10/07/2023 15:14 GMT+7

Bom chùm nguy hiểm ra sao mà 123 quốc gia nghiêm cấm?

Bom chùm bị cấm sử dụng, sản xuất và tàng trữ ở 123 quốc gia vì hậu quả lâu dài mà nó để lại, ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc.

Video mô phỏng khả năng công phá của bom chùm được chuyển cho Ukraine

Máy bay B-52 rải bom chùm xuống Afghanistan - Ảnh: REUTERS/KHÔNG QUÂN MỸ

Máy bay B-52 rải bom chùm xuống Afghanistan - Ảnh: REUTERS/KHÔNG QUÂN MỸ

Hôm 7-7, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine - một phần trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD của Mỹ cho Ukraine.

Việc này không chỉ vấp phải phản đối của Nga mà còn gây tranh cãi trong chính nội bộ nước Mỹ, cũng như các đồng minh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Định nghĩa về bom chùm

Theo định nghĩa được ghi rõ tại điều 2 Công ước về bom, đạn chùm (CCM), bom chùm là một loại bom, đạn được thiết kế để phát tán hoặc phóng ra các quả bom con với trọng lượng dưới 20kg.

Bom chùm được thiết kế để ném từ máy bay xuống, bắn từ mặt đất hoặc trên biển. Nó sẽ bung ra trên không trung và giải phóng hàng chục hoặc hàng trăm quả bom con.

Chúng có khả năng bao phủ và gây sát thương trên một khu vực rộng lớn, tương đương diện tích vài sân bóng đá.

Mô phỏng cách thức bom chùm hoạt động - Ảnh: STRAIT TIMES/AFP

Mô phỏng cách thức bom chùm hoạt động - Ảnh: STRAIT TIMES/AFP

Tuy vậy, đây là một loại vũ khí không ổn định và có tỉ lệ không phát nổ ngay cao. Ngòi nổ của mỗi quả bom con được kích hoạt khi nó rơi xuống đất, nhưng rất nhiều quả bom con trong đó không phát nổ và nằm im trong lòng đất.

Theo Ủy ban Hội Chữ thập đỏ quốc tế, tỉ lệ thất bại của bom con dao động từ 10% đến 40% trong các cuộc xung đột gần đây trên thế giới.

Những quả bom con không phát nổ đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng thời hậu chiến, vì nó có thể gây thương vong cho dân thường khi vô tình giẫm phải.

Bên cạnh đó, những quả bom con thoạt nhìn trông rất giống đồ chơi, gây nguy hiểm cho trẻ con.

Bom chùm đã được sử dụng phổ biến trong Chiến tranh vùng Vịnh cũng như trong các cuộc chiến ở Chechnya, Afghanistan và Iraq. Lần cuối bom chùm được sử dụng là trong cuộc chiến tại Iraq, từ 2003 đến 2006.

Mỹ cấp loại bom chùm nào cho Ukraine?

Theo một cơ quan chuyên giám sát bom chùm - đạn chùm, hiện có tổng cộng hơn 200 loại bom chùm được 34 quốc gia phát triển hoặc sản xuất.

Mỹ được cho là sẽ cung cấp cho Ukraine loại Đạn thông thường được cải tiến có mục đích kép (DPICM) - một loại bom chùm.

DPICM có khả năng gây sát thương diện rộng, dùng để tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu như xe tăng, thiết bị quân sự, hoặc quân địch.

Theo trang eArmo của quân đội Mỹ, DPICM được bắn từ đầu đạn pháo 155mm, mỗi lần bắn mang 88 quả bom con. Mỗi quả bom con có phạm vi sát thương khoảng 10m2. Do đó mỗi quả bom chùm có khả năng càn quét một khu vực rộng tới 30.000m2, tùy vào độ cao được thả.

Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Đài CNN rằng các loại đạn dược mà nước này gửi tới Ukraine có tỉ lệ không nổ là 2,35% hoặc thấp hơn, dựa trên các cuộc thử nghiệm bắn đạn thật được thực hiện vào năm 2020.

Tranh cãi

Trong bối cảnh chiến sự leo thang gần đây, pháo binh trở thành lực lượng chủ lực trong các mặt trận ở miền nam và miền đông Ukraine.

Một quả bom chùm được tìm thấy tại thành phố tiền tuyến Avdiivka, Ukraine hồi tháng 3-2023 - Ảnh: GETTY IMAGES

Một quả bom chùm được tìm thấy tại thành phố tiền tuyến Avdiivka, Ukraine hồi tháng 3-2023 - Ảnh: GETTY IMAGES

Đài CBS (Mỹ) dẫn lời nhà nghiên cứu Sidharth Kaushal, Tổ chức Tư vấn quốc phòng và an ninh (RUSI), cho biết bom chùm đặc biệt hữu ích để tiêu diệt số lượng lớn bộ binh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã hoan nghênh việc Mỹ gửi bom chùm cho nước này.

Ông tuyên bố sẽ chỉ dùng bom chùm để giải phóng các lãnh thổ của nước này đang bị Nga kiểm soát, đồng thời cam kết không dùng nó để tấn công vào lãnh thổ của nước Nga được quốc tế công nhận chính thức.

Tuy nhiên, vấn đề bom chùm trở nên đặc biệt nhạy cảm, khi Đại sứ quán Nga tại Washington gọi quyết định viện trợ bom chùm của Mỹ cho Ukraine là "tội ác chiến tranh".

Động thái viện trợ bom chùm cho Ukraine của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng vấp phải sự phản đối của một số đảng viên Đảng Dân chủ và những người đấu tranh nhân quyền tại Mỹ.

Nhiều đồng minh NATO như Ý, Tây Ban Nha, Đức và Anh cũng bày tỏ lo ngại và phản đối quyết định trên của Mỹ.

Mỹ, Nga không tham gia CCM

Công ước về bom, đạn chùm (CCM) là một hiệp ước quốc tế do 123 quốc gia ký kết vào năm 2008 và chính thức có hiệu lực vào năm 2010. CCM nghiêm cấm việc sử dụng, sản xuất, vận chuyển và tàng trữ loại vũ khí này.

CCM ra đời từ quyết tâm của tập thể nhằm giải quyết các hậu quả và tác hại không thể chấp nhận với dân thường do bom chùm gây ra.

Mỹ, Ukraine và nhiều đồng minh NATO như Latvia, Ba Lan, Phần Lan không ký kết CCM. Nga và đồng minh thân cận Belarus cũng không nằm trong CCM.

Nga tăng chỉ trích Mỹ về bom chùm chuyển cho UkraineNga tăng chỉ trích Mỹ về bom chùm chuyển cho Ukraine

Đại sứ quán Nga tại Mỹ nói Nhà Trắng trên thực tế đã thừa nhận phạm tội ác chiến tranh khi gửi bom chùm cho Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp