30/05/2023 09:40 GMT+7

Bơi lội, bao giờ phổ cập?

Liên tiếp những vụ trẻ em chết đuối thương tâm mấy tuần qua ở nhiều tỉnh thành cả nước. Đi cùng nỗi xót xa là câu hỏi chưa cũ: bao giờ trẻ được phổ cập bơi lội?

Thầy Nguyễn Viết Tước, giáo viên dạy thể dục tại Trường TH và THCS Hải Vĩnh (Hải Lăng, Quảng Trị), dạy bơi miễn phí cho học sinh trong vùng vào những dịp nghỉ hè - Ảnh: QUỐC NAM

Thầy Nguyễn Viết Tước, giáo viên dạy thể dục tại Trường TH và THCS Hải Vĩnh (Hải Lăng, Quảng Trị), dạy bơi miễn phí cho học sinh trong vùng vào những dịp nghỉ hè - Ảnh: QUỐC NAM

Phổ cập bơi, chuyện nghe nói nhiều từ mươi năm qua. Nhưng phổ cập được đến đâu? Bao nhiêu trẻ biết bơi thật sự để có thể tự cứu mình giữa dòng nước dữ?

Phổ cập bơi và sơ cấp cứu sẽ cứu được rất nhiều người. Cuộc sống sẽ tốt đẹp và hạnh phúc hơn vì những việc làm như vậy.

Học bơi trước khi học ngoại ngữ, tại sao không?

Đất nước với hơn 3.200km bờ biển, bình quân cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần trung bình thế giới. Đó là chưa kể vô số sông, suối, ao, hồ và chằng chịt kênh rạch. Chưa có thống kê chính thức nhưng nhiều người tin tỉ lệ người không biết bơi ở Việt Nam rất cao, gồm cả người lớn và trẻ em.

Năm nào cũng hàng ngàn trẻ em đuối nước. Có ngày mấy vụ. Trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm, ở nông thôn là chủ yếu. Việt Nam có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất Asean, gấp 10 lần các nước phát triển.

Ở các nước, bơi là kỹ năng sống số 1, được xếp trên kỹ năng sơ cấp cứu. Trẻ em biết bơi trước khi biết đi, được học sơ cấp cứu trước khi học ngoại ngữ, năng khiếu (đàn, ca, nhạc, họa…).

Đây là thực tế ở nước bạn dù nhiều nước không có biển, ít sông, suối, ao, hồ hơn nước ta. Mù chữ là thiệt thòi lớn nhưng mù bơi có thể chết người. Biết sử dụng nhạc cụ, vẽ tranh, chơi thể thao rất tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu biết sơ cấp cứu. Trước là cứu mình, sau là cứu người khác.

Theo thông tin báo chí, ngày 8-11-2020, Sở Cứu hỏa bang California (Mỹ) đã vinh danh một em bé 4 tuổi vì đã cứu em trai 2 tuổi thoát chết đuối trong hồ bơi gia đình mình.

Khi thấy em rơi xuống hồ bơi sau nhà, nhanh như chớp, Mason lao khỏi nhà, bắt lấy tay em và hét lên cầu cứu, trong lúc tìm cách giữ đầu em trai khỏi mặt nước. Kỹ năng này được truyền đạt từ gia đình và trường mẫu giáo.

Tháng 9-2011, cô gái 22 tuổi tên Jeni Anderson rơi 18m từ boong tàu xuống biển với nhiệt độ 14 độ C khi đang trên đường từ Anh tới Hà Lan. Nửa giờ sau, tàu quay lại tìm và kịp cứu được cô.

Trước đó 2 tuần, chiều 20-8-2011, một cô gái 20 tuổi rơi gần 2m, từ sà lan trên sông Vàm Cỏ Đông (Long An) xuống sông. Vài tiếng sau mới tìm được xác. Sự khác biệt trước hết ở chỗ kỹ năng bơi của hai nạn nhân.

Tôi từng đưa những nhóm khách nước ngoài đi du lịch sông nước. Có lần, hai vợ chồng già ra trước mũi tàu chụp hình. Gặp tàu ngược chiều, sóng mạnh, người chồng rớt xuống hồ. Người vợ cầm tay kéo chồng lên, bị níu xuống. Cả hai bơi đứng, loi ngoi trèo lên tàu. Ho tươi cười như vừa trải nghiệm thú vị. Hỏi thăm, mới hay cả đoàn khách hôm ấy ai cũng biết bơi.

Phổ cập cách nào?

Tôi xin phép nhắc lại chuyện cũ trong những chuyện chết đuối hôm nay để nói về kỹ năng bơi lội, điều cần thiết với tất cả mọi người. Phổ cập bơi là cần thiết nhưng bằng cách nào? Lấy đâu ra tiền và hồ bơi đâu để tập, thầy đâu để dạy?

Những điều này như điệp khúc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" trong các hội thảo, hội nghị.

Có một sự thật: trong khi học sinh ở các đô thị được đi học bơi gần như bắt buộc thì ở các vùng nông thôn với sông rạch khắp nơi trẻ không được tổ chức dạy bơi. Vì sao? Ai cũng có thể trả lời ngay do ở nông thôn không có hồ bơi. Nhưng dạy bơi đâu cần hồ bơi! Nếu tâm huyết và muốn làm vẫn có cách.

Tận dụng kênh rạch, giăng dây làm hồ bây giờ không quá hiếm. Các tình nguyện viên sẵn sàng dạy miễn phí hoặc chỉ lấy thù lao tượng trưng.

Vấn đề là làm sao những sáng kiến dạy bơi cho trẻ được nhân rộng khắp nơi. Không chỉ là việc của nhà trường, đây cần được xem là việc chung của xã hội, cần sự chung tay của nhiều đoàn thể, tổ chức.

Ở thành phố, nếu không sẵn hồ bơi cố định, dùng hồ bơi di động, hồ bơi bạt… tùy vào nhà tổ chức. Thành lập các đội tình nguyện dạy bơi phổ cập cũng sẽ là cách tốt. Cần tạo hiệu ứng dư luận để phụ huynh và nhà trường xem việc dạy bơi và sơ cấp cứu phổ cập là nhiệm vụ trọng tâm song song chuyện dạy và học ở phổ thông.

Biết bơi giỏi ít nhất một kiểu, biết đứng nước và thả nổi có thể thoát chết dưới nước. Còn để cứu người đuối nước, biết bơi chưa đủ mà phải biết cách, nếu không sẽ dính chùm, cùng nguy.

Chúng ta có rất nhiều hoạt động từ các nhà hảo tâm, tài trợ đủ thứ. Mong có một phần tài trợ cho phổ cập bơi và sơ cấp cứu. Chuyện khó cũng có thể hóa dễ.

Phổ cập dạy bơi để giảm tử vong do đuối nước ở trẻ emPhổ cập dạy bơi để giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em

TTO - Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em. Một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm nguy cơ đuối nước là phổ cập dạy bơi cho trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp