16/03/2008 09:13 GMT+7

Bốn chàng trai Everest

HOÀI NAM
HOÀI NAM

TT - Sau hơn tám ngày đi bộ ròng rã, hơn 12 giờ miệt mài vật lộn trên những khối tuyết khổng lồ, trèo lên vách băng dựng đứng trong cái lạnh -250C, đúng 12g32 (giờ Nepal, 13g47 giờ VN) ngày 5-3, những chàng trai VN trong chương trình truyền hình thực tế Chinh phục đỉnh Everest (đang phát sóng trên HTV) đã cắm lá cờ VN trên đỉnh núi tuyết Island Peak cao 6.160m của dãy Himalaya hùng vĩ...

dEcnd5Nc.jpgPhóng to
Dò dẫm từng bước trong băng tuyết, trong giá rét (-250C) để chinh phục đỉnh Island Peak thẳng đứng - Ảnh: Lê Bá Công

Island Peak dù chỉ cao 6.160m nhưng theo những chuyên gia leo núi người Sherpa, đây là ngọn núi technical (ngọn núi có địa hình đa dạng để ứng dụng tất cả kỹ năng, kỹ thuật leo núi). Island Peak có nhiệt độ lạnh và đường đi gần giống nóc nhà thế giới Everest. Hành trình đi và về dài 21 ngày. Bắt đầu từ thủ đô Kathmandu (Nepal), đoàn đi máy bay đến Luckla (2.800m). Từ đây hành trình đi bộ tám ngày đến Island Peak Base Camp.

Từ Base Camp, 2g sáng 5-3, năm VĐV bắt đầu hành trình chinh phục Island Peak. Theo chuyên gia leo núi Sherap Sherpa, dự tính mất khoảng 8 giờ để đến được đỉnh nhưng phải mất gần 9 giờ năm VĐV VN mới leo đến crampons point (điểm đeo giày đi trên băng), từ đây phải thêm 5 giờ leo vách băng dựng đứng 800 và đi trên những khối băng cheo leo mới đến đỉnh. Lúc này VĐV Vũ Thanh Minh bị hội chứng độ cao, sau hai lần bị ói thì anh phải bỏ cuộc, chỉ còn bốn VĐV tiếp tục là Ngợi, Công, Nhiên và Linh. Cứ bước một bước, các bạn phải nghỉ 15 phút. Tất cả động viên nhau, cứ thế họ từ từ tiếp bước. 12g32 (13g47 giờ VN) cờ VN tung bay, bài quốc ca nghẹn giữa chừng vì những giọt nước mắt hạnh phúc.

Khi dân quyền anh, cầu thủ bóng đá... leo núi

QPVdB5QF.jpgPhóng to

Đỉnh Island Peak rất nhỏ, chỉ đủ cho 3-4 người đứng xen nhau. Linh, Nhiên, Công, Ngợi (từ trái sang) đã cột dây quấn ngang bụng với nhau để cùng giương cao cờ Tổ quốc

Đây là lần thứ tư lá cờ Tổ quốc được cắm trên những đỉnh cao quốc tế từ đỉnh Phanxipăng - nóc nhà Đông Dương, đỉnh Kinabalu - nóc nhà Đông Nam Á đến nóc nhà châu Phi - đỉnh Kilimanjaro. Và đây cũng là đợt tập luyện cuối cùng trước khi chinh phục Everest. Để có thành công này, những chàng trai Everest (khán giả truyền hình yêu thương đặt cho họ cái tên chung như vậy) đã cố gắng hết mình, nỗ lực vượt bậc.

Chàng trai Hà Nội Nguyễn Mậu Linh sinh năm 1977 vốn là dân quyền anh thứ thiệt, từng đoạt giải cao ở giải quyền anh thành phố. Từng sinh hoạt trong quân ngũ ba năm, là tiểu đội trưởng nên tính kỷ luật của Linh rất cao.

Những ngày chinh phục Island Peak, rất khó khăn để nhận ra Linh vì khuôn mặt anh bị bỏng lạnh, hai gò má da bị sạm, mũi anh đỏ ửng cả một mảng lớn, chưa kể bệnh cảm đang hành hạ nhưng Linh đã nỗ lực hết mình. Đôi tay đã quen với môn quyền anh của Linh bám vào tuyết, đôi chân leo núi nghiệp dư chống vào băng. Từng ngón tay cóng lạnh... Đến với chương trình tình cờ, nhưng lúc này khao khát là người VN đầu tiên cắm cờ VN trên nóc nhà thế giới của Linh cháy bỏng hơn bao giờ hết.

Lê Bá Công là người duy nhất đã lập gia đình trong đoàn VĐV. Từng là cầu thủ bóng đá ở tỉnh Gia Lai nhưng mê chương trình, đọc báo thấy đang tuyển người tham gia ở Sài Gòn, Công khăn gói từ Nha Trang ra Hà Nội đăng ký. Yêu và hiểu đam mê của chồng, vợ anh một mình gồng gánh kinh tế gia đình và nuôi con trong suốt mấy tháng qua chỉ để anh toàn tâm toàn ý cho ước mơ chinh phục Everest.

Câu chuyện của Ngợi "đậu phụng" và Nhiên "a quắn"

Chinh phục thành công Island Peak, nhưng mấy ai biết đôi mắt của Lê Bá Công suýt bị... mù. Do một phần đường lên đỉnh núi quá hiểm trở, chỉ cần sơ suất, lọt chân là nguy hiểm đến tính mạng nên Công chọn cách chắc cú là nhìn đường bằng... mắt trần thay vì phải đeo kính đen nên khúc xạ nắng từ tuyết trắng khiến mắt anh bị viêm giác mạc, sưng tấy.

Chuyên gia leo núi người Sherpa cho biết nếu 24 giờ sau không hết rát, có khả năng mắt anh bị hư. Công chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi trải qua những cảm giác như thế, đau nhưng không dám khóc. Lúc ấy hình ảnh vợ và con luôn trong đầu tôi. Ơn trời, mọi thứ đã bình an".

Bùi Văn Ngợi và Phan Thanh Nhiên là hai chàng trai trẻ nhất trong đội, hiện đang học tại Trường đại học Thể dục thể thao 2. Ngợi là sinh viên năm 4 khoa điền kinh của trường, còn Nhiên là sinh viên năm 3 khoa thể dục dụng cụ. Gia đình nghèo, tuổi thơ của Ngợi gắn liền với những ngày đi chăn bò giúp bố mẹ.

Và anh tự hào vì điều đó. Sự khó khăn ấy là động lực để anh phấn đấu trong cuộc sống mỗi ngày. Vào TP.HCM học bốn năm, nhưng Ngợi chưa bao giờ biết đến một ngõ ngách đúng nghĩa của Sài Gòn. Mấy năm trời anh chỉ quanh quẩn từ ký túc xá đến lớp học ở Thủ Đức.

Giờ rảnh thì tìm việc làm thêm từ phụ giúp đám cưới hay đi làm bồi bàn để kiếm tiền ăn học. Ngoại hình nhỏ con nhất đoàn nên Ngợi chăm chỉ nghiêm ngặt các bài tập luyện. Rảnh rỗi, anh tranh thủ trau dồi vốn tiếng Anh ít ỏi của mình mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi leo núi.

Biệt danh "đậu phụng" gắn liền với Ngợi từ ngày theo đoàn leo núi. Chuyện là lần đi Malaysia chinh phục núi Kinabalu - lần đầu tiên Ngợi được ra nước ngoài nên khi đến sân bay anh lớ ngớ và bị lạc đoàn. Biệt danh Ngợi "lạc" hay gọi là Ngợi "đậu phụng" có từ đó.

Nhỏ tuổi nhất đoàn, Phan Thanh Nhiên được yêu thương đặt cho biệt danh "a quắn" vì... ăn quá! Trẻ, to con, khẩu phần bữa cơm của Nhiên gấp đôi người khác. Ai chọc ghẹo thì chọc nhưng Nhiên vẫn cố ăn nhiều bởi "để có sức mà đi".

Quê Nhiên ở Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà Nhiên nghèo lắm. Từ nhỏ, khi còn đi học, Nhiên đã đi làm cỏ, cuốc đất mướn để phụ giúp gia đình. Lên đại học, ngoài số tiền ít ỏi gia đình cho, sau giờ học, Nhiên đạp xe cọc cạch từ Tân Hương lên Dĩ An (Bình Dương) để phụ đám cưới, hay lên Thủ Đức chạy bàn... kiếm tiền trang trải học phí. To con, mạnh mẽ, nhưng mấy ai biết những ngày đi chinh phục Kilimanjaro, nằm trong lều trên đỉnh núi cao trong cái lạnh -100C, Nhiên chảy nước mắt vì thương mẹ. Bà cấm Nhiên đi chương trình này vì lo cho con nhưng Nhiên trốn đi, rồi nhờ chị thuyết phục mẹ. Mẹ đồng ý nhưng mỗi đêm bà không ngủ yên vì lo cho Nhiên.

Vì một niềm tự hào VN

Với Nhiên và Ngợi, để tham gia chương trình trọn vẹn, cả hai đã cùng xin bảo lưu kết quả học tập tại trường trong một năm. Nhiên chân tình: "Nói thật, lúc đầu tôi tham dự vì muốn kiếm ít tiền trang trải việc học, tiền học phí, tiền ký túc xá còn nợ một năm. Nhưng bây giờ khát khao thật sự trong tôi là chinh phục những đỉnh núi cao bằng chính sức lực của người VN".

Còn Ngợi cho biết: "Sự tò mò về một môn thể thao mới ban đầu giờ đã thổi bùng thành đam mê trong tôi. Đi đến nước nào, họ đều hỏi tôi đến từ Nhật hay Trung Quốc, nhưng tôi rất tự hào trả lời chúng tôi đến từ VN. Và khi lá cờ VN được cắm trên đỉnh những ngọn núi cao nhất ở mỗi quốc gia, niềm tự hào là người VN tràn ngập trong tôi. Người VN tuy nhỏ bé nhưng tinh thần và ý chí không nhỏ đâu. Dòng máu VN mách bảo tôi điều đó”.

Công "tạ”, Nhiên "a quắn", Ngợi "đậu phụng", Linh "cẩu" - những chàng trai trẻ VN đầy khao khát, đầy ước mơ - những ngày này đang cật lực tập luyện, nỗ lực vì một điều lớn lao hơn: họ muốn tự tay cắm lá cờ VN tung bay trên nóc nhà thế giới vào tháng năm tới.

YlQbfSdx.jpgPhóng toPempa (thứ hai từ trái sang, 5 lần chinh phục Everest), Sherap (thứ ba, 4 lần), Pasang (thứ tám, 7 lần) là ba HLV của đoàn VN. Phóng viên Hoài Nam củaTuổi Trẻ (thứ tư từ trái sang) cùng với đoàn dưới chân núi Island Peak - Ảnh: Nguyễn Giang Nam* Đỉnh Everest (hay còn gọi là đỉnh Chomolungma) cao 8.850m thuộc dãy Himalaya được xem là đỉnh núi cao nhất thế giới. Đường lên đỉnh nằm giữa biên giới Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc). Từ năm 1921, đã có đoàn thám hiểm người Anh muốn chinh phục ngọn núi này nhưng không thành công.

* 11g30 sáng 29-5-1953, Edmund Hillary (người New Zealand) và Tenzing Norgay (người Sherpa) đã ghi tên mình vào lịch sử khi chinh phục thành công đỉnh núi huyền thoại Everest.

Đến nay có hơn 2.249 nhà leo núi từ hơn 20 quốc gia ghi tên mình vào danh sách những người chiến thắng được ngọn núi huyền thoại này.

* Năm 1975, Junko Tabei (người Nhật Bản) trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chinh phục thành công Everest.

* Năm 2001, Erik Weihenmayer (người Mỹ) trở thành người mù đầu tiên lên đỉnh.

* Ở Đông Nam Á, các quốc gia Thái Lan, Indonesia đã chi hàng triệu đôla để đầu tư nhưng cuộc chinh phục của họ không thành công. Chỉ riêng Philippines đã chinh phục thành công vào 17-5-2007. Ba vận động viên đều là nữ gồm Noelle Wenceslao, Karina Dayondon và Janet Belarmino. (Đặc biệt là Belarmino, cô đã sinh con đầu lòng trước ngày chinh phục... năm tháng).

* Cùng đi với năm vận động viên VN trong chuyến chinh phục Island Peak lần này có bảy người dẫn đường Sherpa, trong đó có bốn người đã từng chinh phục Everest. Ít nhất là Dawa Sherpa - 2 lần, Sherap Sherpa - 4 lần, Pempa Choti Sherpa - 5 lần và Pasang Tenzing Sherpa đã 7 lần chinh phục. Đánh giá về bốn vận động viên VN trong hành trình chinh phục Everest sắp tới, anh Sherap Sherpa cho biết: "Theo dõi các vận động viên VN chinh phục Island Peak, tôi thấy các bạn có đủ sức khỏe và kỹ năng leo địa hình băng tuyết Everest. Tuy nhiên các bạn còn thiếu nhiều kinh nghiệm, sự chịu lạnh và nhất là hội chứng độ cao nên việc di chuyển vẫn còn khá chậm. Nhưng tôi tin các bạn sẽ thành công vì thời gian chinh phục Everest của các bạn kéo dài đến hai tháng, nên đủ để các bạn thích nghi".

Trong cuộc chinh phục của đoàn vận động viên VN lần này, nhà tài trợ Number One đã chi khá đậm, nghe đâu số tiền không dưới 3 triệu USD.

HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp