trên Facebook nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể cấu thành tội làm nhục người khác và tội vu khống, là hai tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự 2015.
Vì vậy, khi công dân, tổ chức bị vu khống, xúc phạm bằng các bài viết, hình ảnh trên mạng nên làm đơn báo cho cơ quan công an để yêu cầu xử lý.
Xử lý được
Ông Nguyễn Chương Đức, chánh thanh tra Sở Thông tin - truyền thông Đà Nẵng, cho biết thời gian qua sở đã tiếp nhận xử lý vụ việc một chủ trang Facebook có hành vi đăng tải thông tin vu khống, xúc phạm đến tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, theo ông Đức, việc xử lý đối với các trang Facebook có hành vi đăng tải thông tin, hành ảnh sai sự thật, vu khống, xúc phạm người khác không đơn giản.
Trường hợp người dân trình báo biết được hoặc bằng biện pháp nghiệp vụ mà cơ quan nghiệp vụ của sở xác định được tên tuổi, địa chỉ của chủ trang Facebook đó thì việc xử lý sẽ rất nhanh chóng.
Còn với các tài khoản ảo, không xác định được địa chỉ thì sở hướng dẫn người dân, tổ chức nên có văn bản gửi văn phòng đại diện Facebook Việt Nam để yêu cầu can thiệp, xử lý.
Mỹ: bảo vệ việc chống vu khống
Luật phỉ báng và vu khống hiện đại được thực thi tại nhiều quốc gia trên thế giới có nguồn gốc từ luật vu khống ở Anh.
Theo đó, luật cho phép đệ đơn kiện lên cấp tòa án tối cao đối với các nguyên đơn vì bị vu khống mà tổn thất trong kinh doanh hoặc ảnh hưởng đến nghề nghiệp hay bị nghĩ xấu sau khi bị vu khống.
Các biện pháp bảo vệ mà người bị hại được phép làm là biện minh, bình luận công bằng...
Mỹ cũng ban hành luật vu khống để bảo vệ cá nhân và doanh nghiệp cùng với quy định "sự thật" là sự bảo vệ tuyệt đối chống lại các cáo buộc vu khống, bao gồm cả trường hợp bị vu khống trên mạng.
Ngoài ra, mục 230 trong đạo luật về khuôn phép trong thông tin cũng quy định về việc miễn trách nhiệm cho những nhà cung cấp dịch vụ Internet liên quan đến sự vu khống của cá nhân người dùng.
Philippines cũng có luật phỉ báng và vu khống trực tuyến. Theo đó, tội vu khống sẽ hình thành khi một lời nói ở nơi công cộng hay trên Internet gây mất uy tín hoặc tạo ra sự khinh miệt cho cá nhân một người hoặc làm xấu đi hình ảnh của một người đã chết.
Trong khi đó chính quyền Singapore quy định về các trường hợp vu khống trong cả luật hình sự và luật vu khống và xin lỗi được xem là một tình tiết giảm nhẹ cho tội vu khống.
Nhìn chung luật của các nước cũng phân định rõ vu khống bằng lời nói và vu khống bằng câu chữ (bao gồm cả các bài báo, bài phát biểu trên các phương tiện truyền thông).
ANH THƯ tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận