05/12/2020 12:34 GMT+7

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Nhiều CLB vẫn 'ăn bám' Nhà nước

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Hầu hết các CLB chuyên nghiệp ở VN vẫn 'ăn bám' Nhà nước thông qua tiền hỗ trợ từ UBND các tỉnh, thành phố. Có đội bóng mỗi năm được cấp tới 40 tỉ đồng, chưa kể các khoản hỗ trợ về cơ sở vật chất, đào tạo trẻ từ nguồn lực Nhà nước.

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Nhiều CLB vẫn ăn bám Nhà nước - Ảnh 1.

Dù nhận 40 tỉ đồng tiền hỗ trợ từ ngân sách mỗi năm nhưng CLB Hải Phòng thi đấu bết bát - Ảnh: NAM KHÁNH

Câu chuyện đang xảy ra ở CLB Than Quảng Ninh (TQN) không phải là cá biệt đối với bóng đá chuyên nghiệp VN. Nếu như không có bàn tay Nhà nước, chắc chắn nhiều CLB sẽ giải tán và bóng đá chuyên nghiệp VN cũng sụp đổ.

21 năm chuyên nghiệp vẫn không thể "cai sữa"

Bóng đá VN chính thức bước vào tên gọi chuyên nghiệp từ mùa giải 2000-2001. Nhưng 21 năm trôi qua, các CLB bóng đá chuyên nghiệp VN vẫn không thể tự sống được. Hầu hết các địa phương vẫn phải hỗ trợ cho các CLB từ tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo trẻ.

Ngay CLB Hà Nội - đội bóng được gọi là "nhà giàu" của ông bầu Đỗ Quang Hiển (chủ tịch Tập đoàn T&T), cũng chưa thể "thoát ly" Nhà nước. Cụ thể, từ năm 2016, UBND TP Hà Nội đã giao quyền quản lý, sử dụng SVĐ Hàng Đẫy (tài sản nhà nước) cho CLB Hà Nội.

Hàng chục năm qua, Sở VH-TT Hà Nội vẫn rót hàng chục tỉ đồng cho bộ môn bóng đá để làm công tác đào tạo trẻ. Các ngôi sao của CLB Hà Nội như: Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng... cũng được phát hiện, đào tạo bằng tiền nhà nước từ đây. Khi các cầu thủ 17-18 tuổi, ngành thể thao Hà Nội mới bàn giao cho CLB Hà Nội tiếp quản.

Một HLV bóng đá trẻ của Sở VH-TT Hà Nội cho biết: "Chúng tôi ăn lương nhà nước và làm công tác huấn luyện trẻ. Kinh phí duy trì các tuyến bóng đá trẻ cũng do thành phố cấp. Để tỏ lòng biết ơn các HLV tại đây đã đào tạo nên những Quang Hải, Duy Mạnh cho CLB Hà Nội và bóng đá VN, sau khi đội tuyển U23 VN giành HCB VCK U23 châu Á năm 2018, bầu Hiển biếu mỗi HLV như tôi 20 triệu đồng".

CLB Hải Phòng được hỗ trợ 40 tỉ đồng mỗi năm

CLB Hải Phòng là một trong số các CLB được ngân sách địa phương hỗ trợ nhiều nhất. Nói với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Tô Trang - phó giám đốc Sở VH-TT Hải Phòng - cho biết mỗi năm thành phố hỗ trợ CLB Hải Phòng 40 tỉ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ trong 4 năm từ 2016-2020 là 200 tỉ đồng. Ngoài ra, toàn bộ khâu đào tạo trẻ của bóng đá Hải Phòng cũng do Sở VH-TT thành phố lo liệu.

Từ tháng 7-2020, Hải Phòng đã giải tán Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ và bàn giao cho CLB Hải Phòng. Dù vậy, địa phương này cũng sẽ cấp kinh phí dự kiến mỗi năm hơn 3 tỉ đồng cho CLB Hải Phòng để nuôi hệ thống các tuyến trẻ. Nhiều năm qua, CLB Hải Phòng cũng được thành phố giao quyền quản lý và sử dụng SVĐ Lạch Tray.

Ngoài bóng đá, sân Lạch Tray còn là nơi tập luyện của nhiều môn thể thao khác của thể thao Hải Phòng. Trong giai đoạn đầu, khi thành phố chuyển quyền quản lý SVĐ cho CLB Hải Phòng đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa CLB và các đội tuyển còn lại. Lý do là sau khi tiếp quản tài sản của Nhà nước, CLB Hải Phòng đã đóng cửa không cho VĐV các môn khác vào sân Lạch Tray tập luyện.

Ngày 25-11-2020, ông Lê Văn Thành - bí thư Thành ủy Hải Phòng - cùng các đơn vị của thành phố đã có cuộc làm việc với Liên đoàn Bóng đá và lãnh đạo CLB Hải Phòng. Tại đây, ông Thành giao chỉ tiêu CLB Hải Phòng phải lọt vào top 5 V-League 2021, nếu không sẽ xem xét trách nhiệm của chủ tịch CLB Trần Mạnh Hùng.

Dù là một trong những địa phương chi nhiều tiền nhất cho CLB bóng đá chuyên nghiệp nhưng những năm gần đây CLB Hải Phòng thi đấu bết bát, luôn ở nhóm đua trụ hạng. SVĐ Lạch Tray từng là "chảo lửa" của V-League nhưng giờ đìu hiu dưới sự quản lý của đội ngũ lãnh đạo CLB.

Nhà tài trợ hắt hơi, CLB lâm nguy

Ông Nguyễn Hồng Thanh - chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An - chia sẻ: "Nói là bóng đá chuyên nghiệp VN nhưng thực chất chúng ta chỉ đang trong quá trình chuyển tiếp để đi lên chuyên nghiệp thôi". Thật vậy, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mỗi năm UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ CLB Sông Lam Nghệ An hơn 20 tỉ đồng để duy trì hệ thống đào tạo trẻ vào hạng nhất, nhì cả nước hiện nay.

CLB Quảng Nam - đội bóng vừa xuống hạng nhất mùa giải 2021 - cũng tương tự. Hằng năm UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ CLB Quảng Nam từ 16-17 tỉ đồng. Riêng năm 2021 khi đội phải xuống hạng nhất và đặt mục tiêu thăng hạng lên V-League 2022, tỉnh Quảng Nam đã tăng tiền hỗ trợ lên 18 tỉ đồng. Ngoài ra, tiền sửa sang SVĐ Tam Kỳ cũng do UBND tỉnh chi trả.

Ông Nguyễn Húp - chủ tịch CLB Quảng Nam - chia sẻ: "Bóng đá VN vẫn chưa phát triển bền vững được như Thái Lan từ đào tạo trẻ đến nguồn thu. Bóng đá Thái Lan thu được rất nhiều tiền từ bản quyền truyền hình để hỗ trợ các CLB. Trong khi đó, CLB tại VN vẫn phải sống dựa vào Nhà nước, nhà tài trợ. Mỗi CLB có 1-2 nhà tài trợ, chẳng may nhà tài trợ có sao, CLB cũng lâm nguy".

VTF sẽ không xin tiền Nhà nước VTF sẽ không xin tiền Nhà nước

TT - Đó là tuyên bố của tân chủ tịch Liên đoàn Quần vợt VN (VTF) Nguyễn Danh Thái sau khi trúng cử chức danh chủ tịch VTF tại đại hội VTF khóa V diễn ra ngày 24-2 ở Hà Nội.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp