06/06/2019 16:30 GMT+7

Bơi xuồng hàng chục cây số đưa trẻ đi tiêm chủng

HỒNG HÀ
HỒNG HÀ

TTO - Ở đất mũi Cà Mau, để đến được điểm tiêm chủng, nhiều gia đình phải lặn lội hàng chục cây số trên xuồng. Những ngày nước ròng lớn xâm xấp mép cầu, đường trơn trượt, đưa con đến điểm tiêm là việc rất khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý, trưởng Trạm y tế xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, đã rời quê nhà ở thành phố Bạc Liêu đến vùng đất này 13 năm. Thế nhưng con đường ngay trước cổng trạm y tế cũng mới có cách đây 7-8 năm, và cũng mới chỉ có 3/11 ấp của xã có đường giao thông, còn lại tất cả đi bằng xuồng.

Bơi xuồng hàng chục cây số đưa trẻ đi tiêm chủng - Ảnh 1.

Gia đình đưa bé rời xuồng lên trạm y tế tiêm chủng - Ảnh: TẤN THÁI

Để đến được điểm tiêm vào lúc 8h sáng 3-6, cha mẹ bé Nguyễn Trần Tuấn Kiệt, hơn 4 tháng tuổi, phải đi xuồng hơn 6km từ ấp Nà Chiêm ra trạm y tế. Ba bé ẵm con, còn mẹ bé xách lỉnh kỉnh đồ đạc dành cho trẻ em. Mỗi đợt đi tiêm chủng như thế này, cả đường đi và về gia đình Tuấn Kiệt phải dành tới gần 1 giờ đồng hồ.

Bơi xuồng hàng chục cây số đưa trẻ đi tiêm chủng - Ảnh 2.

Cha mẹ bơi xuồng đưa con đi tiêm, hình ảnh quen thuộc trong những ngày 1-6 hằng tháng ở Lâm Hải - Ảnh: TẤN THÁI

Nhưng đó chưa phải là quãng đường xa nhất để đến trạm y tế. Diện tích xã Lâm Hải rất rộng, có ấp cách trạm y tế 500m nhưng đoạn cuối ấp cách trạm 10km. Ba ấp có đường nhựa đi lại còn đỡ, 8 ấp chưa có đường, muốn đưa con đến phải đi xuồng. Chị Trần Thị Huyền Như, mẹ bé Gia Hạo 18 tháng tuổi ở ấp Biển Trượng, kể ngày nắng còn đỡ, ngày mưa đưa con ra trạm rất khó khăn.

Bơi xuồng hàng chục cây số đưa trẻ đi tiêm chủng - Ảnh 3.

Cha mẹ, ông bà nghe bác sĩ tư vấn tại trạm y tế - Ảnh: TẤN THÁI

Khó khăn vậy nhưng xem sổ tiêm chủng thì ai cũng ngạc nhiên: Bé Gia Hạo sinh ở Đồng Nai khi mẹ lên đó làm công nhân, đã tiêm vắcxin ngừa lao và viêm gan B mũi đầu ở đó. Khi bé 2 tháng tuổi về lại quê nhà, bé đã tiêm đủ các mũi 5 trong 1, sởi, OPV, dù mỗi lần đi tiêm ngừa phải đi xuồng hơn 6km cả đi và về.

Trạm y tế xã Lâm Hải gây ngạc nhiên cho tất cả chúng tôi, bởi chưa ở đâu toàn bộ sàn nhà trạm y tế xã được lau sạch mỗi ngày. Bác sĩ Trần Thiện Thanh - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Năm Căn - chia sẻ ông đã làm việc ở huyện này hơn 30 năm trước, những ngày đầu tiên làm tiêm chủng ở đây rất khó khăn, phương tiện giữ lạnh vắcxin không có, đi vận động được các cháu ra tiêm chủng thì có khi trời đã sang chiều, vắcxin đã đục phải bỏ.

Bơi xuồng hàng chục cây số đưa trẻ đi tiêm chủng - Ảnh 4.

Bác sĩ Quý (thứ 3 từ trái qua) tư vấn cho bà mẹ về các mũi vắcxin cần tiêm tại một gia đình trẻ ở ấp Biển Trượng, xã Lâm Hải. Bác sĩ Quý thường xuyên có những buổi tư vấn tại gia đình như thế này - Ảnh: TẤN THÁI

"Chúng tôi thực hiện tiêm chủng thường xuyên từ ngày 1-6 hằng tháng để đảm bảo tập trung và tiết kiệm vắcxin. Những năm gần đây người nuôi tôm khó khăn nên nhiều thanh niên đi làm công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương, các bạn trẻ đưa vợ con đi theo nên cán bộ y tế cũng gặp khó khăn khi báo thông tin tiêm chủng cho gia đình. Tuy nhiên tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ dưới 1 tuổi của chúng tôi năm 2018 vẫn đạt trên 97%, chiến dịch tiêm sởi - rubella đạt trên 95%.

Ở phòng theo dõi sau tiêm, chúng tôi gặp một bà mẹ ẵm con chờ 30 phút sau tiêm tại trạm. Chị cho biết đã sử dụng dịch vụ nhắn tin báo lịch tiêm chủng nên không quên bất kỳ mũi tiêm nào. Hỏi chị cách theo dõi trẻ sau tiêm, chị cho biết sáng đã cho con bú no rồi đưa đi tiêm, khi bé về chị và gia đình luôn theo dõi kỹ, nếu thấy bé sốt trên 39 độ sẽ đưa lại trạm y tế. 

Bác sĩ Quý cũng cho biết điện thoại của các cán bộ trạm luôn mở 24/24 giờ để các bà mẹ có thể báo tin mỗi khi có thắc mắc tiêm chủng.

Bơi xuồng hàng chục cây số đưa trẻ đi tiêm chủng - Ảnh 5.

Chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ ở Trạm y tế xã Lâm Hải - Ảnh: TẤN THÁI

Nhờ tiêm chủng, những năm gần đây Năm Căn không có bệnh nhân ho gà, uốn ván, năm 2018 không có bệnh nhân nào mắc sởi, người mắc lao cũng giảm rất nhiều. So với các tỉnh đồng bằng, mỗi bác sĩ trụ lại ở vùng xa của Đất Mũi là mỗi người anh hùng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, vì trụ lại ở đây cần phải có tình yêu nghề nghiệp lớn lao. Thế mà Trạm y tế xã Lâm Hải có tới 2 bác sĩ chuyên khoa I. Họ đã dành tuổi trẻ cho mảnh đất này nở hoa.

Bơi xuồng hàng chục cây số đưa trẻ đi tiêm chủng - Ảnh 6.

Một ông bố đưa con đi tiêm chủng - Ảnh: TẤN THÁI

Bơi xuồng hàng chục cây số đưa trẻ đi tiêm chủng - Ảnh 7.

Để đến được điểm tiêm, các ông bố, bà mẹ phải ẵm con bơi xuồng từ sáng sớm như thế này - Ảnh: TẤN THÁI

Bơi xuồng hàng chục cây số đưa trẻ đi tiêm chủng - Ảnh 8.

Thầy thuốc tận tình tư vấn về tiêm chủng tại Trạm y tế Lâm Hải - Ảnh: TẤN THÁI

Bơi xuồng hàng chục cây số đưa trẻ đi tiêm chủng - Ảnh 9.

Bà mẹ được hướng dẫn để trẻ tại Trạm y tế 30 phút sau tiêm để theo dõi - Ảnh: TẤN THÁI


HỒNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp