HLV trưởng là người thầy đức cao vọng trọng Mai Đức Chung, được hỗ trợ bởi đội ngũ trợ lý gồm toàn các cựu nữ danh thủ như Kim Chi, Kim Hồng, Minh Nguyệt và cả một HLV thể lực từ Pháp...
Câu chuyện rèn thể lực
Nhìn vào danh sách ban huấn luyện hiện tại, chúng ta có thể thấy một vị trí quen thuộc không thể không cần đến chuyên gia ngoại quốc, đó là HLV thể lực. Nếu như với vai trò HLV trưởng, nhiều khi còn cần đến sự khéo léo, hiểu biết và quan hệ của người bản địa, công việc của HLV thể lực thuần túy là chuyện khoa học thể thao. Và đó là khái niệm mà người phương Đông từ bao đời vẫn phải cắp sách học theo phương Tây.
Nhưng gần 3 thập niên trước, với một môn thể thao mà đến cầu thủ còn chưa nhận lương đủ sống thì đào đâu ra ngân sách cho một chuyên gia ngoại quốc, đặc biệt là với bóng đá nữ ở TP.HCM.
Ông Mai Bá Hùng, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, cũng là trưởng phòng thể thao quận 1 những năm đầu thập niên 2000, cho biết: "TP.HCM được xem là cái nôi của bóng đá nữ. Nhưng đến cuối những năm thập niên 1990, bóng đá nữ của thành phố lại tụt hậu so với Hà Nội vì không được đầu tư.
Giai đoạn đó, bóng đá nữ TP.HCM vẫn hoàn toàn do quận 1 gánh vác. Vậy nên từng vai trò của đội khi đó chúng tôi đều phải chạy vạy nhờ người này người kia... Như vai trò bác sĩ của đội phải nhờ đến anh Võ Khai Nghiệp, là một lương y có tập luyện judo.
Rồi HLV thể lực là anh Trịnh Công Phương, khi đó đang đảm nhiệm chức trưởng bộ môn điền kinh của quận 1". Riêng ông Trịnh Công Phương - người ngày nay đã là phó giám đốc Trung tâm thể thao Hoa Lư - là một ví dụ cho thấy tài xoay xở của người Việt.
"Năm 2001, khi đó tôi đang phụ trách bộ môn điền kinh của quận 1, anh Mai Bá Hùng nhờ tôi sang hỗ trợ cho khâu thể lực. Thấy cũng thú vị nên tôi nhận lời, và bản thân tôi từng chơi bóng hồi trẻ nên có ít nhiều hiểu biết với bóng đá.
Giai đoạn đó, các cầu thủ nữ TP.HCM hầu như không có khái niệm tập thể lực. Vì vậy, họ hầu như chỉ đủ sức chơi bóng một hiệp khi gặp đội Hà Nội", ông Phương kể. Giai đoạn đó, CLB nữ Hà Nội đã mời chuyên gia Trung Quốc là ông Giả Quản Thác sang làm HLV trưởng và họ dễ dàng vô địch 4 năm liên tiếp từ khi Giải vô địch bóng đá nữ Việt Nam ra đời.
"Khi chế độ còn eo hẹp, đến chuyện ăn uống còn chưa đầy đủ, mình không thể đem hoàn toàn công thức khoa học của phương Tây vào được. Thêm vào đó, tập thể lực cho điền kinh và cho bóng đá cũng không giống nhau. Điều đầu tiên tôi làm chủ yếu là siết lại kỷ luật tập luyện, tăng cường thêm các bài tập sức bền và tập phản xạ với bóng.
Tôi còn nhớ ở giai đoạn đó, chiến thuật chủ yếu của đội là 5-4-1, với Lưu Ngọc Mai là người đá cao nhất. Mai khéo nhất đội, chỉ cần quăng trái bóng lên tuyến trên là Mai có thể tự mình rê dắt, đột phá, dứt điểm được.
Nếu Mai cầm được bóng thì đội mới chạy lên, không thì thôi. Qua từng trận, tôi ghi chép từng cầu thủ một và thống kê được trung bình mỗi trận một cầu thủ nữ của chúng ta chỉ chạy được khoảng 20 phút. Đó là quá ít, vì có lần được đi Trung Quốc tôi cũng ghi chép thấy họ chạy được khoảng 40 phút/trận", ông Phương kể.
Bài toán thể lực cho các cô gái bóng đá nữ được ông Phương giải quyết một cách chi li, và hiệu quả đến rất chóng vánh. Chỉ một năm sau đó, đội nữ TP.HCM giành chức vô địch quốc gia 2002. Song song đó, tuyển nữ quốc gia cũng ngày càng có thêm nhiều hảo thủ, tạo nên kết quả vô địch SEA Games 3 kỳ liên tiếp (2001, 2003, 2005).
Khi bóng đá nữ ngày càng được quan tâm, giai thoại về những năm tháng khó khăn ngày càng được nhắc đến nhiều, xoay quanh những công thần như ông Tư Ngữ, ông Trần Anh Tuấn (HLV đội TP.HCM những năm đầu), ông Mai Đức Chung... Nhưng cũng không thể quên đi công lao từ nền móng cơ bản của những người như ông Trịnh Công Phương, ông Võ Khai Nghiệp...
"Bóng đá nữ có những cái đặc thù mà nếu mình chưa dấn thân vào, chưa sống cùng các em thì không thể hiểu được. Cuộc đời nữ cầu thủ hạn hẹp lắm, quanh đi quẩn lại chỉ có vài mối quan hệ. Đó là một cái dễ để tôi yêu cầu các em tập chăm, ít sao nhãng.
Bù lại, bóng đá cũng là tất cả những gì của các em, nên chuyện giận hờn vu vơ của đàn bà con gái đôi lúc đem cả vào sân tập. Chúng tôi thân là đàn ông nhưng cũng phải để ý chuyện của các nữ cầu thủ, nhiều cái phải ôn tồn xử lý.
Sau này, khi lứa cầu thủ đời đầu giải nghệ rồi làm HLV, những HLV nam như chúng tôi mới có thể tập trung làm chuyên môn hơn", ông Phương kể.
Người thầy không bằng cấp
Cái khó của bóng đá nữ, cả thế giới đều thông cảm và thấu hiểu chứ không riêng gì ở Việt Nam. Vậy nên mới có chuyện vài ngày trước khi World Cup 2023 khai mạc, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải lên tiếng quanh tin đồn "ông Mai Đức Chung không được đăng ký làm HLV trưởng ở World Cup".
Vì đơn giản, chiến lược gia 72 tuổi này chưa có bằng HLV pro của FIFA. Sau cùng, nghi ngờ này được xóa bỏ, vì tuy ông Chung không có bằng pro thật nhưng FIFA cũng "dễ dãi" bởi ở World Cup bóng đá nữ, họ không yêu cầu bằng cấp cao nhất dành cho các HLV tuyển quốc gia.
Câu chuyện thiếu bằng cấp của ông Chung không hề mới. Ngay sau khi đưa đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup nữ 2023, đã có thông tin HLV Mai Đức Chung không đủ điều kiện dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam do không có bằng pro. Khi đó, ông Chung đã thẳng thắn: "Tôi không lăn tăn bất cứ điều gì. Tôi tuân thủ quy định và sẵn sàng lùi lại, nhường chỗ cho người khác đủ điều kiện".
Hành trình học bằng HLV pro rất vất vả, kéo dài 2 đến 3 năm. Mỗi năm sẽ có hai giai đoạn học tập trung 1 tháng ở Việt Nam và nước ngoài. Nên không phải ai cũng thu xếp được công việc để theo học, đặc biệt với một ông thầy có tuổi và đến với bóng đá nữ một cách... bất đắc dĩ như ông Chung.
Trong những lần đầu dẫn dắt tuyển nữ, như ở SEA Games 1997 và giai đoạn 2003 - 2005, ông Chung khi đó vẫn chí thú với công việc HLV trưởng một CLB bóng đá nam, vốn không đòi hỏi bằng cấp quốc tế. Còn trong những giai đoạn sau này, ông lại đã có tuổi.
Tài năng huấn luyện của HLV Mai Đức Chung thì đã quá rõ qua những thành tích đạt được. Nhưng cách ông đối nhân xử thế với các học trò cũng góp phần làm nên thành công khi tất cả đều gọi ông bằng tiếng "bố" thân thuộc.
Trải qua quãng thời gian dài gắn bó với các học trò, ông thấu hiểu nỗi khổ và sự hy sinh của các cầu thủ nữ lớn như thế nào. Vì thế, ông nói rằng điều ông chờ đợi lớn nhất với các học trò không phải là những tấm huy chương, những thành tích, mà là... thiệp mời cưới của họ.
Bởi sau khi cống hiến thanh xuân cho sự nghiệp quần đùi áo số, hầu hết các cầu thủ nữ sau khi giải nghệ đều đã quá tuổi, da đen sạm vì nắng và đến giờ còn chưa lập gia đình.
Tình cảm đôi vợ chồng già
47 năm bên nhau, bà Phạm Thị Ngọc Uyển là người chứng kiến hết thăng trầm trong nghiệp cầu thủ và sau này là HLV của ông Chung. Bà thấu hiểu và cảm thông với công việc thường phải xa nhà dài ngày của chồng.
Ông "Chung gái" cũng thổ lộ vợ là người chịu đựng những giây phút nóng nảy của ông trong gia đình - điều mà hiếm khi ông thể hiện trước các học trò.
Tết 2022 phải thi đấu Asian Cup nữ tại Ấn Độ để giành vé dự World Cup nữ 2023, ông Chung không khỏi thèm những món ăn vợ nấu ngày Tết.
"Về nhà chắc tôi sẽ bảo vợ nấu một bát măng chân giò đầu tiên hoặc món bún, phở gì đó vì rất thèm. Ở bên kia ăn uống không hợp lắm, mình cố phải ăn thôi. Tôi đã sụt mất 5kg, đến giờ mặt vẫn hốc hác chưa thể hoàn lại được". Và khi ông về, bà đã làm canh măng móng giò, giò lụa và thịt đông, hành muối để "chiêu đãi" chồng.
-----------------
Bên một góc khán đài sân Tao Đàn, cựu danh thủ và nay là HLV đội trẻ TP.HCM Lưu Ngọc Mai chép miệng nói bâng quơ: "Phải chi mình được trẻ lại, cũng muốn một lần đá World Cup cho biết".
Kỳ tới: Nơi khởi nguồn giấc mơ World Cup
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận