Phóng to |
Nhiệm vụ của HLV Qiao Yu Chuan là đưa tuyển bóng chuyền nữ VN đến chiếc HCB SEA Games 26 - Ảnh: Nga Nguyễn |
Trước đó ngày 2-5, ông Augusto đã đến VN. Một ngày sau, ông Qiao Yu Chuan cũng có mặt tại Hà Nội. Chiều 4-5, ông Trần Đức Phấn, tổng thư ký VFV, đã trình lãnh đạo Tổng cục TDTT việc bộ môn bóng chuyền và VFV chính thức ký hợp đồng thử việc với hai HLV nói trên trong hai tháng với mức lương thử việc 1.500 USD/người/tháng. Sau khi thử việc, nếu đạt yêu cầu, HLV Qiao Yu Chuan và Augusto sẽ chính thức làm HLV trưởng đội bóng chuyền nữ, nam VN cho đến hết năm 2011 với mức lương dự kiến 5.000 USD/người/tháng.
HLV Augusto được đánh giá khá tốt khi trước đó từng dẫn dắt đội tuyển Pakistan. Theo VFV, do ông Augusto tự gửi đơn đến xin việc nên VFV đưa ra thời hạn hai tháng thử việc để biết được trình độ và khả năng dẫn dắt của ông với đội tuyển nam. Trong khi đó, HLV Qiao Yu Chuan được Liên đoàn Bóng chuyền Trung Quốc giới thiệu sau khi VFV có lời đề nghị được giúp đỡ.
Theo thông tin ông Qiao Yu Chuan gửi đến VFV, ông từng làm HLV một số đội bóng mạnh như Tứ Xuyên (Trung Quốc), Mexico, Oman. Dù được các liên đoàn này đánh giá cao nhưng ông Qiao Yu Chuan cũng phải có hai tháng thử việc. Cách làm của VFV là phù hợp để tránh những rủi ro trong trường hợp khi hợp đồng đã ký xong nhưng cách huấn luyện của HLV không phù hợp, thậm chí trình độ HLV quá yếu.
Từ cách làm của VFV, trở lại câu chuyện tìm HLV trưởng của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) mới thấy trong lịch sử bảy đời HLV ngoại từ HLV đầu tiên Tavares (1995), Weigang, Colin Murphy, Riedl, Dido, Letard đến Calisto, chưa HLV nào phải ký hợp đồng thử việc với VFF. Do cách làm thiếu cơ sở này, VFF đã nếm phải quả đắng. Đó là trường hợp HLV Dido sau khi cùng đội tuyển U-23 VN bị loại ngay vòng bảng SEA Games 2001 đã “ngồi không ăn lương” đến khi về Brazil.
Trường hợp đau nhất của VFF đến từ HLV người Pháp Letard. Khi ấy dù ông Letard ký hợp đồng hai năm với VFF nhưng sau năm tháng huấn luyện và nhận thất bại tại LG Cup cùng đội tuyển U-23, VFF đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và đền bù ba tháng lương cho ông Letard. Tuy nhiên, sau đó ông Letard đã kiện VFF lên Tòa án thể thao quốc tế và buộc VFF phải trả 197.800 USD tiền bồi thường hợp đồng và tiền phạt khiếu kiện.
Qua cách tuyển chọn của bóng chuyền và nhắc lại những việc trên là chuyện không thừa trong giai đoạn VFF đang gấp rút tìm HLV cho đội tuyển VN. Trong đó, dù ứng viên HLV Falko Goetz (Đức) đưa ra điều kiện là VFF phải đền bù 16 tháng lương nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng chưa bao giờ VFF đề cập vấn đề thử việc đối với ông Goetz.
Nói về điều này, một quan chức của VFF cho biết: “Thử việc chỉ đến với những người ít tiếng tăm chứ cỡ như HLV Mourinho có bao giờ phải thử việc. Ở VN, do bằng cấp thật giả lẫn lộn nên mình mới áp suy nghĩ của mình cho người ta chứ nước ngoài thì rõ ràng lắm. Chỉ cần nhìn vào bản lý lịch và xác nhận của liên đoàn bóng đá nước đó sẽ biết trình độ và độ chính xác của thông tin mà các HLV cung cấp”.
Có đúng như thế không khi chúng ta lật lại hồ sơ vụ HLV Letard mà người giới thiệu ông đến VN không ai khác chính là giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Pháp Aimé Jacquet?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận