Vài ngày nữa, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ chính thức bước ra ánh đèn World Cup 2023, để hoàn thành giấc mơ sân chơi thế giới của người hâm mộ Việt, cũng như một lời "sấm truyền" nổi tiếng trong ngành thể thao rằng chính các cô gái sẽ giành tấm vé đến World Cup bóng đá trước tiên.
Và để tận hưởng những phút giây sống động của một kỳ World Cup, người hâm mộ bóng đá Việt cần nhớ lại một thời của bóng đá nữ Việt Nam. Trên mặt sân đất và cát, dưới dãy khán đài lạnh tanh, các cô gái dặm trường đeo đuổi niềm đam mê bóng đá bất chấp cuộc đời nặng gánh mưu sinh. Hành trình thép của những đóa hồng.
Một ngày sau khi tuyển bóng đá nữ Việt Nam lên đường sang New Zealand, chúng tôi về thăm nhà Huỳnh Như - cầu thủ mang băng thủ quân, và cũng là người xuất sắc nhất trong thế hệ bóng đá nữ Việt Nam hiện tại. Một chuyến đi hóa ra không hề lặng lẽ như dự tính.
Quê Huỳnh Như ở xã Đa Lộc, Trà Vinh, nơi có món dừa sáp trứ danh mà chính cô tiền đạo tài hoa này trở thành "đại sứ" bất đắc dĩ khi sang trời Âu thi đấu.
Người nổi tiếng trong vùng
Trên chuyến xe khách đi từ bến xe Miền Tây, chúng tôi đến Trà Vinh sau khoảng 4 giờ đồng hồ di chuyển. Và trong lúc ngồi xe trung chuyển, ngay khi chúng tôi hỏi thăm tài xế xem có biết nhà Huỳnh Như hay không, bầu không khí trong xe trở nên chộn rộn hẳn. Nếu là vài năm trước, có lẽ đổi lại chỉ là cảm giác hờ hững.
"Như nó đá bóng dự World Cup vậy thì lương tháng có đến trăm triệu không anh?", anh chàng tài xế vui vẻ hỏi, trước khi chúng tôi ôn tồn giải thích rằng đời sống các cầu thủ nữ vẫn còn khá cơ cực, và đến một ngôi sao bóng đá như Huỳnh Như khi sang Bồ Đào Nha thi đấu cũng chỉ có thể hưởng mức lương 1.500 USD/tháng (hơn 35 triệu đồng).
"Nhưng tiền thưởng chắc phải nhiều lắm. Như nó xây cái nhà lớn lắm cho ba mẹ ở đây mà", một người phụ nữ lớn tuổi chen ngang. Quả thật thông tin này không sai, cũng không gây ngạc nhiên.
Bởi sau 10 năm trời miệt mài thi đấu ở đẳng cấp cao nhất, giờ là lúc một cô gái cần kiệm như Huỳnh Như có thể giúp cha mẹ sống cuộc đời thoải mái.
Chờ ngay ở cổng, ông Huỳnh Thanh Liêm, cha của Huỳnh Như, vui vẻ tiếp đón chúng tôi. Chẳng khó khăn gì để nhận ra cái nét chất phác và vẻ niềm nở đặc trưng của người dân miền Tây nơi gia đình Huỳnh Như.
Trên đội tuyển, cô gái mang băng đội trưởng niềm nở với đồng đội thế nào thì ở quê nhà, gia đình cô cũng sống chan hòa với hàng xóm láng giềng thế nấy.
Từ nhiều năm trước, ông "Liêm Cầu Xây" - tên hàng xóm láng giềng thường gọi cha Huỳnh Như vẫn hay giúp bà con hàn, tiện nhiều món đồ gia dụng. Với người nghèo, ông không lấy tiền.
Cũng bởi lối sống phóng khoáng đó, gánh nặng tài chính cả nhà nằm ở quầy hàng của mẹ Huỳnh Như, bà Lê Thị Lài. Và khi Huỳnh Như lần đầu giành được món tiền thưởng 16 triệu đồng trong màu áo CLB TP.HCM 14 năm trước, cô gửi một nửa về quê nhà, để giúp cha mẹ "dễ thở" hơn đôi chút cho cuộc sống vất vả mưu sinh.
"Giờ thì tôi bỏ nghề rồi. Như nó nói tôi nghỉ đi từ mấy năm nay, kêu cha mẹ sống thoải mái đi, mọi việc để con lo. Giờ tôi có làm thì cũng giúp bà con láng giềng thôi", ông Liêm vui vẻ kể. Tiệm hàn của ông chỉ hoạt động vài tháng nay vì căn nhà chính của gia đình, ở cách đó 2 cây số đang được xây lại.
"Nó xây căn nhà đó hết 2 tỉ đồng đó. Vợ chồng tôi bảo gì dữ vậy, thì nó nói ba mẹ đừng quan tâm, cứ để con. Nó không cho tụi tôi can dự gì hết, chỉ cần chăm nom cho thợ là được. Tôi chỉ biết anh thầu làm nhà này cũng mê bóng đá", ông Liêm nói.
Khoảng vài tuần nữa, căn nhà sẽ hoàn công, nhưng lại phải chờ thêm một thời gian nữa mới nóng chỗ vì gia chủ sẽ bận sang New Zealand ủng hộ cô con gái rượu chinh chiến đấu trường World Cup.
Từng suýt bị trả về
Nếu ai đã từng nghe nhiều nữ cầu thủ tâm sự về tuổi thơ phải trốn tránh, xin xỏ, thậm chí là đấu tranh dữ dội với bậc phụ huynh mới được theo đuổi nghiệp đá bóng, sẽ thấy rằng Huỳnh Như rất may mắn khi có cha mẹ hết mình ủng hộ cô theo nghiệp banh bóng.
Ông Liêm kể từ nhỏ Như đã thể hiện cái thiên phú thích chơi banh. Năm 3 tuổi, vừa để con chơi vừa để dễ trông nom, ông cột dây từ người Như và trái bóng vào tường. Cứ thế cô nhóc tung tẩy chơi bóng thỏa thích.
Năm lên 5, 6 tuổi, Như bắt đầu được cha bế đi chơi trong các trận bóng đá giữa các ấp. Rồi một ngày, ông Liêm đánh liều đăng ký cho con gái cùng tham dự trận đấu với các cậu con trai. Trước đó, Như ngày ngày vẫn chơi bóng trên bãi cát sau chợ Cầu Xây.
"Con bé nhỏ mà có võ đó. Nó đá với mấy đứa con trai còn nhanh, còn khéo hơn tụi kia nữa. Có năm đá cho ấp tôi, nó vào sân thay người rồi ghi một mạch 3 bàn, đội thắng luôn. Từ đó, nhà tôi mới cho nó đi tập đá banh với đội trẻ của tỉnh", ông Liêm kể.
Hằng ngày, bà Lài chạy xe 40km chở Như đi đi về về từ nhà đến đội Năng khiếu của tỉnh. Rồi năm 17 tuổi, Như cùng mẹ khăn gói lên TP.HCM xin vào Tao Đàn - cái nôi của bóng đá nữ TP.HCM, hay nói rộng hơn là của cả miền Nam. Sự nghiệp chơi bóng đỉnh cao của cô tiền đạo trẻ bắt đầu từ đó.
Ít ai biết, trong những năm đầu ở lò đào tạo trẻ của TP.HCM, Huỳnh Như không được đánh giá cao. Cựu danh thủ Lưu Ngọc Mai nhận định tố chất, kỹ thuật của cô không mấy nổi trội. Còn HLV thể lực khi đó là ông Trịnh Công Phương kể thậm chí không muốn thu nhận Như vì cô ốm quá.
Nhưng rồi đội ngũ ban huấn luyện đã bị quyết tâm và đam mê của Như chinh phục. Quả nhiên sau chừng 3 năm miệt mài, Như dần chiếm được một suất thi đấu ở CLB TP.HCM, và bước vào tuyển quốc gia. Cuối năm 2011, cô gái Trà Vinh ghi bàn thắng đầu tiên cho tuyển Việt Nam, khi còn chưa ăn sinh nhật tuổi 20.
12 năm trôi qua, cô gái gầy gò ốm yếu ngày nào giờ đã được thừa nhận là cầu thủ xuất sắc nhất thế hệ bóng đá nữ hiện tại. Không chỉ vậy, Huỳnh Như còn là biểu tượng cho khả năng bước ra đấu trường quốc tế của bóng đá nữ Việt khi tỏa sáng trong màu áo CLB Lank. Ở tuổi 32, sự nghiệp của cô thủ quân tuyển Việt Nam hoàn toàn viên mãn.
Nhìn căn nhà khang trang mà Như đang xây cho ba mẹ, chúng tôi vừa mừng cho cô, vừa cảm thấy chút bồi hồi. Các cô gái "quần đùi, áo số" ngày nay đã có mức lương thưởng xứng đáng, đã có thêm nhiều nguồn thu nhập từ quảng cáo, bản quyền hình ảnh, cũng như sự quan tâm từ xã hội.
Đó là kết tinh của 3 thập niên ròng rã, với biết bao thế hệ những tên tuổi lừng lẫy như Ngọc Mai, Kim Hồng, Kim Chi, Văn Thị Thanh, Đào Thị Miện... chơi bóng trên những mặt sân khô cứng, dưới những khán đài lạnh tanh, nhưng bầu nhiệt huyết đam mê lại chưa bao giờ giảm.
"Hãy tin tôi đi, bóng đá nữ sẽ có mặt ở vòng chung kết World Cup trước cả nam cho mà xem...". Tác giả câu nói này là ông Trần Thanh Ngữ đầu thập niên 1990, khi ông đang là trưởng phòng thể dục thể thao quận 1, TP.HCM.
"Đại sứ" Huỳnh Như
Đó là cách gọi thú vị mà mạng xã hội dành cho Huỳnh Như, với những hình ảnh đẹp về văn hóa Việt mà cô mang đến Bồ Đào Nha trong thời gian khoác áo CLB Lank.
Trên mạng xã hội, Huỳnh Như khiến nhiều người thích thú khi đăng tải hình ảnh cô cùng các đồng đội khoác trên mình tà áo dài truyền thống. Được biết, Như đặt mua 10 bộ áo dài mang sang Bồ Đào Nha tặng cho các đồng đội nước ngoài. Ngoài ra, cô còn tặng các đồng đội dừa sáp, nón lá...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận