Ngày 23-5, giám đốc FAA, ông Mike Whitaker, cho biết tuần sau là thời hạn để Boeing trình kế hoạch xử lý vấn đề kiểm soát chất lượng máy bay sau sự cố hồi đầu năm nay.
Ngày 5-1, chiếc máy bay Boeing 737 MAX do Hãng hàng không Alaska Airlines (Mỹ) vận hành phải hạ cánh khẩn cấp vì bung cửa khi đang bay. Vụ việc này không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, FAA vẫn ra lệnh đình chỉ và cấm mở rộng sản xuất dòng máy bay 737 MAX của Boeing để kiểm tra về mức độ an toàn.
Một cuộc kiểm toán của FAA cũng phát hiện ra các vấn đề nghiêm trọng. Ngày 28-2, FAA đã cho Boeing thời hạn 90 ngày đưa ra kế hoạch toàn diện nhằm khắc phục vấn đề kiểm soát chất lượng sau sự cố trên.
Dù vậy, ông Whitaker cho rằng kế hoạch này chưa phải là cuối cùng mà chỉ là điểm khởi đầu của cả một chặng đường dài phía trước để Boeing có thể khắc phục được toàn bộ những vấn đề an toàn trong quá trình sản xuất.
Ông cho biết FAA đã hợp tác chặt chẽ với Boeing trong 90 ngày qua. "Đó là đưa hệ thống an toàn đến đúng nơi và văn hóa để nhân viên có thể lên tiếng khi họ thấy điều gì đó đáng lo ngại", ông Whitaker nói trên Đài ABC News.
Trước đó, giám đốc điều hành David Calhoun, người sẽ từ chức vào cuối năm nay, cho biết Boeing "sẽ phát triển kế hoạch hành động toàn diện với các tiêu chí có thể đo lường được để chứng minh sự thay đổi sâu sắc mà ông Whitaker và FAA yêu cầu".
Một loạt sự cố liên quan các dòng máy bay của Boeing làm dấy lên lo ngại về các tiêu chuẩn sản xuất và bảo trì. Sự cố của Alaska Airlines hồi đầu năm có thể do lỗi từ khâu sản xuất do máy bay phần cánh bị bung thiếu tới bốn chiếc bu lông cố định.
Trước đó, hai vụ tai nạn nghiêm trọng của máy bay Boeing 737 MAX năm 2018 ở Indonesia và 2019 ở Ethiopia được cho là do lỗi thiết kế liên quan đến hệ thống ổn định chuyến bay.
Từ đầu năm đến nay, các máy bay Boeing liên tục gặp vấn đề về an toàn, bao gồm một chiếc Boeing 777 bị rơi bánh khi cất cánh từ San Francisco, trong khi một chiếc Boeing 737 MAX hoạt động ở Mỹ bị hỏng bánh sau khi hạ cánh. Sự cố kịch tính nhất là vụ máy bay Boeing 787 lao xuống trong chuyến bay từ Úc tới New Zealand, khiến 50 hành khách bị thương.
Các chuyên gia cho rằng việc chú trọng nhiều hơn đến việc kiếm lợi nhuận trong những năm gần đây đã dẫn đến lo ngại rằng Boeing có thể đã hạ thấp tiêu chuẩn về an toàn. Những trở ngại về chuỗi cung ứng từ đại dịch COVID-19 cũng có thể đã ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn bảo trì, có thể gián tiếp dẫn đến sai sót khiến nút cửa khẩn cấp của Alaska Airlines bị bung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận