Hai thí sinh Minh Thảo và Kiếm Hào trong cuộc thi Thần tượng bolero - một chương trình đang nhận được sự quan tâm cũng như dư luận trái chiều về các tiết điệu, ca khúc dự thi, phong cách, lối xử lý ca khúc của từng thí sinh - Ảnh: Châu Quốc Hùng |
Những phản ứng của khán giả về các chương trình thi hát bolero trên truyền hình ngày càng nhiều. Chỉ bằng cảm quan của người nghe và của nhiều thế hệ sống với bolero ở miền Nam, người ta cảm thấy có cái gì đó là lạ trong cách trình diễn, trong tiếng hát.
Dĩ nhiên khán giả thì không có khả năng diễn đạt như những nhà chuyên môn, nhưng với họ, dường như đó không còn là món ăn “gốc” mà họ đã tận hưởng.
Không ít người yêu bolero vẫn mong muốn nhìn thấy diện mạo đúng và quen thuộc của dòng nhạc mình yêu thích. Cách tân - tạm gọi như vậy - nên là một thay đổi mang tính cách mạng của từng cá nhân, bởi cảm nhận riêng của nghệ sĩ - hơn là một cuộc ép uổng đại trà |
Lạc trong làn sóng mới và lạ
Anh Triệu Mây - thành viên của một nhóm du ca - nói rằng anh khó “nhập” được kiểu cách của các chương trình bolero sau này trên truyền hình. “Đôi khi nghe mấy em nhỏ nghiệp dư hát, tải trên Facebook, dường như thấy gần gũi hơn” - anh Mây nói.
Nếu lưu tâm cũng thấy, các chương trình huấn luyện người hát bolero trong các chương trình game show có mặt tích cực, nhưng cũng có điều đáng lo khi người hát được nắn nót theo ý kiến các “huấn luyện viên” một cách chủ quan.
Lằn ranh của nhạc quê hương, nhạc pop và cả các kỹ thuật thanh nhạc theo kiểu trường lớp cổ điển ngày càng trở nên mong manh. Rất dễ thấy các thí sinh bolero có lối hát ngân rung mạnh mẽ và rền vang như opera trong một tình khúc êm dịu.
Hoặc cách nhả chữ âm Bắc khỏe và cứng - điều hết sức tế nhị trong trình diễn bolero - được giữ nguyên trong nhiều bài thi hát gần đây.
Bolero đang trở lại nhộn nhịp, vui ở đó nhưng lo cũng ở đó.. -Ảnh tư liệu. |
Trong lịch sử bolero ở Việt Nam, không hề có trường nhạc nào đào tạo thể loại này, mà chỉ có các “lò” đào tạo, chọn lựa và đào tạo hết sức hạn chế, vì tránh sản xuất ca sĩ hàng loạt.
Việc tạo công thức trình diễn bolero trên sân khấu, cũng như công nghiệp hóa số lượng đông đảo ca sĩ dự thi bolero, có thể làm mòn mỏi các góc cạnh sắc bén nhất của dòng nhạc này.
Bolero, tên gọi mới mẻ của dòng nhạc dân dã và phổ biến của miền Nam từ thập niên 1950, có những nguyên tắc không thành văn của nó, đôi khi ngược lại các quy chuẩn thanh nhạc trường lớp.
Ví dụ, lối hát giọng mũi là một phương thức đặc biệt của bolero, nhưng lối hát này thường bị triệt tiêu trong các bài học thanh nhạc du nhập bởi được cho là không chuẩn.
Melissa là một kỹ thuật tạo hoa mỹ cho nốt và câu nhạc nhưng định dạng của nhạc pop phương Tây hoàn toàn khác biệt với sự mềm mại và chia chữ của nhạc bolero Việt Nam.
Thế nhưng gần đây, ngoài việc các thí sinh hát theo lối bản năng thì còn lại đều hát theo phong cách melissa bị “lai”.
Đó là một trong những những lý do mà người nghe bolero truyền thống cảm thấy mình lạc trong làn sóng quá “mới” và “lạ” đó.
Quang Dũng, Quang Linh, Cẩm Ly và Đan Trường biểu diễn trong chương trình Thần tượng Bolero. -Ảnh tư liệu. |
Đừng ép uổng đại trà
Vượt qua những giai đoạn dài đầy khó khăn, rồi được nhìn nhận, chưa bao giờ người ta thấy dòng nhạc bolero được hưởng ứng như hiện nay. Bolero không còn là món ăn tinh thần của riêng miền Nam, mà ở đâu người ta cũng nghe, cũng hát và cùng vui với nó.
Tuấn - một người ở Đà Lạt - chỉ nghe nhạc jazz cho đến năm 50 tuổi, đột nhiên cảm thấy mình yêu thích bolero một cách bất ngờ. Anh nhờ mua những CD nhạc bolero để thưởng thức, nhưng lại dặn dò hết sức cẩn thận “nhớ tìm những bản có lối hát cũ, chứ đừng như kiểu mới hiện nay”.
Ngay lúc này, nếu nghe qua bolero của truyền hình Việt Nam và băng đĩa bolero được bảo tồn ở các cộng đồng hải ngoại, có thể nhận ra sự khác biệt đó. Việc ở xa và thận trọng với một dòng nhạc quý, hơn là giá trị thương mại, khiến bolero ở trong các cộng đồng xa xứ là thước đo hết sức khắt khe, không phải dễ để giành được vị trí trong lòng người, rất khác với hiện trạng “thần tượng” hay “ngôi sao” hằng tuần, hằng tháng, thậm chí là theo mùa ở Việt Nam lúc này.
Không ít người yêu bolero vẫn mong muốn nhìn thấy diện mạo đúng và quen thuộc của dòng nhạc mình yêu thích. Cách tân - tạm gọi như vậy - nên là một thay đổi mang tính cách mạng của từng cá nhân, bởi cảm nhận riêng của nghệ sĩ - hơn là một cuộc ép uổng đại trà.
Các game show âm nhạc đang đua tranh dàn dựng một thế hệ mới trình diễn bolero, hết sức chủ quan, nhưng lại không ít lần khoác cho bolero một chiếc áo hiện đại gượng ép và biến một lớp thí sinh vội vã thành ca sĩ theo tiến độ chương trình.
“Đừng cố hát bolero” - câu nói của ca sĩ Tùng Dương không phải không có lý. Có quá nhiều người hát trẻ tin rằng mình dễ thành đạt bằng dòng nhạc này cùng các chương trình game show nhưng không biết rằng sự vội vã và non nớt của mình có thể biến thành nhàm chán và làm hại cảm giác của khán giả đối với dòng nhạc này.
Bolero đã vượt qua rất nhiều định kiến, vượt qua rất nhiều sự ghét bỏ bởi sự phổ thông và bình dân tính của nó. Hôm nay, việc khoác cho bolero một chiếc áo đẹp và nâng tầm mức lên sóng truyền hình của hàng triệu người là một hành động đáng trân trọng.
Nhưng bên cạnh đó cũng cần một ban tổ chức có tầm, có chuyên môn và sự cẩn trọng với vốn quý đó, để áp dụng những phương thức đúng giúp bolero không trở nên xa lạ và dễ dãi với công chúng.
Nếu không, bolero sẽ quay lại thời kỳ đen tối của nó khi bị lạm dụng và trở thành đối tượng chỉ trích vô tội vạ của giới truyền thông.
Ca sĩ Phi Nhung hát nhạc bolero trong chương trình Những tình khúc vượt thời gian chủ đề nhạc Hoàng Thi Thơ - Ảnh: Gia Tiến |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận