07/02/2018 10:09 GMT+7

'Bội thực' giáo sư, phó giáo sư: có nương tay khi xét duyệt?

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Nhiều ứng viên giáo sư, phó giáo sư tranh thủ thời hạn còn lại của tiêu chuẩn cũ để nộp hồ sơ, còn các hội đồng ngành liệu có 'nương tay' khi xét duyệt?

Bội thực giáo sư, phó giáo sư: có nương tay khi xét duyệt? - Ảnh 1.

Các nhà khoa học trong một buổi lễ trao giấy chứng nhận chức danh phó giáo sư - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chỉ dựa vào những tiêu chuẩn hình thức, không đúng với chuẩn mực quốc tế, những người háo danh sẽ dễ tìm cách chen chân

PGS PHẠM ĐỨC CHÍNH

Số tân giáo sư, phó giáo sư năm 2017 tăng một cách kỳ lạ: 1.226 tân giáo sư, phó giáo sư.

Theo đó, thống kê của Hội đồng chức danh GS Nhà nước (HĐCDGSNN) cho thấy: trong vòng 35 năm (1980 - 2015), cả nước có 11.619 giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS). Vậy mà chỉ riêng năm 2017, số lượng trên lại tăng đột biến.

Kết quả nghiên cứu: tụt. Số lượng GS, PGS: tăng

Thực tế, tình trạng "chạy nước rút" của các ứng viên trước một giai đoạn đổi mới về tiêu chuẩn phong GS, PGS không phải lần đầu tiên mới diễn ra. 

Gần đây nhất, số lượng GS, PGS năm 2016 cũng tăng vọt so với các năm trước đó với hơn 700 GS, PGS được vinh danh. Lý do: từ năm 2017, tiêu chuẩn GS sẽ khắt khe hơn, bắt buộc có công bố quốc tế nên các ứng viên gấp rút làm hồ sơ.

HĐCDGSNN nhiều năm qua vẫn cho rằng số lượng GS tại VN còn rất khiêm tốn so với các nước khi tính trên tỉ lệ dân số. Nhưng với phần đông dư luận, những thành tựu khoa học trong nước vẫn chưa tương ứng với sự tăng trưởng liên tục về số lượng GS, PGS.

Ngay cả Bộ GD-ĐT, trong một báo cáo cũng thừa nhận VN hiện nay có khoảng 9.000 GS, PGS và trên 24.300 TS, nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của VN tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN. 

Trong thời gian 10 năm (1996 - 2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia, 1/14 so với Singapore.

"Những người háo danh dễ tìm cách chen chân"

Tâm lý của nhiều ứng viên là cố tranh thủ thời hạn còn sót lại của tiêu chuẩn cũ để nộp hồ sơ, vậy các hội đồng ngành liệu có tâm lý "nương tay"? 

Trả lời Tuổi Trẻ, GS.TS Lê Chí Quế - chủ tịch hội đồng chức danh GS ngành văn học - cho rằng ông không có đủ dữ liệu để đánh giá các hội đồng khác nhưng ở hội đồng văn học, việc xét công nhận chức danh GS, PGS năm nay vẫn được thực hiện nghiêm túc như các năm trước.

Theo đó, có 18 ứng viên PGS, 2 ứng viên GS nộp hồ sơ, nhưng kết quả cuối cùng toàn ngành có 17 người được công nhận PGS, 1 người được công nhận GS.

Tuy nhiên, số lượng này vẫn cao hơn mọi năm, so với năm 2016 thì tăng thêm hơn 30%. Theo GS Quế, sự gia tăng hồ sơ có thể do dự báo từ năm 2019, các tiêu chuẩn để công nhận chức danh GS, PGS cao hơn, nhất là tiêu chuẩn về bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus. Nhiều người muốn tránh "đụng" phải những quy định mới nên cố gắng tham gia "chuyến tàu cũ" này. 

Vậy nếu áp tiêu chuẩn các ứng viên phải có bài báo ISI như dự kiến thực hiện trong những năm tới, bao nhiêu người được công nhận chức danh GS, PGS năm nay đạt? "Thực tế trong các ứng viên ngành văn học năm nay, chỉ có một nữ ứng viên kê khai có bài báo đăng trên tạp chí ISI" - GS Quế nói.

Nhận định về đợt xét GS, PGS năm nay, PGS Phạm Đức Chính - Viện Cơ học, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN - cho rằng trong số những người được vinh danh "vẫn có những người chất lượng chưa cao, cố vét đợt này để tránh các tiêu chuẩn mới". 

"Chỉ dựa vào những tiêu chuẩn hình thức, không đúng với chuẩn mực quốc tế thì những người háo danh sẽ dễ tìm cách chen chân. Trong khi có trường hợp rất đáng tiếc ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vượt trội về số công bố quốc tế lại không được xét chỉ vì thiếu tiêu chuẩn về sách - điều mà thế giới không đưa vào tiêu chuẩn" - PGS Chính nhận định.

Được biết, vị PGS của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (được cả hội đồng cơ sở và hội đồng ngành đề nghị đặc cách công nhận GS) là một nhà khoa học đi đầu về nghiên cứu vật lý ứng dụng tại VN, thực hiện được nhiều hợp đồng phát triển và chuyển giao công nghệ đem lại hiệu quả kinh tế cao, có giá trị xuất khẩu, sở hữu hơn 200 bài báo (trong đó hơn 60 bài báo quốc tế)... 

Tuy nhiên, chỉ vì chưa đạt đủ điểm về sách nên không được HĐCDGSNN thông qua. Oái oăm là nếu áp dụng quy định của dự thảo mới, ứng viên này đạt chuẩn GS mà không cần đặc cách!

Để ngăn "bội thực"

GS Lê Tuấn Hoa - thành viên hội đồng chức danh GS ngành toán học, nguyên viện trưởng Viện Toán học - đề xuất có thể đặt ra chỉ tiêu GS, PGS được công nhận từng ngành dựa trên tổng số bài báo quốc tế của ngành đó được công bố hằng năm cũng như những đóng góp của ngành cho xã hội. "Còn không thì như hiện nay, có hội đồng thì chặt chẽ, khó khăn, có hội đồng thoáng tay hơn nên chất lượng không đồng đều..." - GS Hoa nói.

Theo một thành viên lâu năm ở hội đồng chức danh GS ngành, ngay cả hội đồng ngành y học khoảng 10 năm trước luôn là hội đồng khắt khe không kém ngành toán, nhưng 10 năm gần đây không còn... khó như trước.

Riêng đợt xét năm 2017, ngành y học đạt con số kỷ lục với hơn 170 tân PGS và 19 tân GS. Ở ngành kinh tế học, chỉ trong một năm cũng có thêm đến gần 80 tân GS, PGS.

Trong khi đó, đại diện cho cơ sở đào tạo, PGS.TS Trần Văn Tớp - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng nếu ví việc công nhận GS, PGS năm nay bị "bội thực" thì phải căn cứ vào nhu cầu, chứ không chỉ dựa vào việc công nhận theo tiêu chuẩn.

"Ở các nước tiên tiến, hầu như không có chuyện một đơn vị, một bộ môn lại cùng lúc có nhiều GS. Mỗi đơn vị nghiên cứu, định hướng nghiên cứu chỉ nên có một GS dẫn dắt. Nhưng ở VN hoàn toàn khác, không có định biên nên có bộ môn có đến 3 GS, mỗi người một định hướng nghiên cứu thì phát triển khoa học thế nào?" - ông Tớp nói.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp