Đỏ chụp ảnh cho vàng, có sao đâu, bóng đá mà! - Ảnh: H.Đ. |
Ô hay, chẳng như hình dung. Cảnh sát chẳng thấy đầy đường như hình dung. Sân bay của TP Nice ở miền Nam nước Pháp vẫn bình lặng. Các nhân viên xuất nhập cảnh chỉ hỏi đúng hai câu là có vé khứ hồi không và có mang theo đủ tiền để xài không?!
Hóa ra người ta chống khủng bố bằng những biện pháp từ xa chứ không phải rải đầy lính tráng, cảnh sát ra đường. Ví dụ, mấy anh bạn hay đi Pháp bảo rằng qua bên này cứ mua cái sim 5 euro, nạp thêm chục euro là xài cả tháng, dễ và rẻ vô cùng. Vâng, mua thì dễ thiệt, rẻ thiệt. Nhưng đăng ký mới là chuyện trần ai.
Một anh bạn chung đoàn làm ở HTV nói tiếng Pháp trôi chảy nhưng đành chào thua. Dân bán sim thì cười cười, từ chối khéo với lý do không có thời gian. Cuối cùng, đành nhờ anh tài xế Richard Dewis vậy. Trời ạ, Richard phải gọi lên tổng đài, nói lòng vòng mất cả nửa tiếng đồng hồ, khai chi tiết ngày sinh, số hộ chiếu, khách sạn trú ngụ... mới xong chuyện. Anh cười như hối lỗi và thuật lại lời của nhân viên Hãng Lycamobile: mong mọi người thông cảm. Bình thường chẳng phức tạp thế đâu. Nhưng mùa euro này phải làm kỹ theo yêu cầu của cảnh sát vì điện thoại là thứ mà bọn khủng bố không thể không xài!
Ừm, thông cảm thôi mà! Có thế mới bảo đảm cho Euro 2016 diễn ra đúng là những ngày hội thực thụ chứ.
Và cái không khí ngày hội ấy chúng tôi đã được đắm mình trong nó bởi người dân chủ nhà và đặc biệt từ CĐV đến từ Thụy Điển và Bỉ. Thoạt tiên, ai cũng nghĩ hai đội này phải chiến với nhau một trận ra trò trên sân cỏ để tranh vé vào vòng 1/16 thì đương nhiên “trận đấu” ngoài lề của CĐV ắt cũng căng không kém. Nào ngờ nó “hòa bình” vượt ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi.
Vâng, đá bóng trong nhà mình thôi, vậy mà cứ mỗi lần Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An... đụng nhau là tóe lửa ngoài sân cỏ cho đến “sân mạng”, huống hồ Thụy Điển và Bỉ khác ngôn ngữ, khác quốc ca, khác quốc kỳ!
Ấy vậy mà người ta vui với nhau cứ như anh em một nhà. Trên những con phố ăn nhậu của TP Nice tràn ngập hai sắc áo đỏ truyền thống của Bỉ và vàng của Thụy Điển. Bia chảy như suối. Ai nấy mặt mày đỏ gay. Khá giả một chút thì chọn ở khách sạn 300 - 400 euro/ngày; nghèo thì thuê phòng trọ, ngủ lều vài chục euro. Dân có công ăn việc làm thì vào quán uống tràn cung mây, sinh viên nghèo thì vào siêu thị vác mấy thùng “ken” Pháp giá chỉ hơn chục euro (khoảng 260.000 đồng VN)/thùng 20 chai, thậm chí mùa này còn được khuyến mãi mua hai tặng một và thế là cứ kéo nhau ra vỉa hè say sưa dzô dzô, ca hát.
Tứ hải giai huynh đệ, chưa bao giờ tôi cảm nhận câu ấy một cách đầy đủ như ở Nice tối 22-6. Ben, sinh viên người Bỉ mình trần trùng trục, cứ túm lấy tôi và đề nghị vẽ lá cờ Bỉ lên mặt khi nghe tôi bảo Bỉ sẽ thắng trận này. Mấy tay mặc áo vàng đứng gần khi nghe có người ở tít bên Việt Nam xa xôi sang xem bóng đá cũng tụ lại trò chuyện và cười vui vẻ bảo: “Euro này Thụy Điển chẳng hi vọng nhưng sẽ vô địch World Cup”!
Đừng tưởng cảnh tượng ấy chỉ có trước trận đấu. Ngay cả sau trận, khi các fan của Ibrahimovic buồn bã ra về, tôi thật sự ấn tượng với dòng sông người trộn lẫn màu vàng - đỏ. Thậm chí trên các phố ăn nhậu kéo dài sự ồn ào đến gần sáng, tôi còn thấy một anh chàng “quỷ đỏ” tán tỉnh một cô nhuộm vàng!
“Bóng đá mà, thắng thì đương nhiên là vui, còn thua thì cũng chẳng chết ai, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, hãy tận hưởng nó” theo như lời một ông cụ.
Nói thế thôi, chứ chẳng phải người ta đã chứng kiến fan cuồng Nga, Anh choảng nhau chí tử đó sao.
Nghĩ thế, tôi lại càng thêm yêu dân Thụy Điển và Bỉ. Ai chẳng nói được câu “chỉ là bóng đá thôi mà”, nhưng cũng không có mấy ai làm được đâu. Thế nên đời mới có câu “nói thì hay lắm...” và ai làm được như nói, giống fan của Thụy Điển với Bỉ thì mới đúng là văn minh vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận