06/03/2018 09:57 GMT+7

Bồn cầu phát nổ do đâu, làm sao tránh?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Nhiều vụ nổ bồn cầu gây thương vong, trong đó có Việt Nam, khiến không ít người giật mình không biết bồn cầu nhà mình có an toàn không.

Bồn cầu phát nổ do đâu, làm sao tránh? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra khu vực xảy ra vụ nổ hầm cầu ở Bình Dương - Ảnh: XUÂN AN

Mới đây, một vụ nổ bồn cầu xảy ra ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương làm 4 người bị thươngNguyên nhân được xác định do tích tụ khí metan. Sau đó do một vết nứt ngay bệ bồn cầu, khí metan bị rò rỉ ra ngoài, gặp lúc nạn nhân bật lửa châm thuốc hút nên phát nổ. 

Nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Trường Sơn - khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết các chất thải hữu cơ từ bồn cầu sẽ được chứa trong hầm cầu (bể phốt).

Thường hầm cầu có 3 ngăn: ngăn chứa, ngăn lắng và ngăn lọc. Tại ngăn chứa, các chất thải sẽ lên men yếm khí bởi các vi sinh vật. Phần cặn của quá trình lên men sẽ lắng xuống đáy ngăn.

Khí sinh ra trong quá trình lên men gồm chủ yếu khí metan (CH4), ammoniac (NH3), cacbonic (CO2), hidro sunfua (H2S), lưu huỳnh đi-ô-xit (SO2)… sẽ được thoát ra ngoài trời theo ống thông hơi.

Phần lỏng sẽ theo một ống thông chảy qua ngăn lắng và những phần cặn chưa kịp lắng ở ngăn chứa sẽ lắng xuống ở ngăn này.

Phần nước trong bên trên sẽ chảy ra ngăn thứ ba - ngăn lọc và chảy vào cống xả hoặc cho ngấm vào đất.

Bồn cầu phát nổ do đâu, làm sao tránh? - Ảnh 2.

Một bồn cầu phát nổ - Ảnh: Daily Mail

Nếu lắp đặt ống thông hơi không đúng hoặc ống bị nghẹt, việc tích tụ khí trong quá trình phân hủy chất thải hữu cơ sẽ làm tăng áp suất trong hầm cầu, có thể gây nổ.

Hoặc khi các khí này xì qua các khe nứt của hầm cầu mà gặp tia lửa sẽ cháy và gây nổ hầm cầu, như vụ việc xảy ra ở Bình Dương mới đây.

TS Nguyễn Trường Sơn đưa ra lời khuyên: kích thước của hầm cầu phải được tính toán phù hợp với số lượng người sử dụng (lượng chất thải), đồng thời nên kiểm tra ống thông hơi ít nhất 1 năm 1 lần để kịp phát hiện trường hợp ống bị nghẹt.

Làm gì để giữ an toàn?

Theo TS Ngô Thanh An, phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Dự án, ĐH Bách Khoa TP.HCM, nguyên nhân cháy nổ là do khí metan. Do vậy, cần lưu ý đến những nguồn phát sinh khí metan như bếp ga, toilet, thùng rác.

Để đảm bảo an toàn, cần tránh sự rò rỉ khí từ hầm cầu vào toilet. Muốn thực hiện được việc này, cần có ống thông khí để cân bằng áp suất giữa bên trong và bên ngoài.

Không nên để lửa trong nhà vệ sinh, nhất là bồn cầu - Video: YouTube

Ống thông khí đóng vai trò quyết định trong việc loại bỏ áp suất khí sinh ra từ bên trong của hầm cầu. Do vậy, phải lưu ý trong việc thiết kế và lắp đặt ống thông khí cho hầm cầu.

Đường kính ống thông khí không dưới 60mm, dẫn lên cao trên mái nhà ít nhất 0,7m để tránh mùi và khí độc hại. Ống thông khí không được đặt ngập trong chất lỏng (có như vậy mới có vai trò thông khí với bên ngoài).

Cần tránh xây dựng hầm cầu ở những nơi hay ngập lụt. Vì nước từ môi trường bên ngoài có thể chảy vào trong bồn cầu, làm ngập luôn ống thông khí, dẫn đến tạo áp trong hầm cầu. 

Cạnh đó, cần lưu ý việc làm kín mối nối tiếp xúc giữa bồn cầu và đường ống thoát chất thải, tránh hiện tượng rò rỉ khí qua mối nối này.

TS An khuyên không nên hút thuốc trong toilet, nhất là khi phát hiện mùi lạ. Thay vào đó, cần tìm ngay nguyên nhân gây rò rỉ khí và khắc phục ngay.

"Bên cạnh toilet, bếp ga, cũng phải lưu ý đến hệ thống cống rãnh trong nhà. Không nên mở nắp đậy lỗ thoát nước trong nhà tắm bởi nó có thể dẫn khí có chứa metan, H2S từ hệ thống cống thải vào nhà, từ đó có thể gây ngạt, tạo mùi hôi thối, hoặc tiềm tàng gây ra sự cháy nổ", TS An nói thêm.

Hi hữu nhưng... đâu cũng có

Dù được xem là tai nạn hi hữu, nhiều vụ nổ bồn cầu đã được ghi nhận trên thế giới. Ngày 2-10-2016, một vụ nổ bồn cầu xảy ra tại Brooklyn thuộc tiểu bang New York, Mỹ.

Khi đó ông Michel Pierre (58 tuổi) khi nhấn dội nước kiểm tra xem van giật nước bồn cầu hoạt động bình thường chưa thì một tiếng nổ lớn vang lên, mảnh sứ từ bồn cầu bay tứ tung.

Sau khi phải khâu hơn 30 mũi trên mặt, tay và chân, Pierre chia sẻ ông bị ám ảnh khi nhiều tuần sau khi xả bồn cầu.

Nhà vệ sinh phát nổ: cẩn thận không thừa - Ảnh 2.

Pierre phải khâu tổng cộng 30 mũi sau sự cố - Ảnh: Daily Mail

Theo trang Daily Mail, vào ngày 31-12-2017, tại thành phố Ngọc Lâm tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), một vụ nổ bồn cầu nhà vệ sinh công cộng khủng khiếp làm 1 người chết và 7 người bị thương.

Vụ nổ xảy ra chỉ 4 ngày sau khi chính quyền Trung Quốc đề ra mục tiêu xây dựng và nâng cấp 100.000 nhà vệ sinh công cộng trên toàn quốc trong vòng 4 năm sau khi ngày càng có nhiều chỉ trích về tiêu chuẩn các nhà vệ sinh ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Trước đó, trang The Telegraph cho biết vào tháng 10-2014, khi công nhân dùng vòi cường độ cao làm sạch ống dẫn chất thải vệ sinh ở Baltimore, Maryland (Mỹ) thì nó bất ngờ nổ tung làm cô Angela Wright bị thương nặng.

Một khoảng thời gian dài sau đó, cô liên tục bị stress và ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Cô quyết định đòi bồi thường đến 250.000 USD.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp