Ngoài việc bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, cần giải pháp căn cơ hơn như hoàn thiện hệ thống thu gom toàn bộ nước thải dọc sông chết Tô Lịch, đưa lượng nước thải này về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Đồng thời, phải tạo được dòng chảy cho sông Tô Lịch.
Không thể nửa vời
TP Hà Nội đang quyết tâm hồi sinh dòng sông chết Tô Lịch bằng giải pháp bơm nước sông Hồng vào để thau rửa lòng sông Tô Lịch. Theo đó, thành phố dự kiến chi khoảng 550 tỉ đồng để "hồi sinh" sông Tô Lịch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về chủ trương này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạc phát triển đô thị Việt Nam - cho biết bơm nước sông Hồng "giải cứu" sông Tô Lịch là giải pháp tình thế trước mắt. Hiện TP Hà Nội đang triển khai dự án thu gom nước thải đổ ra sông Tô Lịch, đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý.
Giải pháp này cần được tiến hành song song với giải pháp bơm nước từ sông Hồng vào "giải cứu" sông Tô Lịch, như vậy mới giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch hiện nay.
Ông Nghiêm cũng cho rằng việc xây dựng các đập mới để trữ nước sông Hồng cũng cần có tầm nhìn dài hạn. Mực nước sông Hồng luôn biến động nên cần chú trọng yếu tố cân bằng cả dòng sông.
Sông Hồng chạy qua nhiều tỉnh, thành phố, đoạn qua vùng đô thị trung tâm Hà Nội dài khoảng 40km nên khi lấy nước vào sông Tô Lịch cần đảm bảo ổn định dòng chảy sông Hồng đoạn qua Hà Nội và các tỉnh khác.
"Một vấn đề nữa cần đặc biệt lưu tâm là bơm nước làm sạch sông Tô Lịch nhưng phải tạo dòng chảy tự nhiên. TP Hà Nội cần nghiên cứu, tính toán để có được một dòng sông sạch bền vững", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, KTS Trần Huy Ánh, ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - nhận định bơm nước "giải cứu" sông Tô Lịch là giải pháp tình thế, không triệt để. Hiện nay nước thải dân sinh từ nhiều khu vực dân cư đô thị vẫn chảy thẳng xuống sông Tô Lịch. Đây là một thất bại trong mục tiêu thu gom toàn bộ nước thải dọc sông Tô Lịch về nhà máy Yên Xá xử lý.
Ông Ánh nói: "Phải nhìn nhận thẳng thắn là sông Hồng không nhiều nước đến mức đủ để thau rửa sông Tô Lịch thường xuyên. Vấn đề bơm nước sông Hồng để "giải cứu" sông Tô Lịch trong mùa khô hạn liên quan đến an ninh nguồn nước.
Phải làm rõ sự bền vững của giải pháp bơm nước sông Hồng vào sông Tô Lịch thế nào, khả năng hòa loãng, tích tụ 23.000.000m3 nước sông Tô Lịch ra sao để sông Tô Lịch có thể đầy nước như sau trận lụt năm 2008 (tương lương lượng nước gần 5 lần hồ Tây lúc đầy gộp lại).
TP Hà Nội phải giải trình rõ trước khi quyết định bỏ trăm tỉ xây công trình bơm nước sông Hồng thau rửa sông Tô Lịch".
Hai bộ đề nghị Hà Nội làm rõ nhiều vấn đề
Cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc bổ cập nước sông Hồng sang sông Tô Lịch là rất cần thiết và cấp bách.
Nhưng giải pháp này chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông, tạo cảnh quan, nâng cao giá trị về kinh tế, môi trường, sinh thái, văn hóa, lịch sử gắn liền với dòng sông Tô Lịch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng đề xuất đầu tư xây dựng trạm bơm trực tiếp từ sông Hồng bằng hệ thống đường ống áp lực với lưu lượng 3 - 5m3/s và 3 đập dâng trên sông Tô Lịch tại các khu vực cống Mọc, cầu Dậu và trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu để bổ cập dòng chảy trên sông Tô Lịch là hết sức cần thiết, cấp bách, thuộc danh mục dự án được nhà nước khuyến khích đầu tư.
Tuy nhiên, phương án như đề xuất của Hà Nội mới chỉ bổ cập bằng lượng nước thải được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông Tô Lịch, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy.
Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý Hà Nội cần rà soát bổ sung đánh giá đến nguy cơ gây sạt lở, bồi lắng khu vực sông Hồng tại cửa lấy nước của trạm bơm đầu mối, đảm bảo công trình ổn định lâu dài và lấy nước liên tục trong điều kiện mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp.
Liên quan tới chủ trương bổ cập nước sông Hồng, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát bổ sung các nội dung về quy hoạch, phương án bổ cập nguồn nước, quy mô công suất trạm bơm, vị trí đặt trạm bơm, tuyến ống truyền tải nước, phương án vận hành khai thác.
Về quy hoạch, theo Bộ Xây dựng cần làm rõ sự phù hợp của phương án đề xuất với quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt và các quy hoạch có liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn vị trí đặt trạm bơm dưới chân cầu Nhật Tân và việc vận hành trạm bơm bổ cập nước chủ yếu thực hiện vào mùa nước kiệt thì có ảnh hưởng như thế nào đến các công trình lân cận, đặc biệt là cầu Nhật Tân.
Về tuyến ống truyền tải nước có đường kính D1200 chạy dọc theo vỉa hè đường Võ Chí Công, khu vực này khá nhiều công trình hạ tầng nên khả năng tuyến ống sẽ phải thiết kế đi sâu để tránh xung đột với công trình hạ tầng hiện trạng khác.
Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị xem xét đến vật liệu ống đáp ứng điều kiện thi công, khả năng chịu tải và ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận