Động mạch chủ- Ảnh minh họa
ThS.BS Phan Thái Hảo, giảng viên Bộ môn Nội tổng quát - ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết lóc tách động mạch chủ thường gặp ở nam hơn ở nữ theo tỉ lệ 5/1.
Lóc tách động mạch chủ Type A thường gặp ở tuổi 50-60, type B ở tuổi 60-70.
Thường xảy ra vào buổi sáng từ 6-10 giờ, mùa lạnh bóc tách động mạch chủ nhiều hơn.
Lóc tách động mạch chủ là gì?
Lóc thành động mạch chủ hay còn gọi là bóc tách động mạch chủ là một thảm họa động mạch chủ với tần suất 5-30 trường hợp/1 triệu dân/1 năm.
Đây là tình trạng vỡ lớp nội mạc và lớp trung mạc của động mạch chủ, máu len giữa các lớp động mạch và bóc tách chúng tạo nên lòng giả động mạch.
Với áp lực dòng máu các lớp động mạch sẽ tiếp tục bóc tách dọc theo động mạch và chúng có thể tiếp tục làm rách lớp nội mạc động mạch.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị song bóc tách động mạch chủ vẫn là một bệnh lý chết người với tỉ lệ tử vong cao. Tới 21% các trường hợp tử vong trước nhập viện.
Nếu không điều trị khoảng 23% trường hợp tử vong trong 6 giờ đầu, 50% tử vong trong 24 giờ, 68% tử vong trong 1 tuần.
Con số dễ nhớ là tỷ lệ tử vong tăng xấp xỉ 1%/giờ trong vòng 48 giờ đầu.
Lóc tách động mạch chủ có hai cách phân loại
Phân loại của DeBakey chia làm 3 type:
Type I: bóc tách xuất phát từ động mạch chủ lên và lan rộng ra toàn bộ động mạch chủ ngực và bụng.
Type II: bóc tách xuất phát từ động mạch chủ lên và khu trú ở động mạch chủ lên.
Type III: bóc tách xuất phát từ động mạch chủ xuống. Type IIIa xảy ra khi chỉ khu trú tại động mạch chủ ngực xuống, type IIIb khi lan tới động mạch chủ bụng.
Phân loại của Stanford có 2 type:
Type A: bóc tách động mạch chủ lên.
Type B: bóc tách động mạch chủ xuống.
Điều trị từ khi có yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra bóc tách động mạch chủ, tăng áp lực thành động mạch chủ ngực: tăng huyết áp, không kiểm soát được; u tủy thượng thận; cocaine hoặc các chất kích thích khác; tăng cân nhanh; gắng sức quá mức; chấn thương; chấn thương xoắn vặn/giảm tốc đột ngột (tai nạn xe hơi, rơi); hẹp eo động mạch chủ. bất thường trung mạc động mạch chủ: hội chứng Marfan; hội chứng Ehler-Danlos; van động mạch chủ 2 lá (kể cả đã thay van động mạch chủ); hội chứng Turner; hội chứng Loeys-Dietz; phình/tách động mạch chủ có tính gia đình.
Bệnh lý viêm mạch: viêm mạch Takayasu; viêm mạch tế bào khổng lồ; bệnh Behcet.
Và một số nguyên nhân khác như mang thai, bệnh thận đa nang, sử dụng corticoid mạn tính hoặc thuốc ức chế miễn dịch.
Bóc tách động mạch chủ có nhiều biến chứng: Vỡ qua thành tự do của lòng giả: thường liên quan trực tiếp đến vết rách nguyên thủy: (i) vỡ vào khoang màng tim ép tim; (ii) vỡ vào khoang màng phổi, trung thất…
Hở van động mạch chủ cấp tính: 50% các ca lóc thành động mạch chủ lên, do lóc tách ở giữa các tổ chức chống đỡ cho van động mạch chủ, có thể dẫn tới suy tim ứ huyết nặng nề.
Chèn ép vào các nhánh động mạch quan trọng do lóc tách lan vào các nhánh bên hoặc mảng nội mạc rách ép vào lỗ xuất phát.
Hoặc những biến chứng lâm sàng đa dạng: đột quỵ não, liệt hai chi dưới, tăng huyết áp do suy thận, thiếu máu tạng, nhồi máu cơ tim, phình giãn và vỡ thứ phát (muộn).
Khi đã điều trị ngoại khoa, đối với bóc tách động mạch chủ type A là cắt đoạn động mạch thương tổn và thay thế với ống ghép nhân tạo. Đặt ống ghép nội mạch với bóc tách động mạch chủ type B.
Đối với bóc tách động mạch chủ nói chung, bệnh rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng người bệnh thường đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch do bị bỏ sót khi chẩn đoán hoặc chủ quan. Có trường hợp bệnh nhân đã đột tử trước khi đến bệnh viện.
Chính vì vậy, các bác sĩ thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị từ khi từ khi người bệnh có triệu chứng tụt huyết áp. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh nhất là tăng huyết áp.
Khám tầm soát sớm nếu có các yếu tố nguy cơ trên và đi khám ngay nếu có các triệu chứng như đau ngực, ngất (xỉu), yếu liệt hay tê...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận