Bác sĩ Vũ Trung Trực, phó trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Bệnh viện Việt - Đức, cho hay nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Long Biên, Hà Nội đã được tiêm chất được cho là (chất làm đầy) để nâng ngực tại một spa ở Long Biên. Sau 4 ngày, ngực bệnh nhân sưng to, ngực bên phải có lỗ rò, từ đó chảy ra nhiều dịch mủ.
"Khi bệnh nhân đến Bệnh viện Việt - Đức, chúng tôi đã chụp chiếu và xác định may mắn phần bơm vào ngực bệnh nhân chỉ khu trú ở lớp mỡ dưới da. Qua xét nghiệm đã tìm thấy vi khuẩn gây mủ do tiêm không đảm bảo quy trình vô trùng. Ngày ngày nhân viên y tế đến hỗ trợ bệnh nhân nặn mủ, kết hợp điều trị kháng sinh. Đến ngày thứ 8 thì ngực bệnh nhân đỡ sưng, đến ngày thứ 12 bệnh nhân được ra viện" - bác sĩ Trực cho biết.
Theo bác sĩ Trực, mặc dù đã hết mủ và sưng, nhưng phần bị rò ở ngực bệnh nhân tạo sẹo, khiến ngực bị cứng và méo. Bệnh nhân có trao đổi với spa về loại "filler" được sử dụng, nhưng đến giờ vẫn chưa xác định được cụ thể đó là filler nguồn gốc ở đâu, chất lượng ra sao...
Khoa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ cho biết tại Trung tâm thẩm mỹ của khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân gặp biến chứng sau khi đi làm đẹp, trong đó riêng nhóm bệnh nhân tiêm filler thì 2 nhóm tai biến hay gặp nhất là gây sưng, rò ở mũi và ngực, thậm chí có một số bệnh nhân bị mù mắt do áp lực tiêm mạnh, filler vào mạch máu và tỏa đi các cơ quan, gây tai biến mạch máu, mù mắt.
"Hiện có đến vài chục loại filler, có loại chỉ vài trăm ngàn đồng/ml, nhưng loại tốt, được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép thì phải 8-9 triệu đồng/ml. Người đi làm đẹp rất cần xem đó là sản phẩm nào, nguồn gốc ở đâu, và cần tiêm ở cơ sở uy tín, bác sĩ hiểu rõ về giải phẫu cơ thể để tránh các tai biến. Tuy nhiên các chị em có khi tiêm ở hiệu cắt tóc, làm móng tay, làm da..., không đảm bảo quy trình vô trùng và dẫn tới các tai biến" - bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận