Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: Cổng TTQH |
Sáng 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: qua một số vụ như (Bắc Giang), (Bình Thuận) và sắp tới là vụ (Bắc Giang), các cơ quan tiến hành tố tụng thấy khó khăn vướng mắc nhất trong giải quyết bồi thường oan sai là vấn đề gì?
Mức thỏa thuận cho ông Nén chênh lớn với ông Chấn
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết qua các vụ bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén và nhiều vụ khác nữa, cái khó là định lượng để xác định bồi thường. Còn tiền để bồi thường không có gì khó khăn, Bộ Tài chính sẵn sàng đáp ứng.
"Tuy nhiên, về nguồn vốn để bồi thường cũng bị áp lực khác. Dư luận xã hội cũng như trên diễn đàn Quốc hội có đặt ra vấn đề là tiền thuế của nhân dân đóng góp không phải là tiền để các cơ quan mang đi bồi thường cho sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Cái khó nữa, theo người đứng đầu TAND tối cao, trong giải quyết bồi thường oan sai, những khoản vận dụng rất dễ, ví dụ như chi phí tính trên thu nhập tối thiểu của người dân, từ đó nhân với những ngày bị tù oan. Song cũng có những khoản rất lớn nhưng lại hoàn toàn mang tính định tính không thể định định lượng được, tạo ra sự tùy nghi, ví dụ như tổn hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần.
Ông cho rằng nếu không quy định cụ thể thì rất khó cho cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường.
Ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, các cán bộ giải quyết vụ việc vận dụng bồi thường, khi tiến hành kiểm điểm lại thì tất cả các cơ quan liên quan nói việc vận dụng bồi thường cho ông Chấn dẫn khoản bồi thường quá cao (7,2 tỷ đồng).
"Hiện chúng tôi đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận để bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, nếu như theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén rất hạn chế và chênh lệch khá cao so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén 17 năm" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Vợ con người bị oan phải được bồi thường
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh yêu cầu của luật là phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp quy định.
Đồng thời, đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp, tránh việc ban hành luật mà cơ quan tư pháp lại chùn tay trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Về đối tượng được bồi thường, bà Nga bày tỏ: “Một người bị tù oan thì cả dòng họ, con cái của họ bị thiệt hại rất nặng chứ đâu phải bản thân họ. Do đó, bồi thường không chỉ đối với bản thân người bị oan, mà còn phải bồi thường cho vợ con họ, những người chịu thiệt hại do người thân của mình vướng vào vòng lao lý oan”.
Đồng tình với Chánh án Nguyễn Hòa Bình, bà Nga cho rằng trong chứng minh thiệt hại để xác định mức bồi thường cần có quy định cụ thể, dễ thực hiện, bởi vì nếu cứ buộc người ta có hóa đơn, chứng từ thì người ta sẽ không đáp ứng hết được.
“Đồng thời phải xác định lỗi cụ thể của người có trách nhiệm như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để yêu cầu họ bồi hoàn cho ngân sách nhà nước. Khoản bồi hoàn này cũng phải xứng đáng để họ có trách nhiệm hơn” - bà Nga nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển gợi ý nên quy định mức bồi thường cho các tổn thất về tinh thần, danh dự theo quy đổi mức lương cơ sở. Việc xác định tổn thất tinh thần cần lấy cơ sở từ tính chất các loại vụ án, thời gian người bị oan phải chịu oan sai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận