Chiều cao tốt khiến bóng bổng trở thành "vũ khí" hiệu quả của các tuyển thủ Việt Nam - Ảnh: N.KHÔI
Tại SEA Games 30, U22 Việt Nam là đội ghi nhiều bàn thắng nhất với 24 bàn, trong đó 1/3 đến từ các pha bóng bổng hoặc tình huống cố định. Đây là thứ "vũ khí" mới, lần đầu được HLV Park Hang Seo áp dụng và thành công.
Bình luận về điều này, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng: "Miếng đánh ấy phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người. Trước đây, nhiều HLV ngoại đến làm việc ở Việt Nam nhưng không ai thành công với bóng bổng hay tình huống cố định như ông Park ở SEA Games 30.
Điều này do ở những thời điểm ấy, bóng đá Việt Nam quá hiếm những cầu thủ cao từ 1,8m trở lên như lứa tuyển thủ trẻ hiện tại".
Còn với cựu tuyển thủ Văn Sỹ Hùng: "Lâu nay chúng ta ít ghi bàn bằng đầu vào lưới Singapore, Thái Lan lẫn Indonesia trong quá khứ. Nhưng nay mọi chuyện đã khác, trong bốn trận đấu trước ba đội này (gặp Indonesia vòng bảng và chung kết) ở SEA Games 30, các tuyển thủ Việt Nam đã có 4 bàn thắng bằng đánh đầu.
Chiều cao hơn 1,8m của khá nhiều cầu thủ Việt Nam khiến đối thủ bối rối khi không biết chạy theo hoặc kèm ai trong các tình huống phạt góc hoặc đá phạt... Từ đó, hiệu quả ghi bàn của các cầu thủ Việt Nam được nâng cao rất nhiều.
Nhưng chiều cao cũng chưa phải là yếu tố quyết định. Cụ thể, tuy chỉ cao 1,72m nhưng khả năng ghi bàn bằng đầu của Đức Chinh hết sức lợi hại (4 trong số 8 bàn anh ghi được ở SEA Games 30). Đức Chinh làm được điều đó nhờ anh được đào luyện rất tốt từ lớp năng khiếu.
Ngoài ra, chơi bóng ở SHB Đà Nẵng, Đức Chinh còn học hỏi, rút kinh nghiệm rất nhiều từ Đỗ Merlo - tiền đạo rất lợi hại với những pha dứt điểm bằng đầu".
Cựu tuyển thủ Nguyễn Văn Dũng (HLV Nam Định) bổ sung: "Đánh đầu ghi bàn là một trong những phương án giải quyết trận đấu mà HLV nào cũng đặt ra. Sở dĩ lâu nay V-League ít trình làng được tiền đạo nội có khả năng ghi bàn bằng đầu bởi các CLB rất ít cầu thủ có chiều cao lý tưởng.
Chiều cao khiêm tốn của cầu thủ Việt Nam bắt nguồn từ yếu tố di truyền, dinh dưỡng không tốt từ tấm bé. Khi trở thành cầu thủ năng khiếu rồi lên chuyên nghiệp, đa số các em chỉ ăn để no chứ ít ai hiểu rằng phải ăn uống thế nào cho đủ chất, tăng chiều cao, phát triển cơ bắp. Đây là điều các CLB cần phải cải thiện trong tương lai".
Muốn cao, phải "đầu tư" từ lúc mang thai
Theo TS.BS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM): "Theo số liệu điều tra quốc gia, ở nam giới tuổi từ 20 - 24 có chiều cao trung bình là 164,4cm, còn nữ là 158,9cm. Tôi rất vui khi nhìn chiều cao của các cầu thủ Việt Nam tương đối tốt.
Để một con người có thể phát triển chiều cao tối đa, ngoài yếu tố di truyền không thể thay đổi, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý hai thời điểm của trẻ. Theo đó, thời điểm quan trọng nhất là 1.000 ngày đầu đời (3 năm), đây được xem là nền tảng phát triển chiều cao của trẻ. Khoảng thời gian này phải đảm bảo dinh dưỡng lúc người mẹ mang thai, khi trẻ sinh ra phải hoàn toàn được bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng, nếu có thể kéo dài trong hai năm đầu đời...
Thời điểm quan trọng thứ hai là tiền dậy thì và dậy thì (trẻ em gái là lớp 4, còn nam là lớp 6). Ở độ tuổi này, chế độ vận động rất quan trọng bởi có vận động trẻ mới tiết ra hoocmôn tăng trưởng để phát triển chiều cao. Loại hoocmôn này có thể tiết ra ở hai giai đoạn gồm vận động thể dục thể thao và giấc ngủ (ngủ sâu, ngủ điều độ).
Một thực tế cho thấy ở Việt Nam, ở trẻ không thiếu các chất dinh dưỡng nhưng rất thiếu vận động. Các bậc cha mẹ cần có chế độ bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm cho bé. Cụ thể, quan trọng nhất với trẻ vẫn là sữa, uống từ 400 - 600ml/ngày...
Ngoài yếu tố di truyền, nếu các bậc cha mẹ áp dụng tốt các yếu tố nêu trên thì một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành có thể phát triển thêm tối đa trên 7cm. (HOÀNG LỘC ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận