VFF và các địa phương cần có chiến lược đầu tư bài bản, kêu gọi sự quan tâm của xã hội và các nguồn lực cho bóng đá nữ phát triển - Ảnh: NAM TRẦN - VFF
Mới đây CLB nữ Sơn La cho biết họ gần như chắc chắn không thể tham dự Giải vô địch quốc gia 2022 vì thiếu tiền, thiếu cầu thủ. Hằng năm, Giải vô địch quốc gia trầy trật mới kiếm được nhà tài trợ nhưng khi tổ chức ra cũng... không ai đến xem.
Nền tảng phong trào quá kém
Nhiều năm nay cả nước chỉ có 6 địa phương đầu tư cho bóng đá nữ là Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Sơn La. Giải vô địch quốc gia, Cúp quốc gia nữ vì thế cũng chỉ có bấy nhiêu đơn vị tham gia thi đấu. Khán giả gần như không xuất hiện trên khán đài của giải bóng đá nữ, dù ban tổ chức mở cửa tự do.
Thành tích của bóng đá nữ Việt Nam nhiều năm qua đều đến từ các địa phương có nguồn lực đầu tư nhất là TP.HCM và Hà Nội.
Ông Mai Bá Hùng, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, chia sẻ: "Cả một khu vực phía Nam chỉ có TP.HCM làm bóng đá nữ. Mỗi năm, ngân sách của ngành thể thao thành phố cấp cho đội bóng đá nữ khoảng 15 tỉ đồng. Số tiền này để nuôi 3 đội, với hơn 100 cầu thủ từ trẻ đến lớn.
Sở cũng kêu gọi thêm tài trợ nhưng rất khó khăn. Những năm qua, anh Trần Anh Tú - chủ tịch Công ty Thái Sơn Nam - tài trợ cho đội mỗi năm 1 tỉ đồng và đây là nhà tài trợ lớn nhất của bóng đá nữ TP.HCM".
Theo ông Hùng, muốn phát triển bóng đá nữ thì phải tổ chức được các giải bóng đá phong trào trong hệ thống trường học phổ thông để các em gái có cơ hội thể hiện tài năng, nhà tuyển dụng có nơi để tuyển quân.
Tiếp đó cần nâng cao chất lượng của Giải vô địch quốc gia nữ, tăng cường chuyên môn, cọ xát và giải thưởng. VFF cần phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý hơn, khuyến khích các địa phương phát triển bóng đá nữ trong đó có TP.HCM.
Kiếm tài trợ cho bóng đá nữ khó như... lên trời
Do các CLB bóng đá nữ phụ thuộc vào nguồn ngân sách nên lương của cầu thủ nữ rất thấp. Đó là lý do khiến nhiều lúc các CLB Thái Nguyên, Sơn La đứng trên bờ vực giải tán.
Năm 2019, với mức lương từ 1 - 2 triệu đồng/tháng, nhiều nữ cầu thủ Thái Nguyên đã bỏ đội đi làm công nhân để có lương 5 - 7 triệu đồng/tháng. Rất may thời điểm đó một doanh nghiệp đã tài trợ và "cứu" đội bóng Thái Nguyên khỏi cơn nguy khốn.
Tương tự, CLB nữ Sơn La cũng đứng trước nguy cơ giải tán do nhiều cầu thủ nữ bỏ đội đi... lấy chồng. Tại Giải vô địch quốc gia 2021, đội nữ Sơn La bỏ giải vì chỉ có 4 cầu thủ nên không thể thi đấu. Năm 2022 này, Sơn La cũng dự kiến lần thứ hai không dự giải vì thiếu cầu thủ, thiếu kinh phí.
Ngay Giải vô địch quốc gia hằng năm cũng không dễ để VFF có thể kiếm được nhà tài trợ. Rất may, hơn 10 năm qua, ông Trần Anh Tú - ủy viên thường trực VFF và là ông chủ của Công ty Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc - đã đứng ra giúp bóng đá nữ Việt Nam.
Số tiền ông Trần Anh Tú tài trợ cho Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia, CLB nữ Hà Nội, TP.HCM, Sơn La trong 10 năm qua lên tới cả trăm tỉ đồng.
Ông Trần Anh Tú chia sẻ: "Tôi đến với bóng đá nữ vì thấy bóng đá nữ khó khăn quá. Rất may sau nhiều năm đồng hành, bóng đá nữ Việt Nam được thành quả có vé đến World Cup khiến tôi rất tự hào. Thực sự bóng đá nữ chưa được quan tâm.
Ngay cả khi đội tuyển Việt Nam giành vé đến World Cup 2023, 23 tuyển thủ được vinh danh, được thưởng nhưng phần lớn các cầu thủ ở các địa phương còn lại không ai quan tâm, đầu tư... Đó là điều tôi suy nghĩ và việc này chắc chắc cũng khiến các cầu thủ, HLV còn lại chạnh lòng".
Phải có chiến lược phát triển bóng đá nữ
Ông Trần Quốc Tuấn - quyền chủ tịch VFF - cho biết từ năm 2017, khi biết FIFA nâng số đội dự World Cup lên 32, VFF đã có chiến lược đầu tư cho đội tuyển nữ. Đội tuyển thường xuyên được đưa đi tập huấn, thi đấu quốc tế để nâng cao trình độ.
Từ năm 2020 - 2024, Tập đoàn Hưng Thịnh đã ký hợp đồng đầu tư 100 tỉ đồng với VFF để đưa đội nữ Việt Nam thực hiện giấc mơ World Cup. Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam đã đào tạo nhiều cầu thủ cho đội tuyển nữ.
VFF đã rất cố gắng để lo cho đội tuyển nữ quốc gia, thậm chí có những khoản kinh phí nhỏ hỗ trợ các CLB tham dự giải đấu. Dù vậy, đó là chưa đủ để thay đổi bóng đá nữ Việt Nam ngay cả khi đội tuyển nữ quốc gia đã giành vé đến World Cup. Muốn tận dụng cơ hội hiện nay để phát triển bóng đá nữ, VFF và các địa phương cần có chiến lược dài hơi để đầu tư cho bóng đá nữ.
Nhiều cầu thủ nữ TP.HCM được tiếp cận, ra giá"lót tay" lên tớinửa tỉ đồng
Ngày 15-2, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết một CLB bóng đá nữ ở phía Bắc đã trực tiếp đặt vấn đề với cầu thủ, HLV và lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM để mời các tuyển thủ: Mỹ Anh, Hoài Lương, Kim Anh về đầu quân. Trong đó Mỹ Anh vừa cùng đội nữ Việt Nam giành vé đến World Cup 2023.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, nếu TP.HCM đồng ý cho Mỹ Anh ra đi, cô sẽ nhận được tiền "lót tay" lên tới 500 triệu đồng, được ký hợp đồng 2 năm với mức lương 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Thời gian qua nhiều "ngôi sao" khác của CLB nữ TP.HCM đã được CLB này tiếp cận để mời chào về đầu quân. Dù vậy hiện CLB nữ TP.HCM cũng như lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM chưa có ý kiến chính thức.
Việc chuyển nhượng trong giới bóng đá nữ ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ. Thời gian qua các CLB nữ chủ yếu cho nhau mượn cầu thủ với chi phí không đáng kể.
Sau khi đội nữ Việt Nam giành vé đến World Cup, một số cầu thủ nữ TP.HCM được tiếp cận với mục đích chuyển nhượng đến địa phương khác là tín hiệu tích cực. Dù vậy điều đó cũng mang đến rất nhiều lo lắng cho CLB TP.HCM cũng như bóng đá nữ Việt Nam.
Nói vậy bởi hiện nay một số đội bóng nữ có nhà tài trợ, chưa có đầu tư căn bản và không biết sẽ tài trợ đến khi nào nhưng nhà tài trợ lại ngay lập tức muốn đội bóng có thành tích. Vì vậy, họ phải đi mua cầu thủ ở các địa phương khác từng mất cả chục năm đào tạo.
K.X.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận