Lực lượng Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng chuyền tay nhau từng khối đá để dọn đất đá tại nghĩa trang Hòa Sơn - Ảnh: B.D.
Tui chỉ biết đổ sụp xuống sụp lạy cha, bật khóc khi thấy bộ đội vất vả làm hết sức để tìm mộ cho gia đình. Người ta nói nước sông, công lính thật không lúc nào đúng như những lúc bối rối trong hoạn nạn.
Ông HUỲNH CHU
Chiều 27-10, trong màn mưa dày đặc, nước kèm theo đất đá từ các khối núi tiếp tục trút xuống khu nghĩa trang Hòa Sơn. Lầm lụi dưới bùn đất, những người lính trẻ xếp thành hàng dài từ chân núi chuyền trên tay nhau từng viên đá để đưa về điểm tập kết.
Dưới chân họ, mỗi viên đá được lật lên là thêm một phần mộ lộ ra, gieo niềm hy vọng tìm lại mồ mả cho những thân nhân.
Không thể dùng máy móc, chỉ có sức người
Nghĩa trang Hòa Sơn nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng 20km, là khu chôn cất tập trung lớn nhất tại TP Đà Nẵng.
Khi quy hoạch khu đất nằm bao quanh núi ở nơi được xem là an toàn, cao ráo và bình yên nhất Đà Nẵng này, không ai nghĩ có một ngày những nấm mồ sẽ bị cào vùi tơi tả. Sự cuồng nộ của thiên tai không chỉ làm người sống phải vật lộn với nước mà những phần mộ đã yên nghỉ từ lâu cũng bị xới bung.
Hai tuần sau trận mưa kỷ lục kéo dài 6 tiếng bắt đầu từ 14-10, khu nghĩa trang Hòa Sơn như vừa trải qua một trận bom. Bốn bề núi chi chít những vết loang lổ, đất đá bị mưng nước trên các ngọn đồi trụt xuống thung lũng rồi kéo theo vô vàn đất đá, cây cối tùa lấp những dãy mộ nằm dưới chân.
Trong màn mưa dày đặc, bóng những người lính trẻ thuộc Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng và Sư đoàn 315 mặc quân phục nhòa vào đất đá, tỉ mẩn gạn từng viên đá, găng tay cào xuống nền đất để tìm bia mộ, hài cốt bị vùi dưới nền đất.
Tại điểm sạt lở số 1 nằm ngay trên con đường lớn dẫn từ bên ngoài vào trung tâm nghĩa trang, gần 160 cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ thuộc Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng gần 10 ngày qua đã bám trụ từng giây phút để nỗ lực đào bới tìm kiếm các mộ phần giúp các thân nhân.
Cạnh họ, những giọt nước mắt buồn bã cùng sự biết ơn của thân nhân túc trực từng giây phút trôi qua để đợi tìm thấy phần mộ người thân của mình.
Thiếu tá Huỳnh Minh Thảo - phó trung đoàn trưởng kiêm tham mưu trưởng Trung đoàn 971 - cho biết trước sự mất mát, sốt ruột của người thân có mộ phần bị vùi lấp ở nghĩa trang Hòa Sơn, ngay sau khi giúp người dân ở các khu dân cư bị ngập lụt tại TP Đà Nẵng, gần 160 cán bộ chiến sĩ đã được lệnh cấp tốc lên đường đóng quân ở xã Hòa Sơn để làm nhiệm vụ.
Từ sáng 20-10, toàn bộ lực lượng từ chỉ huy tới chiến sĩ được lệnh hạ trại, tổ chức ăn nghỉ tại Nhà văn hóa xã Hòa Sơn để thuận tiện cho việc dọn dẹp tại nghĩa trang.
Theo thiếu tá Thảo, sáng 20-10 khi bộ đội có mặt ở vị trí điểm sạt lở số 1, tất cả đều ngổn ngang như vừa trải qua một trận bom. Lũ kéo theo đất đá tùa thành nhiều vệt khổng lồ, chạy hình chân chim từ khe núi vùi lấp hàng trăm khu mộ. Vị trí điểm sạt lở số 1 đặc biệt đau lòng hơn khi đa phần mộ là các thai nhi, nhiều phần mộ khuyết danh.
"Anh em chúng tôi thấy mà không cầm được nước mắt. Từng thân nhân đang ngổn ngang nhà cửa vì bùn lũ nhưng nghe tin phần mộ con em mình bị lấp thì tất tưởi chạy lên giữa mưa, họ gào khóc tìm bới vì chẳng thấy nơi người thân của mình nằm ở đâu giữa đống đổ nát.
Anh em chỉ vội thắp nén hương rồi xắn tay vào việc, làm với tất cả trách nhiệm, tinh thần nghĩa vụ thiêng liêng của người lính vì nhân dân" - ông Thảo nói.
Mưa lũ đã vùi hàng ngàn ngôi mộ ở tổng cộng sáu điểm sạt lở bao quanh nghĩa trang Hòa Sơn, có những điểm trước khi đất đá đổ xuống là chi chít các mộ phần ngay hàng thẳng lối, người dưới mộ đã mồ yên mả đẹp.
Nhưng tất cả đều thay đổi xấu đi chỉ sau một đêm. Nhiều điểm đất đá vùi tới 1-2m. Xe cơ giới được huy động tới nhưng cũng đành phải nằm im, bởi việc dọn dẹp không thể dùng máy móc.
Ông Huỳnh Chu (ở đường Trần Cao Vân, TP Đà Nẵng) tìm lại được phần mộ của cha sau khi bộ đội dọn dẹp đất đá - Ảnh: B.D.
Dưới đất còn đó mộ người nằm
Trong mất mát và thiệt hại của người dân Đà Nẵng qua trận lũ lịch sử thì mất của, mất nhà còn có thể lấy lại được. Nhưng việc để lạc mất mộ phần nếu không tìm lại được thì sẽ mãi để lại nỗi đau khôn nguôi, day dứt.
Người sống sẽ không thể yên lòng khi không biết phần mộ của cha mẹ, con em, anh chị đã qua đời của mình đang nằm đâu đó dưới lòng đất dù trước đó mọi thứ tưởng đã yên bề.
Khi những người lính Quân khu 5 có mặt, nhiều thân nhân có mộ người thân ở nghĩa trang Hòa Sơn đã đổ gục. Họ khóc không chỉ bởi nỗi âu lo sẽ khó tìm lại được người thân của mình, có những giọt nước mắt đã rơi vì những người lính.
Trong ngổn ngang đất đá và mưa dầm, những người lính vẫn lầm lụi dỡ đá, bới đất miệt mài từ sáng tới tối mịt để tìm những tia hy vọng cho thân nhân các gia đình.
Chiều 26-10, 35 cán bộ dân quân tự vệ của huyện Hòa Vang người bê bết bùn đất, tay rớm máu xếp thành hàng dài để chất từng hòn đá đắp thành kè gia cố lại tuyến kè phân chia các dãy mộ vừa bị mưa cào phá.
Đứng bên cạnh họ, ông Huỳnh Chu, nhà ở đường Trần Cao Vân (TP Đà Nẵng) nửa mừng nửa tủi đợi từng viên đá được dỡ ra dưới phần mộ người cha của mình.
Ông Chu cho biết đã đứng ở nghĩa trang Hòa Sơn suốt 1 tuần qua đợi đất đá được dọn dẹp xong, để ông kêu thợ lên vá đắp phần nắp mộ đã bị nước cuốn trong lũ. Sau lưng những người lính, những hàng khói nghi ngút tại từng vị trí nghi có mộ được thắp lên, một cây tre đính ở đầu mẩu giấy số thứ tự mộ phần được cắm vội lên để người qua lại không giẫm đạp.
Ông Chu là một trong rất ít người may mắn đã tìm lại được mộ của cha mình nhờ công sức đào bới đất đá của bộ đội.
"Hôm nghe nước lớn đổ về, tui không nghĩ rằng chỗ cha mình nằm lại bị cào phá. Nhận được điện thoại từ ban quản lý nghĩa trang tui liền tức tốc chạy lên, đứng ở xa thấy vệt đất đá đổ từ núi xuyên qua vị trí cha tôi nằm nên tôi đã nghĩ thôi thế là chết rồi, mộ cha đã vùi rồi.
Nhưng chạy lên tới nơi thì thấy anh em bộ đội, dân quân đang tỉ mẩn dỡ đá. Tấm bia ghi tên phần mộ cha tui vẫn còn nguyên, nước dỡ mất phần nắp" - ông Chu xúc động.
Đang lụi cụi bốc đá cùng đồng đội mình, chiến sĩ trẻ Đoàn Ngọc Tâm, tiểu đội trưởng tiểu đội công binh Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng, mặt lấm lem bùn đất, bộ quân phục dính bùn chỉ lộ ra hai cầu vai trung sĩ.
Tâm nói rằng suốt hơn 1 tuần qua mình cùng đồng đội đã trực chiến ở Hòa Sơn để giúp dân tìm lại các phần mồ mả bị lũ vùi.
"Chúng tôi là lính nên phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên. Anh em làm từ sáng tới tối để chạy đua bốc hết đất đá mong tìm lại được các phần mộ càng sớm càng tốt.
Công việc không thể dùng máy móc nên anh em phải dùng tay, chỗ nào đá nằm sâu quá thì phải dùng cuốc chim đào xuống rồi nhẹ nhàng dỡ lên.
Chỉ huy và anh em tự bảo nhau làm thật nhẹ nhàng, để lỡ chỗ nào có hài cốt thì không bị đảo lộn. Tối về thì anh em bố trí ăn nghỉ tại nhà văn hóa, có quân nhu và y tế đi kèm" - Tâm nói.
Chỉ kết thúc công việc khi đất đá được dọn sạch
Bộ tư lệnh Quân khu 5 cho biết do khối lượng đất đá và lượng mồ mả bị vùi quá lớn nên Quân khu 5 đã huy động gần 1.000 cán bộ chiến sĩ làm việc liên tục từ sau khi lũ ập về Đà Nẵng.
Tổng cộng có sáu điểm sạt lở với diện tích khoảng 2ha có mồ mả đã bị đất đá vùi lấp.
Quân khu 5 đã huy động lực lượng đóng quân tại xã Hòa Sơn để khẩn trương dọn dẹp, tìm lại mồ mả cho các gia đình. Những phần mộ bị hư hại và xác định được lai lịch sẽ bàn giao cho các hộ gia đình.
Đối với các mộ phần bị cào vùi không thể xác định được, bộ đội sẽ bốc dỡ hết đất đá, bàn giao mặt bằng để các đơn vị làm các thủ tục tiếp theo. Quân đội chỉ rút quân khi nghĩa trang đã được dọn sạch cơ bản đất đá vùi lấp.
Chứng kiến sự tận tụy và vất vả của những người lính, thân nhân các gia đình, các nhà hảo tâm và bà con TP Đà Nẵng đã gom góp nấu cơm, tiếp nước uống, thức ăn tới vị trí làm việc để động viên bộ đội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận