Biện pháp chống “bom bẩn” của gia đình ông Ngô Đình Trang: căng bạt che toàn bộ lầu 2 và bắn tôn che chắn tầng trệt - Ảnh: N.N. |
"Bom bẩn" ở đây chính là mắm tôm, ruột cá thối, dầu nhớt, phân người, sơn nước....
Tình trạng này gần đây lại “nở rộ” và có diễn biến phức tạp nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp giải quyết, ngăn chặn triệt để. Nguyên nhân chỉ vì liên quan đến tiền bạc, trong đó có cả thù hằn cá nhân.
Trân mình chịu đựng
Cần phải xử lý hình sự Luật sư Phan Thị Lam Hồng - phó trưởng văn phòng luật sư Interla - cho biết: “Tra tấn bằng “bom bẩn” là một hình thức phạm tội không phải mới nhưng hành vi ngày càng gia tăng, tác động xấu cho xã hội nói chung và cá nhân bị gây rối nói riêng. Đây là hiện trạng trong cuộc sống nhưng vẫn chưa có chế tài để áp dụng." "Ném chất thải vào nhà người khác là hành vi cố tình xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, thậm chí đến tính mạng của người bị gây rối. Bây giờ chưa có quy định nào về hành vi này." "Cần phải áp dụng những nội dung phạm tội tương tự để xử lý hình sự chứ không thể xử phạt hành chính. Nếu chỉ dừng lại ở phạt hành chính thì đây là khe hở để tội phạm lộng hành”. |
Hơn một năm nay, gia đình ông Ngô Đình Trang (74 tuổi, ở P.Nghĩa Đô, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) sống trong tâm trạng thấp thỏm, hoang mang vì bị các đối tượng đòi nợ liên tục khủng bố bằng mắm tôm, sơn, phân hỗn hợp... Vì vậy, mặc thời điểm trời nắng nóng nhưng căn nhà của ông vẫn phải che chắn.
Nét mặt còn chưa hết lo lắng, bà Chu Thị Hải Lộc (vợ ông Trang) cho biết: “Tình trạng này diễn ra từ tháng 6-2013. Tính đến nay, gia đình tôi bị nhiều đối tượng lạ mặt “khủng bố” đến 20 lần, hơn một năm trời phải tìm cách đối phó. Đêm 29 tết, nhà tôi còn bị quẳng vào hai chai thủy tinh đựng mắm tôm trộn phân khiến gia đình ai cũng sợ hãi”.
Theo bà Lộc, nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do cô con dâu chơi cờ bạc, nợ nần khiến ông bà phải chịu hậu quả. Mặc dù con dâu và con trai bà Lộc đã ly hôn nhưng nhóm đòi nợ thuê vẫn đến dọa nạt, quấy rối gia đình.
“Lần nào lên gửi đơn, bên công an phường cũng hứa sẽ cử người mai phục để tóm gọn những đối tượng này nhưng suốt hơn một năm trời gia đình tôi cứ phải sống trong lo lắng và hoang mang” - bà Lộc bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Sửu (ở đường Đê La Thành, Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết gia đình bà nhiều lần bị khủng bố bằng mắm tôm và sơn nước.
Nguyên nhân dẫn đến nhà bà bị “khủng bố” là do một người cháu trong họ hàng có vay tiền bên ngoài với lãi suất cao nhưng không có khả năng trả nên đối tượng xấu đã tìm đến nhà bà hù dọa đòi tiền rồi tấn công bằng “bom bẩn”.
Bà Sửu nói: “Gia đình tôi cho một người khác thuê lại tầng 1 để kinh doanh đồ gỗ. Những lần ném mắm tôm, tôi phải dùng bạt để che chắn. Nhưng cách đây khoảng một tuần, trong lúc chủ cửa hàng đang lau dọn thì có ba thanh niên dùng sơn nước hắt trực tiếp vào hàng hóa bên trong làm thiệt hại hơn 10 triệu đồng."
"Đến hôm nay tôi vẫn chưa có tiền bồi thường cho họ. Tình trạng này còn tiếp diễn thì chúng tôi đành phải cho chủ hàng đóng cửa không kinh doanh nữa. Tôi đã làm đơn gửi công an phường, công an quận rồi nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm”. - bà Sửu cho biết.
Chị H. - người thuê lại tầng 1 của gia đình bà Sửu bán đồ gỗ - vẫn chưa hết lo sợ, vừa tiếp chuyện chúng tôi chị vừa chỉ tay vào những vết sơn còn mới trên cánh cửa và trong gian hàng mới bị đối tượng xấu hắt vào. Chị cho biết không chỉ cửa hàng nhà chị mà rất nhiều hộ dân trên đường Đê La Thành cũng bị “tra tấn” bằng “bom bẩn”.
Chị H. cho biết mới đầu có một số thanh niên đến cửa hàng chửi bới, sau đó dùng mắm tôm và nhiều tạp chất hôi thối khác ném vào cửa hàng. Những lần họ đến đây thường đi một nhóm.
“Chúng tôi chỉ là người thuê lại cửa hàng chứ không liên quan gì đến vay nợ. Chỉ mong sao cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời để chúng tôi yên tâm kinh doanh”. - chị H. nói.
Nhiều năm bị hành bởi “bom bẩn”
Đến con hẻm nhỏ dẫn vào gia đình ông Đào Văn Đức (72 tuổi) và bà Lê Thị Tháng (69 tuổi) nằm sâu trong P.Khương Thượng, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, khi được hỏi về việc bị ném chất bẩn vào nhà, những người hàng xóm của ông Đức vẫn không khỏi rùng mình vì ghê sợ.
Bà Nguyễn Thị Hải, người dân sống gần đó, cho biết: “Ban đầu những thanh niên bặm trợn ném ban đêm để không bị phát hiện, sau đó ngang nhiên giữa ban ngày. Hàng xóm không ai dám can thiệp vì một tay họ cầm “bom bẩn”, một tay cầm dao. Suốt mấy năm như vậy hai ông bà lau đi dọn lại, khổ cực lắm. Có nhiều lần chất thải văng tung tóe vào các hộ dân bên cạnh”.
Ông Hạnh, người dân sống cùng phường gia đình bà Tháng, cho hay nhiều đêm đi ngang qua thấy trước cửa nhà bà Tháng dính đầy chất bẩn, bốc mùi hôi nồng nặc.
Chuyện đã lắng xuống một thời gian nhưng ông bà Đức - Tháng vẫn không giấu được nỗi buồn rầu, sợ hãi nhóm người lạ mặt ném “bom bẩn”.
Gia đình bà đã báo công an rồi lắp cả camera nhưng tình trạng không dừng lại mà còn gia tăng mức độ. “Nghĩ lại, tuần nào cũng bị tra tấn mà thấy khổ sở” - bà Tháng nói. Có lần các đối tượng này còn dùng cả loại khóa chống trộm cỡ lớn để khóa cửa nhà bà lại khiến cả nhà không ra ngoài được.
Được biết, nguyên nhân dẫn tới việc gia đình bà Tháng bị ném “bom bẩn” là do người con của ông bà làm ăn thua lỗ, nợ một nhóm người ở gần nhà số tiền lớn nhưng chưa có tiền trả.
Trong khi đó, chỉ vì phản đối việc người hàng xóm lấn chiếm đất công ở khu vực bốt điện Hồ Cá 1 (tổ 100, P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa, Hà Nội) xây dựng nhà trái phép, gia đình bà Phạm Diệp Lục (66 tuổi, ở đường Võ Văn Dũng, P.Ô Chợ Dừa) liên tiếp bị kẻ xấu ném chất thải, mắm tôm, dầu nhớt vào nhà.
Hiện thềm, tường nhà bà Lục vẫn còn rõ dấu vết của dầu nhớt, vết bẩn lem nhem của sơn, chất thải do bị ném trước đó.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội) Võ Hồng Phương cho biết từ năm 2013, Công an TP Hà Nội đã có kế hoạch, dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn những hình thức “khủng bố” mới - ném “bom bẩn” các loại vào nhà dân. “Chúng tôi đã phục kích để bắt rất nhiều đối tượng có liên quan đến vụ việc và đã xử lý theo pháp luật. Nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự và phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục bố trí lực lượng phục kích để giải quyết dứt điểm tình trạng nói trên” - ông Võ Hồng Phương nhấn mạnh. Đại tá Nguyễn Trọng Thái - trưởng Công an Q.Ba Đình - cho biết trong thời gian gần đây trên địa bàn Q.Ba Đình xuất hiện nhiều vụ ném chất thải bẩn vào nhà dân. Mặc dù cơ quan chức năng cũng đã thường xuyên phục kích, ngăn chặn những trường hợp vi phạm, tuy nhiên do hình thức xử phạt các đối tượng này chủ yếu là phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Đại diện Công an Q.Cầu Giấy cũng cho biết thời gian gần đây trên địa bàn quận có nhiều kiểu đòi nợ bằng cách ném chất thải vào nhà người khác. Công an Q.Cầu Giấy cũng đã triển khai nhiều kế hoạch để ngăn chặn và giải quyết các vụ tấn công bằng “bom bẩn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận