Những người hùng bơi lội của Việt Nam ở SEA Games 31 - Ảnh: NAM TRẦN
Tối 19-5, môn bơi lội chính thức khép lại sau 6 ngày tranh tài quyết liệt. Như thường lệ, Singapore vẫn khẳng định vị thế thống trị đường đua xanh khi giành 21 trong tổng số 40 huy chương vàng (HCV).
Việt Nam thắng ở nội dung nam
Chuyện Singapore thống trị môn bơi lội không có gì xa lạ. Nhiều kỳ SEA Games qua, các kình ngư Singapore luôn giành số HCV gấp đôi đội bơi của Việt Nam. Ở SEA Games 2019, Singapore giành 23 HCV bơi lội, bỏ xa con số 10 của Việt Nam. Kết quả ở SEA Games 31 cũng không khác là bao, khi Việt Nam giành 11 HCV, kém 10 HCV so với Singapore.
Tuy nhiên, bản chất cuộc so tài giữa Singapore và Việt Nam lại đang thay đổi rõ rệt. 3 năm trước, 60% số HCV của Việt Nam là do Ánh Viên giành được, và ở SEA Games 2017, "tiểu tiên cá" chiếm đến 80% số HCV của đội nhà.
Các huấn luyện viên của Singapore từng thừa nhận rằng, khi nói về đội bơi của Việt Nam, họ chỉ chú ý đến mỗi Ánh Viên. Nhưng cho đến khi đường đua xanh bắt đầu khởi tranh ở SEA Games 31, cách nhìn của đội bơi hùng mạnh Singapore về các kình ngư Việt Nam đã phải thay đổi.
Ngay sau ngày thi đấu thứ nhất, huấn luyện viên Gary Djang (người Mỹ) của đội Singapore đã đánh giá: "Đội bơi Việt Nam rất mạnh và đều, đặc biệt là ở nội dung của nam. Mọi người luôn chú ý nhiều vào Joseph Schooling của chúng tôi, nhưng tôi nghĩ điều đó không hợp lý. Các bạn sẽ thấy đội bơi Việt Nam có rất nhiều kình ngư nam xuất sắc".
Đúng như dự đoán của huấn luyện viên Gary, các nam kình ngư Việt Nam đã có một giải đấu tưng bừng. Toàn bộ 11 HCV bơi lội của Việt Nam ở SEA Games 31 đều thuộc về các nam kình ngư và tạo nên một cột mốc lịch sử. Đó là lần đầu tiên ở SEA Games, Việt Nam giành nhiều HCV bơi lội hơn Singapore ở các nội dung của nam (các nam kình ngư Singapore chỉ giành 9 HCV).
Tỉ số 11-9 lẽ ra đã là 10-10, nếu Singapore không bị tước mất HCV tiếp sức 4x100m tự do vì lỗi nhảy phạm quy. Nhưng kể cả khi chuyện này không xảy ra, các nam kình ngư Việt Nam cũng đã thắng được Singapore ở cự ly tiếp sức 4x200m một cách "đường đường chính chính".
Chiến thắng ở nội dung tiếp sức luôn rất ý nghĩa, vì nó cho thấy sự đồng đều của đội bơi. Trong kỷ nguyên rực rỡ của Ánh Viên, cô chưa bao giờ giành được HCV tiếp sức nào vì sự chênh lệch trình độ từ các đồng đội.
Nối bước Ánh Viên, nhưng Huy Hoàng không cô độc
Trong buổi thi đấu cuối cùng, người hâm mộ bơi lội Việt Nam lại nhìn thấy một hình ảnh quen thuộc. Đó là khi Huy Hoàng lần lượt giành HCV 800m tự do, rồi sau đó là HCV 200m bướm. Hai nội dung này cách nhau chỉ khoảng 50 phút. Kết quả này làm chúng ta nhớ lại Ánh Viên - người từng có một thời "cứ 15 phút lại đấu một nội dung".
"Thật khó tin khi cậu ấy có thể làm được điều này. Việc thi đấu hai nội dung liên tiếp nhau, chỉ cách nhau hơn 30 phút và rồi cùng chiến thắng rất hiếm khi xảy ra, thường thì chỉ đến khi họ đấu nội dung tiếp sức.
Nhưng tôi quan sát từ đầu giải và nhận thấy cậu ấy không phải là kình ngư giỏi duy nhất của Việt Nam. Có ít nhất 2 VĐV khác cũng có trình độ tương đương" - huấn luyện viên Richard Piper (người Úc) của đội Indonesia nhận xét.
Chỉ tính các nội dung cá nhân, Huy Hoàng có 4 HCV ở SEA Games 31, Hưng Nguyên có 3 và Thanh Bảo có 2. Cả ba đều là những VĐV tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ.
Điều này cho thấy sự ra đi đột ngột của chuyên gia Trung Quốc Hoàng Quốc Huy không quá ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của những "học trò cưng" mà ông dìu dắt suốt nhiều năm qua. Thay vào đó, huấn luyện viên Hoàng Vũ cho biết toàn đội vẫn đang đi đúng hướng theo những giáo án mà ông Hoàng Quốc Huy vạch ra.
Đã qua rồi thời bơi lội Việt Nam chỉ có mỗi Ánh Viên là đại diện tiêu biểu ở đấu trường SEA Games. Giờ đây, Huy Hoàng, Hưng Nguyên, Thanh Bảo, hay thậm chí cả hai kình ngư Việt kiều Paul Nguyễn Lê và Jeremie Lương, đều đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với những siêu sao đến từ Singapore.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận