27/08/2022 09:13 GMT+7

Bóng đá nữ TP.HCM tìm hướng vượt khó

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Sau lời "kêu cứu" của Trung tâm TDTT quận 1 - cái nôi bóng đá nữ TP.HCM, Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP.HCM đã có cuộc họp với các bên liên quan vào hôm qua (26-8) nhằm tháo gỡ khó khăn và tìm hướng đi trong thời gian tới.

Bóng đá nữ TP.HCM tìm hướng vượt khó - Ảnh 1.

Để duy trì thành tích, CLB nữ TP.HCM cần phải được chăm lo tốt hơn - Ảnh: VFF

Hai kiến nghị lớn đã được cuộc họp đưa ra nhằm giúp bóng đá nữ TP.HCM có thể duy trì vị trí số 1 Việt Nam như hiện tại. Nhưng để có thể làm được, bóng đá nữ TP.HCM vẫn phải cần một quyết sách lớn từ lãnh đạo UBND TP.HCM.

Khó khăn bảo vệ ngôi số 1

Sau thời gian dài bị Hà Nội bỏ lại phía sau trong cuộc đua vô địch, bóng đá nữ TP.HCM đã vươn lên thống trị suốt từ năm 2015 cho đến nay. Dưới sự huấn luyện của HLV Đoàn Thị Kim Chi, CLB nữ TP.HCM đã 6 lần đoạt vô địch quốc gia (VĐQG) trong 7 mùa gần nhất, qua đó san bằng kỷ lục 10 lần vô địch của Hà Nội.

Mới nhất, CLB nữ TP.HCM vừa vô địch Cúp quốc gia năm thứ 3 liên tiếp sau 4 mùa giải được tổ chức. Nhưng để có thể bảo vệ thành công chức vô địch ở Giải nữ VĐQG 2022 sắp tới là điều không hề dễ dàng với CLB nữ TP.HCM, thậm chí là những năm tới nếu như không thay đổi cách làm. 

Câu chuyện CLB nữ TP.HCM bị CLB nữ Thái Nguyên vung tiền lôi kéo cầu thủ giỏi ra đi vốn chưa từng có tiền lệ ở bóng đá nữ là một ví dụ còn nóng hổi cho việc cần phải có chế độ đãi ngộ tốt hơn và xây dựng đội bóng nữ chuyên nghiệp thật sự.

Nhưng muốn thế, Trung tâm TDTT quận 1 - nơi đang chăm lo cho 108 vận động viên ở 3 tuyến - không thể làm được. Dù nỗ lực kiếm tiền nuôi cầu thủ ở 3 tuyến, nhưng dịch COVID-19 bùng phát đã làm kiệt quệ ngân quỹ. 

'Đó là lý do cái nôi của bóng đá nữ TP.HCM buộc phải "kêu cứu" xin được gặp lãnh đạo thành phố để trình bày về các nội dung khó khăn mà trung tâm và đội bóng đá nữ TP.HCM hiện đang gặp phải.

Cần sớm giải quyết 2 kiến nghị

Cuộc họp giữa Sở VH-TT TP.HCM với Trung tâm TDTT quận 1, Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) và bộ môn bóng đá sáng 26-8 đã ghi nhận những khó khăn của bóng đá nữ TP.HCM và rút ra hai kiến nghị để trình lên lãnh đạo TP.HCM tìm hướng giải quyết. 

Tuy nhiên, những người làm bóng đá nữ TP.HCM mong muốn có một cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo để có thể trình bày như hai CLB TP.HCM và Sài Gòn vừa qua.

Khó khăn lớn nhất của bóng đá nữ TP.HCM hiện tại chính là sự hạn chế của cơ sở vật chất do chỉ dựa vào Trung tâm TDTT quận 1. Trung tâm TDTT Thống Nhất là nơi quản lý (ký hợp đồng với VĐV), sân Hoa Lư hỗ trợ cho CLB nữ TP.HCM tập luyện trên mặt sân cỏ trong thời điểm diễn ra giải VĐQG. 

Còn nơi ở và tập luyện chính của cả 3 tuyến chính là sân Tao Đàn, nơi chỉ có mặt sân cỏ nhân tạo. Nhưng với sự phình ra về số lượng cầu thủ trẻ đào tạo, sân Tao Đàn đã ngày một quá tải, thậm chí xuống cấp phải sửa chữa nhiều lần với kinh phí 5 tỉ đồng. Số tiền này Trung tâm TDTT quận 1 cho biết cũng phải vay mượn để chăm lo tốt hơn cho VĐV.

Vì vậy, Sở VH-TT TP.HCM cho biết sẽ có báo cáo thực trạng, đồng thời đưa ra hai kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM. Đầu tiên là cần có nơi ăn ở tập trung tốt hơn cho ba tuyến của bóng đá nữ TP.HCM nhằm giãn bớt số lượng VĐV đông đảo hiện tại. Kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất nếu không thể rót trực tiếp từ ngân sách thành phố thì chuyển qua UBND quận 1 để thực hiện. 

Thứ hai là hỗ trợ cho bóng đá nữ TP.HCM bằng cách tìm giúp doanh nghiệp đỡ đầu cho đội 1 có thể đi theo con đường chuyên nghiệp. Số tiền tài trợ có thể là 10 tỉ đồng/năm. "Trong thời gian qua, chúng tôi cũng cố gắng kiếm vài nhà tài trợ cho đội hoạt động nhưng không đủ và không bền vững. Và phải nói thật là đến giữa tháng 6-2023 là hết tiền", một lãnh đạo Sở VH-TT tâm sự.

Trên thực tế, ngân sách thành phố thường chi khoảng 13 tỉ đồng/năm cho Trung tâm TDTT quận 1 đào tạo các tuyến và cho đội thi đấu. Nhưng khoản chi đó cũng chỉ đủ việc đào tạo và thi đấu. Còn việc chăm lo cơ sở vật chất nơi ăn ở, đi học văn hóa... đều do Trung tâm TDTT quận 1 tự thân vận động. 

Nên nếu có thể hỗ trợ tốt hơn cho "vườn ươm" Tao Đàn, đặc biệt là tìm thêm nhà tài trợ có thể lo 10 tỉ đồng/năm cho 25 cầu thủ ở đội 1 có chế độ đãi ngộ tốt, bóng đá nữ TP.HCM mới có thể hy vọng duy trì được vị thế của mình.

Ngày 29-8 tới, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ phối hợp với Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức "Hội thảo cấp phép CLB bóng đá nữ năm 2022" tại Hà Nội nhằm phổ biến và chuẩn bị lộ trình thực hiện việc cấp phép tham dự AFC Champions League 2023 dành cho nữ.

Do đó, việc hướng CLB nữ TP.HCM chuyển mô hình sang chuyên nghiệp (hiện tại vẫn chưa) là điều càng cần thiết. Sở VH-TT TP.HCM cho biết đang xin tham gia cuộc hội thảo này nhằm nắm bắt vấn đề và tham mưu tốt hơn cho lãnh đạo TP.HCM.

Cái nôi của bóng đá nữ TP.HCM Cái nôi của bóng đá nữ TP.HCM 'kêu cứu'

TTO - Trung tâm TDTT quận 1 mới đây đã gởi công văn lên Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM và UBND quận 1 để xin gặp lãnh đạo TP.HCM nhằm tháo gỡ những khó khăn mà CLB nữ TP.HCM đang gặp phải.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp