Thủ tướng Phạm Minh Chính (bìa phải) kiểm tra một trạm y tế lưu động tại TP.HCM, ngày 26-8 - Ảnh: VGP
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cho rằng: Công tác phòng chống dịch vẫn còn những hạn chế, cần được rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa. Công tác dự báo tình hình dịch có lúc, có nơi chưa sát với thực tiễn cho nên thời gian đầu còn lúng túng, bị động, bất ngờ.
Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, có lúc chưa nhất quán. Một số nơi chưa xác định rõ mục tiêu cụ thể cần đạt được khi giãn cách; chưa tổ chức xét nghiệm theo quy định, xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây lan nên phải kéo dài thời gian và làm chậm việc thu hẹp phạm vi giãn cách.
Hệ thống y tế bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bùng phát, người dân khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, dẫn đến quá tải và tử vong. Chưa kịp thời có các chính sách huy động nguồn lực, hợp tác công tư trong phòng, chống dịch.
Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, vắc xin... đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước cho nên dẫn đến bị động và tốn kém. Việc mua vắc xin chịu nhiều rủi ro do phải chấp nhận các điều kiện của nhà cung cấp. Về cơ bản vắc xin trên thế giới rất khan hiếm.
Còn tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi khi chưa có dịch hoặc dịch đã đi qua; ngược lại khi có dịch lại hoang mang, lo sợ, lúng túng, mất bình tĩnh dẫn đến áp dụng các biện pháp cực đoan, chưa phù hợp, thiếu thống nhất; một số biện pháp chưa được tính toán kỹ, thay đổi đột ngột, nhất là quy định về đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa, gây ách tắc cục bộ.
Công tác truyền thông có nơi, có lúc chưa chủ động đi trước; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch chậm được tích hợp thành một ứng dụng duy nhất để tạo thuận lợi cho người dân.
Từ thực tế diễn biến tình hình dịch, các biện pháp đã triển khai, nhất là trong đợt dịch thứ 4, Bộ Y tế nêu một số bài học kinh nghiệm được đúc kết.
Trước hết, đó là bài học về sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó, phải bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả và tổ chức thực hiện linh hoạt theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, nhất quán; tổ chức thực hiện phải phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, nhất là ở cấp cơ sở. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ trong tổ chức thực hiện; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Do việc chống dịch là chưa có tiền lệ cho nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm với tinh thần cầu thị, lắng nghe; khi các biện pháp, giải pháp đã được thực tiễn chứng minh là đúng thì phải kiên định, kiên trì, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết liệt, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Khi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, xác định rõ mục tiêu, các biện pháp, thời hạn và gắn với thực hiện đồng bộ các biện pháp an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Đến ngày 30-9-2021, thế giới ghi nhận hơn 234 triệu ca mắc COVID-19, trên 4,7 triệu trường hợp tử vong. Trong tuần đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca mắc mới, hơn 53.000 trường hợp tử vong. Việt Nam đã ghi nhận khoảng 787.000 ca mắc, 606.000 người đã khỏi bệnh (74%); có 13/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 7 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng). Tỉ lệ mắc bệnh trên 1 triệu dân của Việt Nam xếp thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉ lệ tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 136/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 1 tuần qua, so với tuần trước, số ca mắc cộng đồng giảm 13,8%, trong đó, Hà Nội ghi nhận 2 ca (giảm 9 ca); TP.HCM 26.535 ca (giảm 11.349); Bình Dương 985 ca (giảm 272); Đồng Nai 46 ca (giảm 47), Long An 31 ca (giảm 41), An Giang 353 ca (giảm 262). Số tử vong giảm 20%, trong đó TP.HCM giảm 22%, Bình Dương giảm 19%, Đồng Nai giảm 9%, Long An giảm 29%. Tính đến ngày 29-9-2021, cả nước đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 56,3 triệu lượt người; từ 29-4-2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 52,8 triệu lượt người. Tỉ lệ xét nghiệm/1 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 134/223 trên thế giới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận