Đội tuyển Đan Mạch tại World Cup 2018
Tôi bắt đầu xem bóng đá vào giữa thập niên 80. Thời đó thành phố có câu "Nhà sạch nhà, phố sạch phố", theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhiều gia đình, vì những lý do khác nhau, đem bán đi đồ điện gia dụng.
Thế nên khi đài truyền hình chiếu các trận đấu của World Cup Mexico, nhiều gia đình có tivi đã mời hàng xóm qua coi chung, hoặc hướng màn hình ra phía ngoài đường cho người ta coi ké (người Sài Gòn luôn dễ thương như vậy).
Thời ấy phương tiện giải trí không nhiều nên các trận bóng đá quốc tế là thú giải trí hấp dẫn nhất mà chẳng ai muốn bỏ qua. Do các trận đấu thường diễn vào buổi chiều tối - theo giờ Việt Nam, trong nhà ngoài ngõ ồn ào tiếng người la hét, bàn tán, ngủ không yên chi bằng thức mà coi cho rồi.
Già trẻ, nam nữ đều thức khuya coi bóng đá là vậy.
Đến khi cuộc sống trở nên dễ chịu hơn thì chuyện coi bóng đá quốc tế, bàn về các trận đấu, đã thành thói quen của nhiều người. Tới mùa World Cup, Euro Cup thì trong nhà, tại nơi làm việc đâu đâu cũng thấy người ta bàn chuyện bóng đá, cũng là dịp để người hâm mộ thể hiện sự am hiểu, khả năng quan sát, suy luận, phân tích, tổng hợp lẫn biện luận của mình.
Người ngoại đạo nghe ké cũng thấy thú vị, mà nếu có lỡ miệng bàn ngang câu gì đó thì cũng được tha thứ, "phụ nữ, biết cái gì bàn!"
Tôi có cái thú đọc các bài phân tích, bình luận của các cây bút thể thao trước và sau mỗi trận. Điều thú vị là các chuyên gia luôn có cách giải thích rất hợp tình hợp lý, cho dù các dự đoán mà họ đưa ra trước đó có trật lất đi chăng nữa.
Tôi cũng thích những giây phút khi ống kính lia vào khán giả trên khán đài và các huấn luyện viên của các đội. Thôi thì đủ thứ cảm xúc, vui, buồn, mừng, giận, mong chờ, thất vọng… sự vui sướng cuồng điên lẫn những giọt nước mắt cay đắng.
Bóng đá có lẽ là môn thể thao duy nhất đem lại cho người ta cơ hội sống thật nhất với những cảm xúc của mình mà chẳng cần phải che giấu.
Messi và Ronaldo
Nhưng bóng đá cũng là một sân chơi vô cùng nghiệt ngã, anh hùng trận trước, tội đồ trận sau là chuyện bình thường. Người ta chẳng ngại ngần chế diễu Cristiano Ronaldo, Messi, Neymar…khi họ thi đấu không thành công. Mà cuộc sống có bao giờ như được lập trình sẵn đâu?
Tôi còn nhớ không khí hân hoan tràn ngập Đan Mạch khi các chàng trai của Huấn luyện viên År Hareide giành được vé tới Nga. Đan Mạch đã phải làm khán giả 2 kỳ 2006, 2014 còn 2010 thì phải dừng chân ở vòng ngoài,nên khi các "chú lính chì" vào được vòng 1/16 thì cho dù biết đối với thực lực của đội nhà, so với Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, thì kết quả đó đã là tốt, nhưng nhiều người Đan vẫn hy vọng vào một điều bất ngờ như đã xảy ra tại Euro 1992.
Thế nên thật ái ngại khi thấy tivi chiếu cảnh các cầu thủ Đan về đến Copenhagen mà ngoài thân nhân và nhà báo, chỉ có lưa thưa vài người hâm mộ ra đón. Có người còn dọa giết Nicolas Jørgensen vì đá hỏng trái phạt đền, khiến Đan Mạch bị Croatia loại.
World Cup đem lại cho hàng tỉ người những giây phút vui tột cùng nhưng cũng bày ra những giây phút chẳng fair play chút nào trên sân cỏ, với những trò cầu thủ đánh nguội, vào bóng nguy hiểm để cản đối thủ, nằm vạ, câu giờ, thi đấu vật vờ đễ bảo toàn kết quả hay tránh thẻ phạt, những quyết định phạt hay không phạt đền gây tranh cãi của một số trọng tài…
Một trong những bài học lớn nhất mà bóng đá mang lại hẳn phải là tầm quan trọng của sự gắn kết, của sự hợp tác tập thể. Kompany, Lukaku là những cái tên dễ nhớ nhưng Bỉ sẽ không tiến xa đến thế nếu không có Courtois trong khung thành.
Neymar không thể đưa Brazil vào bán kết khi đồng đội thi đấu không tốt (và vì Neymar không phải là Maradona). Nhưng trên tất cả là hy vọng - điều kỳ diệu còn sót lại trong cái hộp của Pandora và sự phấn đấu để biến niềm hy vọng đó trở thành sự thật.
Như một cổ động viên Brazil cười nói với phóng viên TV 2 Sport "Không sao, bốn năm nữa chúng tôi sẽ vô địch".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận