Một thời, bóng đá nữ Việt Nam thường là câu chuyện về những người phụ nữ nghèo khổ, lặng lẽ ra sân rồi trở về bươn chải cùng cuộc sống nặng gánh lo toan bên xe bánh mì, chiếc máy may gia công…

Nhưng giờ đây, người hâm mộ có thể bắt gặp hình ảnh các cô gái của bóng đá nữ Việt Nam trên những poster quảng cáo lộng lẫy của những nhãn hàng toàn cầu, hay trên ghế giảng đường đại học, và cả những câu chuyện kinh doanh nổi bật.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 1.

Vài tháng qua, ai dạo ngang quận 1 (TP.HCM) có lẽ cũng sẽ nhận ra hình ảnh quen thuộc của Huỳnh Như - cầu thủ mang băng đội trưởng tuyển bóng đá nữ Việt Nam - trên áp phích quảng cáo cho một hãng dịch vụ tài chính trên một số tuyến xe buýt.

Đóng quảng cáo, điều mà các thế hệ cầu thủ nữ trước đây chưa bao giờ có trải nghiệm, đã trở nên quen thuộc với thế hệ đàn em giành vé đi World Cup.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 2.

Chiến tích tham dự World Cup 2023 thực sự đã thổi một luồng gió mới vào làng bóng đá nữ Việt Nam. Suốt hơn một năm qua, các cô gái quần đùi áo số nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người hâm mộ.

Ngày ngày trên mạng xã hội, hình ảnh của Huỳnh Như, Thanh Nhã… xuất hiện với tần suất chẳng kém cạnh các đồng nghiệp nam.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 3.

Cô gái quê Trà Vinh có câu chuyện mở đầu không khác là bao so với những thần tượng khác của làng bóng đá nữ Việt Nam. Cũng con nhà thôn quê, gia cảnh không mấy khấm khá và thuở nhỏ từng chân đất chơi bóng với những cậu con trai.

Cha của Như là ông Huỳnh Thanh Liêm, có một tiệm hàn nhỏ ở xã Đa Lộc (huyện Châu Thành, Trà Vinh), còn mẹ là bà Lê Thị Lài buôn bán ở chợ, cả hai toàn tâm toàn ý cho Như chơi bóng như đúng với đam mê mà cô thể hiện từ nhỏ.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 4.

Điểm khác biệt giữa Như so với những đồng đội khác có lẽ là sự nghiệp khá muộn màng của cô. Trong khi các cô gái miền Tây khác được đưa đến Tao Đàn thử sức từ giai đoạn 10-15 tuổi, phải đến tận năm 17 tuổi, Huỳnh Như mới được các HLV ở tỉnh giới thiệu lên TP.HCM tập luyện. Và ấn tượng ban đầu của đội ngũ tuyển trạch ở Tao Đàn với cô lại không quá tốt.

Lưu Ngọc Mai, cựu tuyển thủ bóng đá lừng lẫy chuyển sang phụ trách đội trẻ sau khi giải nghệ cho biết: "Tố chất của Như không quá tốt, kỹ thuật không quá xuất sắc.

Nếu so với các cầu thủ cùng lứa khi đó thì Như không có gì nổi bật". Còn ông Trịnh Công Phương, từng giữ vị trí HLV thể lực khi đó của đội bóng đá nữ TP.HCM, thậm chí chia sẻ rằng "đã muốn trả Như lại, vì cô ốm yếu, gầy gò quá".

Nhưng rồi đam mê và tinh thần chuyên nghiệp của Huỳnh Như đã từng bước chinh phục mọi người. "Nếu nói về sự cố gắng, nỗ lực, Như hoàn toàn xứng đáng làm đàn chị của cả đội.

Như tập rất chăm, sinh hoạt nề nếp, lại biết quan tâm đến mọi người. Cứ dần dà như vậy, Như tiến bộ chậm nhưng chắc, đến HLV chúng tôi cũng phải bất ngờ khi nhìn lại Huỳnh Như ngày đó và Huỳnh Như bây giờ", HLV Lưu Ngọc Mai nói.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 5.
Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 6.

Vài tháng trước, các tài khoản mạng xã hội của Huỳnh Như một phen gây sốt cộng đồng khi đăng tải hình ảnh cô cùng vài cầu thủ nữ khác của CLB Lank (Bồ Đào Nha) khoe sắc trong tà áo dài truyền thống của Việt Nam.

Đó không phải là lần đầu tiên Huỳnh Như thể hiện sự hòa nhập với các đồng đội ở trời Tây. Trước đó, cô từng mang theo cả nón lá, dừa sáp - đặc sản của Trà Vinh - để tặng các đồng đội nước ngoài.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 7.

Quả như lời ông Thanh Liêm nói, Huỳnh Như hòa nhập nhanh với đội đến không ngờ. Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều cầu thủ đi sang châu Âu chơi bóng, nhưng rốt cuộc người thành công nhất cho đến lúc này lại là một nữ cầu thủ. Sau 14 lần ra sân, Huỳnh Như ghi được đến 7 bàn cho Lank.

Thành công đó không chỉ nhờ sự khổ luyện về chuyên môn, hay quyết định lựa chọn đội bóng hợp lý, mà còn xuất phát từ tính cách "hiện đại" của cô gái quê Trà Vinh.

Như nói tiếng Anh lưu loát, và đặc biệt cởi mở trong mối quan hệ với đồng nghiệp nước ngoài. Có lần, cô cùng hai đồng đội người Mỹ tham quan một địa danh ở Bồ Đào Nha. Thấy hai cô gái Mỹ không mấy hứng thú, chỉ muốn đứng ngoài, Như nằng nặc đòi bao.

Hay một lần khác, cô tặng bạn bè món dừa sáp nổi tiếng đặc sản của quê hương, rồi cùng nhau quay clip "làm thế nào để đập dừa" đăng mạng xã hội, đoạn clip thu hút được sự quan tâm rất lớn.

"Huỳnh Như được một hãng máy bay tài trợ vé du lịch. Hồi sau SEA Games rồi, Như dắt cả nhà đi Singapore chơi. Qua đó Như được một trọng tài ở bển đón tiếp, rồi dắt đi chơi suốt. Lúc này tôi mới biết con gái mình quan hệ rộng rãi, lại giao tiếp tiếng Anh lưu loát", ông Liêm kể.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 8.

Sau Huỳnh Như, đang có tin đồn Thanh Nhã sẽ là cái tên tiếp theo sang châu Âu thi đấu. Và có thể sẽ còn thêm nhiều cầu thủ bóng đá nữ trẻ tuổi nữa theo chân đàn chị của mình.

Người hâm mộ hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng tỏa sáng của họ, vì không chỉ đáp ứng được chuyên môn, những cô gái chơi bóng thế hệ Huỳnh Như trở đi đã vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, kiến thức, hay tâm lý tự ti mặc cảm…

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 9.
Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 10.

Bóng đá là môn thể thao luôn bị xem là môi trường khó khăn dành cho việc học, bởi cầu thủ tốn rất nhiều thời gian để tập luyện. Với cầu thủ nam, họ thường vẫn còn được đi học văn hóa ở các học viện bài bản, thì các cô gái lại không có được điều kiện này.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 11.

Dù có tốt nghiệp trung học phổ thông, cuộc sống nặng gánh lo toan khiến nhiều nữ cầu thủ không thể sắp xếp thời gian cho việc học cao hơn nữa sau này.

Nhưng tình hình đang thay đổi. Bắt đầu từ những năm 2000, đội ngũ ban huấn luyện của Tao Đàn đã xác định cần phải cho cầu thủ học hết tối thiểu là trung học phổ thông.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 12.

Hai thập niên qua, việc học của các cầu thủ nữ ngày càng được nâng cấp. Thành công của thế hệ cựu danh thủ như Kim Chi, Ngọc Châm, Thanh Khiết - những người theo đuổi nghiệp huấn luyện sau khi giải nghê - đã truyền động lực cho thế hệ đàn em.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 13.

Trong số đó, tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thùy của CLB TP.HCM là một cái tên đặc biệt, khi cô quyết định chọn học ngành quản trị kinh doanh của ĐH Hoa Sen.

Sau khi tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup, ĐH Hoa Sen tặng học bổng cho các tuyển thủ của TP.HCM. Trường này cũng mở ra ngành kinh tế thể thao, với ba chuyên ngành quản lý các loại hình kinh doanh thể thao, quản lý chăm sóc sức khỏe, quản trị truyền thông và marketing thể thao. Bích Thùy trở thành người hiếm hoi mạnh dạn vượt qua ranh giới thông thường với các nữ cầu thủ.

Cô chia sẻ ban đầu muốn học thú y, nhưng để tận dụng cơ hội từ suất học bổng của ĐH Hoa Sen, cô đã chọn ngành quản trị kinh doanh - lĩnh vực mà tiền vệ 29 tuổi này thấy hào hứng.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 14.
Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 15.

Bận tập luyện rồi thi đấu liên tục cho CLB nữ TP.HCM và đội tuyển nữ Việt Nam, nên Bích Thùy không thể đến trường học bình thường như các sinh viên khác. ĐH Hoa Sen cũng khuyên cô tân sinh viên chọn học trực tuyến.

Bích Thùy bắt đầu học từ tháng 5-2022. Sau một năm học, cô mới đến trường được 6 lần, 2 lần trong đó là để giao lưu, 4 lần còn lại là đến thăm thầy cô và chuẩn bị cho việc học.

Dân thể thao mà học kinh doanh, nên khó khăn là điều khó tránh khỏi. Bích Thùy cũng thừa nhận theo học kinh doanh rất khó khăn, vì như một người tay ngang. May mà các thầy cô ở ĐH Hoa Sen giúp đỡ Bích Thùy rất nhiều.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 16.

Bích Thùy đã hoàn thành năm học đầu tiên và không nợ môn nào. Nhưng bước vào năm thứ hai với nhiều môn chuyên ngành như kế toán, quản trị và thống kê, cô lo ngại sẽ không theo kịp chương trình học vì tính toán nhiều quá. Tuy nhiên cô cho biết sẽ cố gắng hết sức.

Tiến sĩ Phan Võ Minh Thắng, trưởng khoa kinh tế - quản trị, khen cô sinh viên đặc biệt của mình: "Thành tích học tập của Bích Thùy khá tốt. Nhà trường tất nhiên có tạo điều kiện cho Thùy, nhưng hoàn toàn không ưu ái về kết quả học tập, bản thân Thùy cũng luôn sắp xếp để ưu tiên việc học.

Tôi nghĩ chúng ta không nên có định kiến rằng VĐV thì sẽ học không tốt. Trên thực tế, các bạn nữ tuyển thủ quốc gia là những người có nghị lực phi thường. Nếu các bạn tập trung vào chuyện học, tôi tin họ đều có thể học tốt".

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 17.

Bích Thùy cho biết cô cũng đang tích cực học tiếng Anh (Anh văn giao tiếp 2) và cảm thấy "khó ơi là khó".

Cô chia sẻ: "Học ở ĐH Hoa Sen, tiếng Anh là trên hết, đạt được điểm chỉ tiêu đưa ra thì mới được ra trường. Nói thật là tôi rất thích học Anh văn, tôi có voucher miễn phí 100% học phí, nhưng chưa thu xếp được thời gian để theo học.

Trước đây, tôi có thuê giáo viên dạy kèm riêng một lần rồi, nhưng bận đi thi đấu nên tôi lại bỏ. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để học tiếng Anh. Nó không chỉ giúp tôi đủ điểm ra trường mà còn chuẩn bị tốt cho tương lai".

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 18.
Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 19.

Dù vẫn chưa nhiều, nhưng việc có người đại diện đứng sau giúp các cầu thủ nữ Việt Nam chuyên nghiệp hơn, từ trên sân đến ngoài đời…

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 20.

Không chỉ trở thành cầu thủ nữ Việt Nam đầu tiên sang châu Âu chơi bóng, tiền đạo Huỳnh Như còn ghi dấu ấn trong màu áo CLB Lank FC với nhiều bàn thắng.

Con đường xuất ngoại đầy tự hào ấy của Huỳnh Như khó có thể thành công nếu như không có Roger Linh Mai - một Việt kiều đang sinh sống tại Canada và bắt đầu làm nghề đại diện cầu thủ vào năm 2020.

Với giấc mơ rút ngắn khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam với châu Âu, Roger liên lạc với bạn bè ở Việt Nam để tìm kiếm nguồn cầu thủ đưa sang Lank FC thi đấu.

Ban đầu, 3 ngôi sao của bóng đá nữ Việt Nam được nhắm đến là Huỳnh Như, Tuyết Dung và Hải Yến. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát khiến mọi thứ bị ngưng trệ.

Trong khoảng thời gian 2020 đến 2022, Roger chính là người cập nhật tình hình thi đấu của Huỳnh Như để CLB nữ Bồ Đào Nha duy trì mối quan tâm tới đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam và rồi tiến đến ký hợp đồng vào hè năm 2022.

Huỳnh Như chính là bản hợp đồng đầu tiên từ Việt Nam của Roger. Quan trọng hơn, sau khi ký hợp đồng với Lank FC, tiền đạo 32 tuổi này cũng tin tưởng chọn Roger làm người đại diện.

Sự hợp tác ấy rốt cuộc đã mở ra nhiều thành công. Với kinh nghiệm sinh sống lâu năm ở châu Âu, Roger đã chỉ bảo và tư vấn cho Huỳnh Như cách hòa nhập với cuộc sống mới nhằm có thể thi đấu tốt.

Hòa nhập là điều tối quan trọng với cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài chơi bóng. Bởi ngoài thời gian thi đấu với tập luyện khoảng 2-3 tiếng/ngày, thời gian ngủ và nghỉ ngơi khoảng 10 tiếng/ngày, các cầu thủ phải giao tiếp và hòa nhập trong khoảng 11 tiếng còn lại.

Bóng đá nữ Việt Nam:  Lịch sử sang trang - Ảnh 21.
HUY ĐĂNG - NGUYÊN KHÔI
VÕ TÂN


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp