
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau động đất ở Mandalay, Myanmar - Ảnh: REUTERS
Nhóm nổi dậy Liên minh quốc gia Karen nói rằng thay vì ưu tiên nỗ lực cứu trợ người dân, quân đội Myanmar lại tập trung "triển khai lực lượng để tấn công người dân".
Hãng tin Reuters ngày 31-3 dẫn lời nhóm này chỉ trích chính quyền quân sự "tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các khu vực dân sự, ngay cả khi người dân phải chịu đựng rất nhiều đau khổ vì động đất".
Kể từ khi xảy ra động đất kinh hoàng ngày 28-3, bom đạn vẫn không ngừng rơi ở Myanmar, theo nhóm trên.
Ngày 30-3, lực lượng giải phóng dân tộc Danu hoạt động ở bang Shan phía bắc Myanmar cho hay 7 chiến binh của họ đã thiệt mạng trong một cuộc không kích ngay sau khi động đất xảy ra. Nhiều cuộc không kích cũng diễn ra ở các thị trấn như Nawnghkio và Sagaing ở gần tâm chấn.
Người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar hiện chưa lên tiếng về những chỉ trích của phe nổi dậy, theo Reuters.
Cuối tuần qua, chính quyền dân sự Chính phủ thống nhất quốc gia (NUG) Myanmar thông báo cánh vũ trang của nhóm này là lực lượng Phòng vệ nhân dân (PDF) sẽ ngừng các hoạt động quân sự tấn công từ ngày 30-3 tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Sau động đất, quốc tế đã kêu gọi ngừng bắn ở Myanmar để tạo điều kiện cho việc cứu trợ.
"Việc ngừng bắn ngay lập tức và có hiệu quả ở Myanmar sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo và hòa giải dân tộc, hòa bình và tái thiết lâu dài hơn", Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi sau cuộc họp trực tuyến với các nước ASEAN về thảm họa động đất.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc Tom Andrews cũng kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar ngừng các hoạt động quân sự sau động đất và tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức.
Sau động đất, chính quyền quân sự Myanmar kêu gọi viện trợ nhân đạo quốc tế để khắc phục hậu quả.
Ngày 30-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá trận động đất ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp ở cấp độ cao nhất, đồng thời kêu gọi tài trợ khẩn cấp 8 triệu USD để cứu người và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại Myanmar trong 30 ngày tới.
WHO cho biết số lượng lớn nạn nhân và thương tích do chấn thương có nguy cơ nhiễm trùng cao do năng lực phẫu thuật hạn chế tại quốc gia này, trong khi điều kiện cơ bản ở Myanmar có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận