Như Tuổi Trẻ Online thông tin, theo phản ánh của cử tri TP.HCM, bảo hiểm xe máy vẫn là giấy tờ bắt buộc cần có khi người dân tham gia giao thông bằng xe máy.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người mua sản phẩm bảo hiểm này chỉ để đối phó với cơ quan chức năng, thay vì quan tâm đến quyền lợi.
Do đó, cử tri kiến nghị điều chỉnh quy định về mua bảo hiểm xe máy nên là hình thức tự nguyện, không nên bắt buộc người dân.
Mua thì dễ, chi bồi thường quá khó
Hoàn toàn đồng ý và ủng hộ kiến nghị này, bạn đọc Kiều Phong chia sẻ: "Tôi bị tai nạn giao thông nặng hai lần. Làm đủ loại giấy tờ theo yêu cầu để nhận bồi thường bảo hiểm nhưng không lần nào nhận được tiền vì các yêu cầu kiểu như đánh đố".
Cùng quan điểm, độc giả Anh Vũ nêu ý kiến: "Ủng hộ đề xuất hợp lý này. Chỉ những người từng liên quan đến bồi thường bảo hiểm xe máy mới thấy được quy trình này gian nan và nhiêu khê như thế nào".
"Đúng là mua thì dễ, bồi thường thì khó. Không nên bắt buộc chủ phương tiện mua bảo hiểm xe máy" - bạn đọc Vy Oanh bình luận.
Theo bạn đọc Trang Nguyễn: "Nên bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm đối với xe máy. Người dân ai có nhu cầu thì mua, không thì thôi".
Bạn đọc Thanh cho biết: "Bồi thường bảo hiểm 500.000 đồng mà chi phí đi tới đi lui hết 700.000 đồng. Tôi ủng hộ đề xuất bãi bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe gắn máy".
"Họa hoằn mới thấy bảo hiểm bồi thường xe máy khi xe bị tai nạn, cháy nổ, trộm cắp... Vậy nên để mua tự nguyện là tốt nhất" - bạn đọc Mã Vĩnh Trinh viết.
Bạn đọc Sơn Trần: "Mua rất dễ, giá bán mỗi nơi khác nhau, thủ tục nhiêu khê, chờ đợi kết luận, giám định... quá nhiều yêu cầu khi đòi bồi thường. Kiến nghị bỏ không bắt buộc mua bảo hiểm xe máy. Chỉ nên để người mua tự nguyện".
Đồng tình, bạn đọc Tiếu Đông Phong đề nghị việc mua bảo hiểm xe máy chỉ nên tự nguyện. Nếu thực sự người mua được hưởng quyền lợi, họ sẽ chủ động mua.
Mua tự nguyện theo nhu cầu, mức cao thấp khác nhau
Theo tài khoản pham****@gmail.com: "Nên để người dân mua bảo hiểm xe máy tự nguyện và theo nhu cầu các mức cao thấp khác nhau. Có như vậy mới khuyến khích người dân mua để được bảo vệ".
"Nếu vẫn bắt buộc mua thì phải quản lý nghiêm công ty bảo hiểm làm cho đúng luật" - bạn đọc có nickname nt11nar nêu ý kiến.
Còn bạn đọc diem****@gmail.com bày tỏ: "Nếu đại diện công ty bảo hiểm có mặt trong vụ tai nạn kịp thời để xác minh vụ việc thì bảo hiểm xe máy là cần thiết.
Còn nếu tai nạn xảy ra người dân không có cơ hội để có đủ chứng cứ cung cấp cho các cơ quan chức năng thì bảo hiểm xe máy chỉ là hình thức".
Bạn đọc Nguyễn Đình cho hay: "Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng một giờ doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn chủ xe hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường. Trong vòng 24 giờ tổ chức giám định tổn thất, xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Quy định là vậy nhưng thực tế thế nào thì mọi người đều đã biết!".
Bảo hiểm xe máy rất cần thiết
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Hồ Thị Ngọc Như - chuyên gia của Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM) - nhận định bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới (bảo hiểm xe máy) là sản phẩm rất cần thiết.
Khi một người gây tai nạn cho người khác, bảo hiểm sẽ bồi thường cho nạn nhân. Điều này giúp giảm gánh nặng tài chính, không phải bỏ tiền túi ra bồi thường, đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn.
"Trên thực tế, tôi cũng chứng kiến một số trường hợp được bảo hiểm chi trả thuốc men, điều trị... Tuy nhiên, diễn biến này dường như khá thiểu số.
Nhiều người dân hiện tại mua bảo hiểm này vì đối phó với cơ quan chức năng, chứ không có niềm tin khi xảy ra sự cố sẽ được bồi thường, đồng thời cảm thấy phiền hà khi phải làm việc với một số bên", bà Như nói.
Vì vậy, điều quan trọng là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phải có quy trình rõ ràng, giải pháp, cơ chế giám sát việc xử lý bồi thường một cách rốt ráo, nhanh gọn, giúp người dân tin tưởng.
Khi đó, bảo hiểm xe máy mới thực sự phát huy vai trò an sinh xã hội".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận